Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được tái hiện trong ngày lễ hội lớn của huyện Ngọc Lặc.
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường luôn được huyện Ngọc Lặc quan tâm. Huyện đã đầu tư, hỗ trợ kinh phí mở các lớp tập huấn khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một. Thành lập thêm các câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc thiểu số từ huyện đến cơ sở. Năm 2019, huyện đã tổ chức 3 lớp truyền dạy trình diễn Pồôn Pôông - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, cho các cán bộ văn hóa huyện, xã, thị trấn và người dân yêu thích Pồôn Pôông. Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Giờ đây, hát xường, hát đang, đánh cồng chiêng, múa Pồôn Pôông, đánh cổng phường chúc, ném còn, đánh mảng... trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Thạch Lập là xã vùng cao của huyện Ngọc Lặc. Toàn xã có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất của người dân vẫn còn khó khăn nhưng ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được người dân quan tâm. Hiện nay, đồng bào Mường ở đây còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, như: Hát xường, hát đang, đánh cồng chiêng, múa Pồôn Pôông, đánh cồng phường chúc, ném còn, đánh mảng... và được tổ chức biểu diễn vào các ngày lễ tết. Cùng với đó, đồng bào dân tộc nơi đây vẫn còn lưu giữ nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc mình; nhiều hộ dân vẫn duy trì được nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải tạo nên những sản phẩm thổ cẩm truyền thống...
Ông Phạm Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Thạch Lập cho biết: Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt dân tộc Mường, địa phương đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn, phối hợp với các thôn đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc biệt là quan tâm tới các giá trị văn hóa truyền thống. Xã cũng khuyến khích người dân tham gia các lớp học truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống như nghệ thuật diễn xướng Pồôn Pôông. Hiện nay, xã đã thành lập được 1 câu lạc bộ “Văn hóa dân gian cồng chiêng” với 20 thành viên. Đặc biệt, đồng bào Mường ở làng Thạch Yên còn gìn giữ được lễ rước kiệu vào ngày mùng 1 tháng Giêng hằng năm, để tưởng nhớ một vị thần đã có công hướng dẫn người dân ở đây khai hoang, trồng cây lúa nước.
Trao đổi với chúng tôi về định hướng công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, ông Phạm Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: Thời gian tới, để giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, Ngọc Lặc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và phát triển KT-XH, thực hiện tốt các chủ trương chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường sự quản lý Nhà nước đối với việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đầu tư, hỗ trợ kinh phí mở các lớp tập huấn khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một. Có cơ chế hỗ trợ, tôn vinh đối với các nghệ nhân và những người am hiểu văn hóa truyền thống, có công trong việc bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.