Thái Nguyên: Gìn giữ nét đẹp văn hóa trong những ngôi nhà gỗ

Đến xóm Đèo Nhe, xã Thành Công (T.X Phổ Yên), chúng tôi được chiêm ngưỡng những ngôi nhà gỗ của một số dân tộc ít người Nam được phục dựng khá kỳ công, tạo nên điểm nhấn giữa không gian xanh mướt của đồi núi. Đây là thành quả của anh Nguyễn Hữu Huỳnh (sinh năm 1985), người đã dành nhiều thời gian và tâm huyết vào việc gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc qua những nếp nhà.

nha-go-1626132236.gifMột ngôi nhà gỗ đang được phục dựng tại khuôn viên của gia đình anh Nguyễn Hữu Huỳnh

“Mục sở thị” những ngôi nhà gỗ truyền thống Bắc Bộ, nhà sàn của dân tộc Cao Lan, Tày, Nùng… được phục dựng tại khuôn viên của gia đình anh Huỳnh, chúng tôi bị cuốn hút bởi những nét hoa văn được chạm khắc tinh tế trên các phần xà, mái, cột.

Anh Huỳnh chia sẻ: Từ khi còn là sinh viên của Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, tôi đã có niềm đam mê đặc biệt với các loại gỗ. Trong quá trình đi thực tế ở các tỉnh, được sống trong chính những ngôi nhà gỗ, nhà sàn của người dân, tôi không khỏi tiếc nuối khi thấy nét đẹp văn hóa của dân tộc đang dần mai một. Với mong muốn tạo ra một nơi để mọi người đến tìm hiểu những nét văn hóa của dân tộc mình mà không phải đi đâu xa, tôi mua thêm đất để mở rộng khuôn viên của gia đình lên hơn 20ha, sưu tầm các mẫu kiến trúc nhà gỗ về phục dựng.

Năm 2007, ngôi nhà sàn của dân tộc Cao Lan đã được phục dựng nguyên bản, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Anh Huỳnh cũng tập hợp được khoảng 50 thợ mộc giỏi, am hiểu văn hóa của dân tộc ở nhiều nơi, hỗ trợ anh trong việc phục dựng. Với kiến thức được học về lâm nghiệp, lại đang làm việc tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp T.X Phổ Yên, ngoài việc kinh doanh đa dạng cây giống, anh Huỳnh còn đầu tư chăn nuôi gà, dê mang lại hiệu quả kinh tế. Với số tiền tích lũy được, một phần để trang trải cuộc sống gia đình, phần còn lại anh dành để phục vụ niềm đam mê nhà gỗ của mình.

Khi người dân các nơi muốn bán hoặc tháo dỡ nhà gỗ để làm nhà mới, anh đều kết nối để mua lại với giá dao động từ 150 triệu đến trên 500 triệu đồng/nhà. Đến nay, anh đã phục dựng được 20 nhà gỗ, nhà sàn của một số dân tộc. Những năm gần đây, gia đình anh đã đón tiếp khá nhiều đoàn khách tự do ở trong nước cũng như nước ngoài đến tham quan và trải nghiệm miễn phí. 

Mỗi dân tộc có kiến trúc nhà gỗ, nhà sàn với những họa tiết thay đổi phù hợp ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau, do vậy những năm qua, anh Huỳnh đã dành không ít thời gian đi thực tế, nghiên cứu, sưu tầm. Đến nay, chỉ cần nhìn hoa văn khắc họa trên gỗ anh cũng có thể biết đó là nhà của dân tộc nào, niên đại ra sao.

Nhìn lại thành quả hơn 10 năm không ngừng nỗ lực, anh Huỳnh chia sẻ với chúng tôi bằng giọng tự hào: Dù mất khá nhiều thời gian và công sức, khi vừa phải hoàn thành công việc cơ quan, lại bận bịu với đội thợ trong công tác phục dựng, song niềm đam mê với nhà gỗ trong tôi chưa bao giờ giảm đi. Để có thành quả ngày hôm nay, ngoài việc được gia đình, người thân luôn tin tưởng, ủng hộ, tôi còn được bạn bè, đồng nghiệp động viên, hỗ trợ rất nhiều. Công việc này không chỉ giúp tôi được thỏa niềm đam mê về gỗ mà còn thấy rất vui khi mình được góp một phần công sức vào việc gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục phục dựng khoảng 100 nhà gỗ của các dân tộc Việt Nam. Mong muốn một ngày không xa, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch sinh thái, thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm – anh Huỳnh nói.