Với đa số là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, những năm qua xã Vạn Xuân (Thường Xuân - Thanh Hoá), đã có nhiều giải pháp vận động nhân dân giữ gìn nếp sống văn hóa truyền thống, phát huy nét đẹp trong phong tục tập quán. Điển hình, người dân trong xã vẫn còn giữ được nếp nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát và các làn điệu, trò chơi, trò diễn truyền thống. Đặc biệt, vào ngày 15/1 âm lịch hàng năm, đồng bào Thái ở đây lại tổ chức lễ hội Nàng Han, nhằm tỏ lòng biết ơn đối với nàng Han - người con gái dân tộc Thái trên bản Lùm Nưa với lòng dũng cảm, sự mưu trí đứng lên bảo vệ quê hương và người dân vùng tổng Trịnh Vạn.
Lễ hội nàng Han được UBND huyện Thường Xuân và Sở VH,TT&DL Thanh Hóa khôi phục từ năm 2007, với hai phần: Phần tế lễ và phần hội. Phần tế lễ có ý nghĩa cầu mong sự may mắn, ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt cho mọi người. Phần hội, diễn ra ở ngoài hang trên bãi đất bằng phẳng, dưới chân núi. Mọi người vui chơi, múa hát quanh cây hoa (cây nêu), biểu diễn cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp, kéo co... Đây là nét văn hóa truyền thống của người Thái trên đất Mường Trịnh Vạn, nhằm ôn lại tích xưa về chiến công của người con gái Lùm Nưa anh dũng, kiên cường.
Người dân đã biết phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc. (Ảnh: Trần Đàm)
Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, những năm qua xã Vạn Xuân (Thường Xuân) đã tuyên truyền đến nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo tồn, khôi phục những làn điệu dân ca của địa phương. Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn, thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ…
Ông Cầm Bá Huyến - Trưởng phòng VH-TT huyện Thường Xuân, cho biết: Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên, hằng năm, phòng văn hóa - thông tin huyện đã tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có nhiều giải pháp cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Đến nay, huyện đã khôi phục được nhiều lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc, như Lễ hội Nàng Han, Lễ hội Dâng trâu tế trời (Xớ Pha), Lễ hội rước Thành hoàng làng (xã Thọ Thanh),... và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian. Bên cạnh đó, hằng năm tổ chức các hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp huyện; khuyến khích các xã có đồng bào dân tộc Thái khôi phục các lễ hội truyền thống và đưa các loại hình dân ca, dân vũ vào chương trình hội diễn, như: Hát xường, hát giao duyên, hát ru, hòa tấu nhạc cụ cồng chiêng và các trò chơi dân gian đánh mảng, đi cà kheo, ném còn, nhảy sạp... Đến nay, nhiều bản, làng vẫn còn giữ được nếp nhà sàn cổ, trang phục, phong tục truyền thống, như: Thôn Vịn, Đục ở xã Bát Mọt.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện bằng nhiều hình thức. Tiếp tục phục dựng các lễ hội truyền thống, đẩy mạnh công tác sưu tầm; tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trang phục của một số DTTS có nguy cơ mai một, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.
Tại xã Yên Lễ (Như Xuân) nơi có hơn 95% đồng bào dân tộc Thổ sinh sống vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn nhiều nét văn hóa đặc sắc. Để có kết quả này, xã Yên Lễ luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Theo đó, hằng năm, xã long trọng tổ chức lễ hội Đình Thi nhằm tri ân, tưởng nhớ công đức danh tướng Lê Phúc Thành - vị tướng giỏi giúp vua Lê đánh đuổi giặc Minh. Ông cũng là người có công khai khẩn đất đai, dựng làng lập bản mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Sau khi mất, ông được nhân dân trong vùng tôn làm Thành hoàng và xây dựng Đình Thi để thờ phụng. Lễ hội Đình Thi được xem là “đặc sản” văn hóa truyền thống của huyện Như Xuân, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách mỗi khi tổ chức. Trong lễ hội có hát đốm, hát ru, hát chậm đò ho; múa hát trống chiêng, đi cà kheo, ném còn...
Để góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa, nhiều địa phương ở khu vực miền núi đã và đang nỗ lực tìm giải pháp để lưu giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Điển hình như xã Mường Chanh (Mường Lát) có trên 90% là đồng bào Thái, trong đó 96% hộ dân vẫn sinh sống với nhiều thế hệ trong ngôi nhà sàn truyền thống. Ở đây, đồng bào vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn nét văn hóa trang phục cũng như các loại hình nghệ thuật, trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo, như: Làn điệu khặp, điệu xòe, nhảy sạp, khua luống, ném còn, đánh cồng chiêng, bắn nỏ, kéo co... Những nét văn hóa này được người dân biểu diễn ở các ngày lễ, tết, trong một số sự kiện quan trọng, như chào mừng đại hội đảng các cấp, đón nhận danh hiệu làng văn hóa... Cùng với đó, hiện nay nhiều địa phương vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống, hầu hết các hộ gia đình đều có khung dệt để làm ra những sản phẩm thổ cẩm, như: Màn đen, váy áo, đệm ngồi, khăn Piêu...