Đồng chí Dương Văn Lượng và đại diện lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Cờ lưu niệm cho các địa phương tham dự Liên hoan tuyên truyền lưu động tỉnh năm 2020
"Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) là phong trào rộng lớn với 5 nội dung và 7 phong trào chính. Trong đó, các phong trào: Xây dựng Gia đình văn hóa; Xóm, thôn, làng, bản, tổ dân phố văn hóa; Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa chính là nền tảng, là cốt lõi của Phong trào TDĐKXDĐSVH và đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đây là các chỉ tiêu khẳng định cho ý thức trách nhiệm, sự nỗ lực của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc xây dựng đời sống văn hóa trên mọi lĩnh vực của đời sống-xã hội.
Nói về việc triển khai thực hiện Phong trào, đồng chí Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh cho biết: Phong trào TDĐKXDĐSVH luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phong trào, Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Phong trào cấp tỉnh ban hành được 35 chương trình, đề án, kế hoạch và gần 1.000 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào trên địa bàn.Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh đã đưa nội dung phong trào vào Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND, UBND các cấp, cùng với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và thiết thực.
Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Cờ lưu niệm cho người cao tuổi tham gia Hội thi thể dục dưỡng sinh năm 2020
Sau 20 năm, phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng phát triển, 5 nội dung của phong trào đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ngành đoàn thể trong tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đạt được hiệu quả cao; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh chỉ còn 2,82%; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã có nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng tiết kiệm, trang trọng, lành mạnh; 100% xóm, tổ dân phố có hương ước, quy ước, trong đó gần 85% hương ước, quy ước đã được phê duyệt, qua đó phát huy hiệu quả vai trò tự quản của cộng đồng dân cư.
Những mô hình về gia đình, khu dân cư, các cơ quan, đơn vị văn hóa tiêu biểu xuất sắc được nhân rộng; tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để xây dựng và cải tạo các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. 100% huyện, thành phố, thị xã đã thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông; 178/178 xã, phường, thị trấn có trung tâm Văn hóa - Thể thao, nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng, trong đó có 108 trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn theo quy định; trên 96% xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã phát huy công năng sử dụng, góp phần truyền tải đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các sinh hoạt cộng đồng khác, tỷ lệ thu hút nhân dân tham gia bình quân đạt 45%.
Cùng với việc thực hiện tốt 5 nội dung, 7 phong trào cũng đạt kết quả cao. Đặc biệt, phong trào trọng tâm Xây dựng gia đình văn hóa đã lan tỏa đến từng gia đình. Nếu như năm 2000, toàn tỉnh có trên 101,3 nghìn gia đình văn hóa (chiếm 44%) thì đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 299,5 nghìn gia đình văn hoá (chiếm 91,30%). Việc thực hiệu hiệu quả phong trào này cũng chính là cơ sở để triển khai các phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Thời điểm phát động Phong trào, toàn tỉnh mới chỉ có 522 xóm, tổ dân phố văn hóa (đạt 7,4%) thì đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 2.142 xóm, tổ dân phố văn hóa (đạt 91,73%). Đặc biệt, nhiều xóm, tổ dân phố duy trì danh hiệu văn hóa liên tục 10-20 năm, thậm chí nhiều xóm, tổ dân phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” cũng là một điểm nhấn quan trọng. Phong trào đã được triển khai đến 100% công đoàn các cơ sở qua đó, các đơn vị đều xây dựng nề nếp làm việc trong cơ quan, phong cách làm việc của cán bộ, nhân viên văn minh, khoa học. Phong trào này đã góp phần xây dựng đội ngũ người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Nếu như năm 2000, toàn tỉnh mới có 88 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (chiếm 16,3%) thì đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 1.519 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (chiếm 93,64%).
Anh Phạm Văn Quyết, Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công là một trong những cá nhân tiêu biểu trong lao động của tỉnh năm 2020. Anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong đơn vị doanh nghiệp của mình. Năm 2020, anh và các công nhân khác đã đóng góp cho Công ty 70 sáng kiến, được đưa vào áp dụng trong thực tế sản xuất, làm lợi cho Công ty trên 2 tỷ đồng. Anh Quyết chia sẻ, xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa không chỉ là mục tiêu hay khẩu hiệu mà cần đi đôi với những việc làm thiết thực. Được sự khuyến khích, động viên của Công ty, chúng tôi đều xây dựng cho mình nề nếp làm việc kỷ luật, văn minh, khoa học; phát huy kiến thức chuyên môn nâng cao hiệu quả công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Người dân xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) thường xuyên chơi bóng chuyền hơi để rèn luyện sức khỏe.
Trong kết quả chung, Cuộc Vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Chúng tôi đã phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo để vận động người dân thực hiện tốt 5 nội dung cơ bản gồm: Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, Đoàn kết chấp hành pháp luật, Đoàn kết phát huy dân chủ. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh hướng dẫn đến Ủy ban MTTQ các cấp việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư nhằm tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đến nay, địa bàn tỉnh đã có 75,52% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 33,33% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; 49 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu…
Cùng với đó, hiện tại, toàn tỉnh có trên 30% dân số tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; 23% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao. Các thiết chế văn hóa - thể thao đã và đang thu hút đông đảo người dân tham gia luyện tập, thi đấu. Qua phong trào xây dựng người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến đã có trên 25 nghìn lượt tập thể, cá nhân được cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng từ năm 2000 đến nay.
Nói về Phong trào TDĐKXDĐSVH, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào nhấn mạnh: Đây là phong trào lớn mang tính toàn dân, toàn diện tác động sâu rộng đến đời sống, kinh tế - xã hội, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cả cộng đồng để cùng nhau thực hiện. Giai đoạn tới đây đòi hỏi chúng ta phải có những thay đổi trong cách làm để phù hợp với yêu cầu phát triển. UBND tỉnh sẽ tập trung vào một số nội dung như: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, MTTQ và các đoàn thể chính trị, các cơ quan, đơn vị trong thực hiện phong trào. Gắn phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với các phong trào thi đua. Triển khai hiệu quả chương trình phối hợp về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Thực hiện tốt công tác quản lý, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa đảm bảo chất lượng, thực chất. Lấy người dân làm chủ thể để quyết định nội dung của phong trào. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá các nội dung, nhiệm vụ ở cơ sở và tăng cường biểu dương khen thưởng những đơn vị có cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả.