Thanh Hoá: Lan tỏa phong trào xây dựng làng văn hóa

Thanh Hóa là một trong những tỉnh đầu tiên trong toàn quốc nghiên cứu thí điểm triển khai phong trào xây dựng làng văn hóa. Từ mô hình làng văn hóa Đông Cao, xã Trung Chính, huyện Nông Cống được chọn làm thí điểm và mang lại hiệu quả, sau đó nhiều địa phương trong tỉnh học tập, noi theo. Tròn 3 thập kỷ triển khai thực hiện, phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã thực sự đi vào cuộc sống...


Mô hình văn hóa làng, làng văn hóa

Năm 1989, Trung ương phát động phong trào xây dựng làng văn hóa trên phạm vi toàn quốc. Năm 1990, Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa (nay là Sở VH,TT&DL) và Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn sau nhiều lần hội thảo đã chọn làng Đông Cao, xã Trung Chính, huyện Nông Cống làm điểm chỉ đạo thí điểm xây dựng làng văn hóa của cả tỉnh và Nông Cống trở thành huyện đi đầu trong việc thực hiện xây dựng làng văn hóa của tỉnh với mô hình ban đầu “Văn hóa làng, làng văn hóa”. Từ những đúc rút kinh nghiệm ở làng văn hóa Đông Cao, từ năm 1992 mô hình đó được nhân ra diện rộng trong cả tỉnh.

Ông Trần Văn Phượng - Phó Trưởng phòng VHTT huyện Nông Cống cho biết: Từ xuất phát điểm ban đầu trong công tác xây dựng làng văn hóa đã được khẳng định và kiểm nghiệm trong toàn tỉnh, do đó Nông Cống bước vào việc xây dựng làng văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) tương đối thuận lợi và luôn luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh. Phong trào đã tác động tích cực đến các hoạt động ở làng, thôn, tiểu khu, vì vậy số làng, thôn, tiểu khu được công nhận danh hiệu văn hóa ngày càng tăng. Tính đến tháng 9 năm 2018 (khi chưa sáp nhập mới) số làng, thôn, tiểu khu văn hóa toàn huyện là 242/315 đạt 77%, tăng 62% so với năm 1995. Toàn huyện có 307/315 làng, thôn, tiểu khu có nhà văn hóa, khu thể thao đạt tỷ lệ 97%; 100% làng, thôn có đội văn nghệ; 86% số hộ được công nhận gia đình văn hóa; 73% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu ba năm liên tục. Số hộ được công nhận gia đình thể thao 31%, số người tập luyện thể thao thường xuyên đạt 39%. Toàn huyện có 19 xã tổ chức phát động xây dựng "xã đạt chuẩn văn hóa NTM" trong đó, có 15 xã được công nhận "xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới" và 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2019 có thêm 4 xã về đích nông thôn mới nâng tổng số 19/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ 64%...

Trò diễn Xuân Phả được bảo tồn và phát huy trong phong trào xây dựng làng văn hóa.

Tại huyện Đông Sơn trong những năm qua phong trào xây dựng làng văn hóa đã có những chuyển biến đáng kể. Bà Lê Thị Phương - Trưởng phòng VHTT huyện Đông Sơn khẳng định: Phong trào xây dựng làng, thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đời sống văn hóa là một trong những nội dung cơ bản của phong trào TDĐKXDĐSVH nhằm đưa văn hóa về cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Giai đoạn 1989 - 2009 (khi chưa chia tách 5 xã, thị trấn về thành phố, chưa thực hiện sáp nhập thôn, khu phố) toàn huyện đã khai trương xây dựng được 197 đơn vị văn hóa. Đến nay (sau khi chia tách 5 xã về thành phố năm 2012, hoàn thành việc sáp nhập thôn 2018) toàn huyện đã hoàn thành 100% việc khai trương xây dựng danh hiệu văn hóa và kết quả công nhận, đề nghị công nhận các danh hiệu văn hóa. Nhìn chung trong 30 năm qua, cùng với phong trào TDĐKXDĐSVH, phong trào xây dựng làng, thôn, khu phố văn hóa đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tích cực quan tâm, ủng hộ và xây dựng phong trào. Nhiều xã, thị trấn đã đầu tư ngân sách, vận động xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa, mua sắm trang thiết bị bổ sung cơ sở vật chất tại các thiết chế nhà văn hóa thôn, khu phố; trung tâm Văn hóa - thể thao xã, thị trấn xứng đáng với danh hiệu văn hóa...

Từ làng văn hóa Đông Cao được chọn làm thí điểm xây dựng mô hình làng văn hóa, sau đó đến làng Văn Đoài, xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, Ngọc Liên, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, làng Sen (Triệu Sơn), từ năm 1991 đến 2009, tỉnh Thanh Hóa đăng ký xây dựng và công nhận 3.426/6.031 thôn, bản, phố, đạt tỉ lệ 56,8%; năm 2018, con số được công nhận danh hiệu văn hóa là 4.396/6.031, đạt tỉ lệ 72,8%. Với hiệu quả có sức thuyết phục cao của công tác xây dựng làng văn hóa tạo điều kiện tốt cho nhân dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, xây dựng nhân cách và lối sống đẹp, những giá trị nhân văn được bảo tồn và phát huy.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Nếu tính đến cuối năm 2005, toàn tỉnh có 1.271/6.031 làng, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 21%; trong đó, 753/6.031 làng, bản được công nhận làng văn hóa, đạt tỷ lệ 12,4%, thì đến tháng 12/2009 toàn tỉnh đã khai trương xây dựng 4.334/6.031 làng, bản, tổ dân phố văn hóa, đạt tỷ lệ 71,8%; trong đó xét công nhận danh hiệu văn hóa cho 3.426 làng, bản, phố, đạt tỷ lệ 56,8%. Trong 10 năm tiếp theo (2009 - 2019), phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã đi vào nền nếp, các địa phương vừa duy trì, vừa chỉ đạo nâng cao chất lượng; phong trào tiếp tục được triển khai chỉ đạo có hiệu quả trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Việc duy trì, nâng cao chất lượng phong trào gắn với xét công nhận tiêu chí số 16 về nông thôn mới và tiêu chí làng đạt chuẩn nông thôn mới được đặc biệt chú trọng với tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa được các địa phương lồng ghép, chỉ đạo và từng bước nâng cao chất lượng. Phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới là bước phát triển mới của phong trào xây dựng làng văn hóa, đồng thời là một nội dung quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Kết quả, tính đến tháng 12/2018, toàn tỉnh có 5.586/6.031 làng, thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng văn hóa, đạt tỷ lệ 92,6%; trong đó 4.396/6.031 làng, thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hoá, đạt tỷ lệ 72,8%. Các địa phương có phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố nổi bật là Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Thạch Thành.

Tròn 3 thập kỷ triển khai thực hiện, phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã phát triển liên tục, ngày càng lớn mạnh và đi sâu vào đời sống nông thôn, được đông đảo các tầng lớp nhân dân ở nông thôn hưởng ứng mạnh mẽ. Nhờ các thành tựu đạt được từ phong trào đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tại các địa phương. Trong các làng văn hoá đã xuất hiện nhiều tấm gương giúp nhau làm kinh tế. Các mô hình trang trại, gia trại, ngành nghề thủ công truyền thống, ngành nghề du nhập mới được phát triển. Các điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng ngày càng nhiều. Từ phong trào xây dựng làng, bản, khu phố văn hóa, đã kêu gọi được nguồn lực xã hội hóa của nhân dân trong xây dựng đường làng ngõ xóm sạch đẹp nhiều làng, bản, khu phố được đổ bê tông, lát gạch; nhiều thiết chế nhà văn hóa được nhân dân đóng góp xây dựng, tạo điểm vui chơi, sinh hoạt lành mạnh cho người dân, tình làng, nghĩa xóm được gắn kết.

Cũng từ khi có phong trào xây dựng làng văn hóa, đến nay nhân dân các làng văn hóa đã đóng góp trên 80%, có làng đóng góp 100% kinh phí để xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, đến cuối năm 2018 trên địa bàn toàn tỉnh có 5.259/ 6.031 nhà văn hóa - khu thể thao thôn (đạt tỷ lệ 87,2%). Phong trào văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng, xã được bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Người dân ở khu vực nông thôn, thành thị được tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở thôn xóm, tổ dân phố có xu hướng tăng lên. Tỉ lệ người dân thường xuyên tập luyện thể dục thể thao tính đến 31/12/2018 đạt tỉ lệ 40%.; tỉ lệ người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng đạt tỉ lệ trên 30%. Năm 2018, toàn tỉnh có 744.378/942.251 gia đình đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 79%. Làng, bản, tổ dân phố văn hóa thực sự là những điểm sáng về bảo tồn văn hóa dân tộc. Các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dân gian, truyền thống tiếp tục được bảo tồn; các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, tâm linh được tôn trọng; nhiều làng, bản, tổ dân phố đã và đang từng bước khôi phục lễ hội truyền thống, trò chơi, trò diễn dân gian; lễ hội truyền thống ở các thôn, làng, bản được tổ chức định kỳ hằng năm, đã tạo nên sắc thái văn hóa dân tộc đậm đà, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở các làng, bản, tổ dân phố văn hóa trong suốt 30 năm qua...

Sau 30 năm xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã thực sự đi vào cuộc sống, đời sống văn hóa nông thôn Thanh Hóa thêm khởi sắc, minh chứng phong trào xây dựng làng văn hóa là hướng đi đúng, phù hợp và phát triển trong thời kỳ đổi mới. Hiệu quả của việc xây dựng làng văn hóa tác động đối với việc xây dựng đời sống nông thôn, góp phần vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đẩy mạnh dân sinh và thiết thực xây dựng nông thôn mới, tiến tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh...