Thanh Hoá: Hội thảo khoa học Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long

Ngày 12/1, tại khu di tích Điện Càn Long, xã Nam Giang (huyệnThọ Xuân - Thanh Hoá) đã phối hợp với hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long.


  Tham dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các sở, ngành; đại diện dòng họ Lê, họ Phạm Lê; cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử uy tín trong và ngoài tỉnh.


Hình ảnh Hội thảo khoa học Lịch sử hình thành và việc bảo tồn phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long do xã Nam Giang phối hợp với Hội KHLS tỉnh Thanh Hóa tổ chức.

Điện Càn Long ở xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương xưa kia, nay là thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân là tên gọi khu miếu điện thờ vua Lê Huyền Tông và phụ mẫu thời Lê Trung Hưng. Theo Đại Việt sử kí toàn thư: sau khi vua Lê Huyền Tông - vị vua thứ 18 của vương triều Hậu Lê qua đời (năm 1671), linh cữu Hoàng đế được rước về quê mẹ là Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, chôn ở lăng Quả Thịnh, lập điện Càn Long để thờ tự. Còn tài liệu khắc gỗ ở nhà thờ tổ dòng họ Phạm Lê thì ghi chép: “Lúc bấy giờ bà Hoàng Thái hậu đã lấy vua Lê Thần Tông, sinh ra được Lê Huyền Tông. Sau khi vua Lê Huyền Tông lên ngôi, bà Hoàng Thái hậu đã về thôn Kim Bảng cho xây dựng điện Càn Long để thờ vọng Tiên đế…”.

Qua sử liệu và tài liệu ghi chép, có thể thấy Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu - mẹ của vua Lê Huyền Tông chính là người trực tiếp điều hành việc xây dựng điện Càn Long ở quê hương của mình để thờ chồng (vua Lê Thần Tông). Khi vua Lê Huyền Tông băng hà, với vị thế và tầm ảnh hưởng của Hoàng Thái hậu lúc bấy giờ nên điện Càn Long đã được triều đình nhà Lê chính thức cho lập để thờ chồng - vua Lê Thần Tông và con trai - Lê Huyền Tông và chính Hoàng Thái hậu. Khu miếu điện Càn Long được xây dựng quy mô, bề thế theo kiến trúc phổ biến thời Lê Trung hưng.

Với giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật, khu di tích Điện Càn Long đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2013. Tuy nhiên, trải qua thời gian cùng những biến cố thăng trầm của lịch sử, khu di tích điện Càn Long đến nay phần nhiều chỉ còn là phế tích với một số di vật: văn bia cổ “Công đức trường lưu”; nền móng; bậc thềm; chân tảng đá…


Văn bia Công đức trường lưu gắn liền với khu di tích Điện Càn Long hiện còn được lưu giữ.

Tiến sĩ Lê Ngọc Tạo - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa cho biết: Mục đích của hội thảo là công bố, trao đổi những tư liệu, nghiên cứu mới của các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa Trung ương và tỉnh Thanh Hóa về bối cảnh ra đời, quá trình tôn tạo, các nhân vật thờ cúng; đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn các giá trị lịch sử - văn hóa nổi bật, thực trạng hiện nay. Qua đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long và các di tích liên quan.

   Với mục đích ấy, Hội thảo đã nhận 21 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu uy tín trong và ngoài tỉnh. Trong đó, các tham luận tập trung vào ba nhóm chủ đề chính: Bối cảnh chính trị - xã hội Đàng Ngoài dưới thời trị vì của vua Lê Thần Tông và Lê Huyền Tông. Đi sâu nghiên cứu, đánh giá vai trò, vị trí của vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông trong thời kì trị vì đất nước; Đánh giá vai trò của Hoàng hậu (Hoàng Thái hậu) Phạm Thị Ngọc Hậu đối với sự hình thành di tích Điện Càn Long, chùa Cẩm Long. Thực trạng của quần thể di tích Điện Càn Long; Một số ý kiến để bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long…

Hội thảo Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long diễn ra sôi nổi với các ý kiến đóng tâm huyết của người làm chuyên môn, quản lý và đại diện ban, ngành liên quan.

Hội thảo kết thúc với một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích, như: xác định rõ các hạng mục kiến trúc trong quần thể di tích lịch sử Điện Càn Long nhằm tạo hành lang pháp lí trong việc bảo tồn, tôn tạo; tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các vấn đề liên quan đến hai ngôi mộ hợp chất có thể là mộ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu và vua Lê Huyền Tông, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý, bảo vệ hai ngôi mộ; xây dựng phương hướng bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử đảm bảo các yếu tố lịch sử, văn hóa nhằm bảo tồn, tôn tạo di tích xứng tầm; cần xây dựng một quy hoạch bảo tồn và tôn tạo toàn diện, lâu dài với kế hoạch triển khai từng bước theo lộ trình nhiều dai đoạn theo đúng quy định của Luật Di sản…