Thanh Hóa: 30 năm phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa

Sáng ngày 14/11, Sở VH,TT&DL Thanh Hoá tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 1989 - 2019 và trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai, năm 2019.

Sáng ngày 14/11, Sở VH,TT&DL Thanh Hoá tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 1989 - 2019 và trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai, năm 2019.



Trò diễn Xuân Phả được biểu diễn tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Phát - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Duy Phương - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH,TT&DL, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây đựng dời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) tỉnh Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; thành viên BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH; thành viên hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”; Văn phòng BCĐ xây dựng nông thôn mới; đại diện lãnh đạo 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh…


Đồng chí Nguyễn Văn Phát - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân.

Theo báo cáo tại hội nghị, 30 năm qua, phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã trở thành một phong trào quần chúng, ngày càng phát triển liên tục và lớn mạnh, được đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia hưởng ứng mạnh mẽ. Từ mô hình làng văn hóa Đông Cao (xã Trung Chính, Nông Cống), đến làng Văn Đoài (Đông Văn, Đông Sơn), Ngọc Liên (Nga Liên, Nga Sơn), làng Sen (Triệu Sơn), từ năm 1991 đến 2009, tỉnh Thanh Hóa đăng ký xây dựng và công nhận 3.426/6.031 thôn, bản, phố, đạt tỷ lệ 56,8%; năm 2018, con số được công nhận danh hiệu văn hóa là 4.396/6.031, đạt tỷ lệ 72,8%.

Xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã gắn kết phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, phát huy nhân tố văn hóa trở thành nguồn lực phát triển kinh tế, “xóa đói giảm nghèo”, nâng cao đời sống vật chất của người dân ở nông thôn và xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, tạo bộ mặt nông thôn mới.


Đồng chí Nguyễn Văn Phát - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao Bằng khen của Bộ VH, TT&DL cho các tập thể có thành tích xuất sắc.

Từ khi có phong trào xây dựng làng văn hóa đến nay, nhân dân các làng văn hóa đã đóng góp trên 80%, có làng đóng góp 100% kinh phí để xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, đến cuối năm 2018 trên địa bàn toàn tỉnh có 5.259/6.031 Nhà Văn hóa - Khu Thể thao thôn (đạt tỷ lệ 87,2%). Các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dân gian, truyền thống tiếp tục được bảo tồn; các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, tâm linh được tôn trọng. Nhiều làng, bản, tổ dân phố đã và đang từng bước khôi phục lễ hội truyền thống, trò chơi, trò diễn dân gian; lễ hội truyền thống ở các thôn, làng, bản được tổ chức định kỳ hằng năm, đã tạo nên sắc thái văn hóa dân tộc đậm đà, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở các làng, bản, tổ dân phố văn hóa trong suốt 30 năm qua.

Báo cáo cũng nêu lên những hạn chế và đề ra 7 nhiệm vụ và nhiều giải pháp triển khai phong trào xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa giai đoạn 2020 - 2025.

Các ý kiếm tham luận tại hội nghị đã nêu lên những giải pháp xây dựng phố văn hóa với việc xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện: giải pháp xây dựng làng, bản, tổ dân phố gắn phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng nông thôn mới; hiệu quả và tác động của việc triển khai xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đối với đời sống kinh tế - xã hội của địa phương…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phát - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong 30 năm triển khai phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa và những công lao to lớn của các nghệ nhân ưu tú trong tỉnh trong những năm qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Văn Phát cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng làng, bản văn hóa còn hình thức, lệ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, chưa khai thác, phát huy đầy đủ các yếu tố văn hóa và nhân tố con người; công tác bảo tồn, phát huy, trao truyền các giá trị văn hóa được cấp ủy, chính quyền quan tâm, triển khai song chưa tạo thành phong trào…


Đồng chí Nguyễn Văn Phát - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Để triển khai tốt hơn nữa công tác xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa, đồng chí đề nghị các sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế; tiếp tục cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa của Chính phủ, của Bộ VH,TT&DL và tỉnh Thanh Hóa. Cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện phong trào, trọng tâm là xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện xét công nhận các danh hiệu văn hóa tại cơ sở, kịp thời có biện pháp tuyên truyền vận động sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, cùng với nhân dân tham gia vào công tác xây dựng phong trào. Đề nghị UBND các cấp hàng năm quan tâm, bố trí kinh phí cho công tác triển khai xét công nhân danh hiệu văn hóa; đưa nội dung xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chú trọng công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng, khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng văn hóa…

Đối với công tác bảo tồn, phát huy, truyền dạy và vinh danh nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, đồng chí Nguyễn Văn Phát yêu cầu Sở VH,TT&DL cần tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các chính sách về bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn; tham mưu thực hiện tốt Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Các ngành hữu quan cần có chính sách bảo tồn cụ thể để trao truyền các giá trị di sản văn hóa mà các nghệ nhân đang nắm giữ trước nguy cơ mai một; phát huy các giá trị của các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao, góp phần vào phát triển KT - XH của địa phương


Các đồng chí: Nguyễn Văn Phát - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Duy Phương - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH,TT&DL trao Bằng chứng nhận và tặng hoa cho 22 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Tại hội nghị, các đồng chí: Nguyễn Văn Phát - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Duy Phương - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH,TT&DL đã trao Bằng chứng nhận và tặng hoa cho 22 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; Bằng khen của Bộ VH,TT&DL cho 8 tập thể; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 14 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 30 năm phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 1989 - 2019. 

Cũng tại hội nghị, nhiều cá nhân, tập cũng được Giám đốc Sở VH, TT&DL tặng Giấy khen vì có nhiều thành tích trong 30 năm xây dựng phong trào làng, bản, tổ dân phố văn hóa tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 1989 - 2019.