Thanh Hóa: Nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng của người Mường

Cồng và chiêng trong đời sống đồng bào không chỉ có giá trị như một nhạc cụ đơn thuần. Nó còn biểu hiện cho sự giàu có của từng gia đình, từng bản, từng Mường.

Cồng và chiêng trong đời sống đồng bào không chỉ có giá trị như một nhạc cụ đơn thuần. Nó còn biểu hiện cho sự giàu có của từng gia đình, từng bản, từng Mường.


Âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật có mặt rất sớm trong đời sống đồng bào Mường Thanh Hóa. Trải qua quá trình lao động và sáng tạo nghệ thuật, dân tộc Mường đã sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ như đàn bầu(1), sáo trống, xập xêng(2), bùng bục(3), nhưng đậm đặc hơn và gắn bó chặt chẽ với đời sống đồng bào hơn phải kể đến nhạc cụ cồng và chiêng.

Cồng và chiêng trong đời sống đồng bào không chỉ có giá trị như một nhạc cụ đơn thuần. Nó còn biểu hiện cho sự giàu có của từng gia đình, từng bản, từng Mường. Đến một gia đình người Mường thấy trong nhà có treo “cồng năm - cồng bảy”, biết ngay nhà này có “cơm kho lúa xiềng” có trâu bò chật bãi, có lợn gà chật gầm sàn; một chiếc cồng tốt là chiếc cồng có âm thanh đúng, độ vang xa, chiếc cồng ấy có thể đem đổi vài ba con trâu hoặc bò. Mặt khác cồng - chiêng còn là biểu hiện cao về đời sống văn hóa, về trình độ văn minh. Những gia đình có cồng chiêng là những nhà có văn hóa cao trong bản Mường.

Màn hợp xướng cồng chiêng luôn hấp dẫn người xem khi tham dự lễ hội Mường Khô (Bá Thước).

 

Hoạt động biểu diễn cồng - chiêng có từ xa xưa, câu thành ngữ “Lệnh ông không bằng cồng bà” phải chăng cồng - chiêng đã có từ thời kỳ mẫu hệ? Hoặc câu ca “Muốn coi lên núi mà coi, coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng” chứng tỏ cồng - chiêng đã đi vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc từ thời Bà Triệu. Điều này còn thể hiện trong văn học dân gian dân tộc Mường.

“Trống đánh không nghe một dùi

Chiêng vui không nghe một tiếng”.

Để đáp ứng nhu cầu đời sống và cung bậc tình cảm; người xưa đã sáng tạo nên một hệ thống cồng chiêng gồm 7 loại khác nhau gồm có:

- Cồng moong: Loại này nhỏ có đường kính 25cm, chỉ để sử dụng vào các việc săn, séc bùa, xua đuổi ma khao trong ngày sinh của trẻ và gọi con cháu về chịu tang ông bà, cha mẹ...

- Loại cồng ba, cồng bốn, cồng năm đường kính lớn dần lên theo từng loại. Đặc biệt cồng sáu là loại cồng được sử dụng vào việc báo tin hội bản, hội Mường, hiệu lệnh cày cấy, đưa đón dâu, gọi nhau đến lợp nhà, làm cầu, thau giếng, lệnh điều chỉnh việc khiêng quan tài và cùng hòa âm với trống và các nhạc cụ khác trong đám ma. Đến cồng bảy là loại cồng lớn nhất, thường được sử dụng làm bè trầm trong hợp âm của phường bùa. Tuy nhiên người ta lại rất ít gọi là cồng bảy mà gọi là - Cồng chiêng. Cồng chiêng được dùng phổ biến với trống và cả một số nhạc cụ khác kèm theo lời ca điệu múa. Tùy thuộc vào mục đích và hoàn cảnh cụ thể mà cồng chiêng giữ vai trò chủ đạo hay trống giữ vai trò chủ đạo.

Cách thức sử dụng cồng chiêng, tùy thuộc vào quy định của từng địa phương nhưng chủ yếu vào các việc sau:

Thông tin, thông báo

Săn bắn

Đám cưới, đám ma

Phường bùa, hội mùa, đón xuân và các ngày hội truyền thống.

Điều đáng chú ý là người Mường không sử dụng cồng - chiêng vào việc thúc sưu thuế, đón vua quan hoặc báo giặc, có trộm vào bản. Trong những trường hợp này chỉ dùng trống.

Cồng chiêng không chỉ đơn thuần là việc báo tin mà tự thân nó đã mang lại những giá trị thẩm mỹ trong khoa học thông tin, làm cho tiếng cồng chiêng trở thành tiếng nói tình cảm của con người. Phải nói rằng ở đâu có tiếng cồng chiêng là ở đấy tràn đầy sinh khí, tràn đầy tình nghĩa và sự ưu ái giữa con người với con người. Chính vì lẽ đó từ khi còn trong tình trạng sản xuất lạc hậu, đời sống nghèo nàn cơ cực nhưng nhiều gia đình người Mường đã có những bộ cồng chiêng quý hiếm thể hiện vốn âm nhạc đặc sắc của dân tộc mình.

Âm thanh cồng chiêng ban đầu là tín hiệu truyền tin như dùng gọi nhau lên rẫy xuống nương, đuổi thú trong rừng hoặc báo tin săn được thú. Do nhu cầu phát triển của con người, quan hệ xã hội ngày càng phức tạp, người sử dụng cồng chiêng đã sáng tạo ra nhiều giai điệu, tiết tấu, âm vực khác nhau. Sự sáng tạo này trước tiên được xuất phát từ điều kiện của môi trường cư trú. Nếu ở vùng chân núi bằng phẳng rộng rãi thì tiết tấu nhanh mạnh... Ngược lại, ở bản Mường gần vách núi thì tiết tấu chậm rãi, nhẹ nhàng vì chính vách núi đã tạo ra độ vang xa. Ở vùng Quan Hóa cũ có tiết tấu cồng chiêng theo sức nước của từng dòng sông. Chẳng hạn, ở những bản làng ven sông Mã thì tiết tấu cồng chiêng nghe gấp gáp và mạnh mẽ. Các bản ven sông Luồng, sông Lò - ít thác ghềnh, tốc độ chảy chậm thì tiếng cồng êm dịu nhẹ nhàng.

Vì thế dù ở cách 9 bản 10 mường nhưng nghe tiếng cồng - chiêng người ta có thể biết đó là cồng chiêng của bản nào, mường nào?

Càng về sau tiếng cồng càng gắn bó khăng khít với đời sống, tình cảm con người. Khi trong bản mường có một đứa trẻ ra đời, tiếng cồng báo tin nghe thanh thoát, vui vẻ như một quy ước của cộng đồng về việc công nhận một người mới có quyền lợi và nghĩa vụ với bản mường.

Tiếng cồng chiêng trong ngày cưới cũng bao gồm nhiều tình tiết, giai điệu, cung bậc khác nhau. Tiếng cồng báo tin họ trai đã đến nhà gái, cồng chiêng tiễn cô dâu xuống cầu thang. Tiếng cồng báo tin cô dâu đã đến đầu bản. Cồng chiêng vui mừng đón cô gái bước lên cầu thang nhà chồng để chính thức trở thành con dâu trong nhà, cồng chiêng báo tin đôi trai gái chính thức nên vợ, nên chồng. Rồi tiếng cồng - chiêng nhắc nhở đôi trai gái phải tuân theo truyền thống tốt đẹp của cha ông. Hồi cồng chiêng này mang ý nghĩa rất sâu sắc bởi vì sẽ không có hoặc ít khi phải nhắc lại nó lần thứ hai trong đời một con người.

Khi trong bản, trong mường có người qua đời, tiếng cồng chiêng báo tin nghe chậm chạp, nặng nề, uy nghiêm, âm thanh kéo dài như chia sẻ nỗi buồn của chín bản, mười mường. Rồi cồng chiêng để khâm liệm và đưa thi hài vào áo quan. Tiếng cồng chiêng gọi con cháu về túc trực bên linh cữu, cầm nhịp đi đường, hạ huyệt và khi hồi cồng chiêng kéo dài nổi lên nghe buồn thương lưu luyến, trầm hùng và linh thiêng là lúc từ biệt người chết lần cuối, tiễn họ về thế giới bên kia. Những giai điệu cồng chiêng tuy có khác nhau về tiết tấu, âm điệu nhưng tất cả đều mang ý nghĩa cao cả thể hiện tính nhân văn sâu sắc, là tiếng gọi mọi người xích lại gần gũi và thương yêu nhau hơn khi trong bản, trong Mường lại mất đi một thành viên nữa.

Bởi vậy trong đời sống người Mường cổ, cồng chiêng vừa là nhu cầu vừa là phương tiện không thể thiếu. Hơn bất cứ loại nhạc cụ nào, cồng chiêng có đủ sức để hòa nhập vào âm thanh vô tận của gió ngàn và thác đổ, giữa những âm thanh kỳ vĩ của núi rừng. Chỉ có cồng chiêng mới đủ sức để vượt lên, vang xa, truyền đến mọi người những thông tin cần thiết. Chính địa bàn rừng núi là môi trường sinh tồn và phát triển của cồng chiêng và cũng chính môi trường này đã nuôi dưỡng và bảo lưu tính chất độc đáo về bản sắc dân tộc và địa phương của nó.

Nhạc cụ cồng chiêng rất gần gũi với mọi người, tất cả mọi thành viên trong cộng đồng đều có quyền tham gia. Nhờ vậy âm thanh cồng chiêng trở nên phong phú đa dạng và mang rõ phong cách của chủ thể sáng tạo.

Trong sinh hoạt văn hóa truyền thống, cồng chiêng không có sự phân chia đẳng cấp, tất cả mọi người đều bình đẳng trong sinh hoạt. Tính chất dân chủ đã phá tan những ràng buộc nghiệt ngã trong xã hội cũ, mở rộng mối giao lưu tình cảm giữa người với người trong cộng đồng dân tộc. Vì vậy nó có ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc.

----------

(1) Đàn bầu bằng ống nứa, ống luồng có dây bằng sợi thép nhỏ.

(2) Xập xêng là bộ gõ làm bằng đồng.

(3) Bùng bục làm bằng gốc cây bương bịt một đầu bằng mo dùng gõ trong đám ma.