Thanh Hoá: Sử dụng hiệu quả nhà văn hóa sau sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố

Nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, tránh lãng phí thiết chế văn hóa, một số địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra nhiều giải pháp trong việc quản lý và khai thác có hiệu quả nhà văn hóa thôn, bản sau sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố.

Nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, tránh lãng phí thiết chế văn hóa, một số địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra nhiều giải pháp trong việc quản lý và khai thác có hiệu quả nhà văn hóa thôn, bản sau sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố.


Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh đã sáp nhập 2.719 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.339 thôn, tổ dân phố mới tại 439 xã, phường, thị trấn thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố. Việc sáp, nhập thôn, tổ dân phố đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, nhưng phát sinh tình trạng thừa nhà văn hóa (NVH) thôn, phố.

Đã có không ít tranh cãi, bàn luận xoay quanh những vấn đề bất cập trong việc sử dụng NVH. Và hẳn cái khó đó không chỉ của riêng địa phương nào. Từ thực trạng trên, có không ít địa phương đã linh hoạt thực hiện các giải pháp xử lý, tận dụng tối đa hiệu suất hoạt động để NVH không bị bỏ phí. Cụ thể, các huyện: Hà Trung, Yên Định, Nga Sơn...

Ông Trịnh Trọng Định - Trưởng phòng VHTT huyện Yên Định, cho biết: Phương án trước mắt của huyện là động viên bà con nhân dân cố gắng khắc phục khó khăn tạm thời sử dụng các NVH cũ. Một số thôn có đình làng, huyện chỉ đạo xã nâng cấp đình làng để làm nơi sinh hoạt chung. Đối với NVH dôi dư, huyện không chỉ đạo các địa phương sau sáp nhập đóng góp thực hiện xây dựng NVH mới, mà giữ nguyên các NVH sau sáp nhập. Trên cơ sở các NVH thôn hiện có, NVH nào còn phù hợp thì vẫn tổ chức cho nhân dân sinh hoạt, còn các NVH không đủ diện tích để hội họp thì sẽ khắc phục khó khăn bằng cách căng phông, rạp để nhân dân tham gia văn nghệ, thể thao, chứ tuyệt đối không để NVH bị bỏ hoang, gây lãng phí.

Cách làm của xã Định Tân là một trong những điển hình ở huyện Yên Định. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Sau khi thực hiện sáp nhập thôn, xã có 8 thôn giảm xuống còn 4 thôn. NVH của 4 thôn cũng không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt sau sáp nhập. Một cái khó là trước đó các thôn đã đầu tư xây dựng NVH để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Do vậy, để kêu gọi đóng góp một lần nữa cho xây dựng NVH là điều không dễ. Tuy nhiên, xã không lấy điều đó làm khó bởi trong xây dựng NVH đó là vừa phải đáp ứng cho việc sau sáp nhập nhưng đồng thời cũng phải đáp ứng cho nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Bởi vậy, xã đã tổ chức họp từ cấp ủy và mở rất nhiều các hội nghị với nhân dân để bàn phương pháp, cách làm. Với những NVH cũ sẽ cho đấu giá để hỗ trợ các NVH xây mới, sửa chữa. Xã cũng có cơ chế hỗ trợ từ 100 - 150 triệu đồng cho xây mới các NVH, đồng thời vận động nhân dân đóng góp xây dựng. Hiện trong 4 thôn thành lập mới đã có 2 thôn xây xong NVH, 2 thôn còn lại cũng đã nâng cấp, sửa chữa. Mỗi NVH trị giá từ 1 đến 1,3 tỷ đồng, đáp ứng trên 700 chỗ ngồi. Tất cả các thiết chế bên trong NVH đều được đầu tư đồng bộ.

6 nhà văn hoá dư thừa sau sáp nhập thôn ở xã Cẩm Tú đều được sử dụng hiệu quả, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

 

Xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, cũng là một trong những địa phương có cách làm rất sáng tạo trong việc vận dụng linh hoạt số NVH thôn sau sáp nhập. Trước đây, xã có 14 thôn, sau sáp nhập còn lại 8 thôn, dư ra 6 NVH. Theo UBND xã Cẩm Tú, ban đầu xã này cũng rất băn khoăn việc xử lý và sử dụng như thế nào các NVH thôn. Bởi những NVH đều mới được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Xã đã chú trọng đến việc khuyến khích già làng, trưởng bản, trưởng thôn, tạo ra những phong trào nhằm thu hút người dân. Ban đầu, họ cũng e dè, nhưng sau đó thấy các hoạt động bổ ích hơn thì mọi người tham gia rất tích cực, thậm chí sẵn sàng đóng góp các ý kiến để xây dựng NVH có thêm nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân. Đặc biệt đây còn là địa điểm để các em học sinh sinh hoạt hè, tạo không khí rất sôi nổi, hiệu quả.

Cũng nhờ đó, mặc dù đến nay xã dư ra 6 NVH nhưng tất cả đều đang phát huy hiệu quả hoạt động rất tốt như: Ngày hội Đại đoàn kết, hội diễn văn nghệ quần chúng, trao học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó, học giỏi, tiễn thanh niên trong thôn lên đường nhập ngũ... Cũng từ khi có các NVH thôn, nhân dân trong xã ngày càng nhận thức đúng đắn hơn về việc xây dựng các hương ước và nghiêm chỉnh chấp hành. Tình làng nghĩa xóm được khơi dậy và thắt chặt thêm. Nhân dân ngày càng đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Ai cũng có ý thức giữ gìn thuần phong mỹ tục, các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong vệc cưới, việc tang, lễ hội...