Năm 2019, số lượng khách tham quan Thành Nhà Hồ tăng 21% so với năm 2018.
Nét mới ở miền di sản
Về Thành Nhà Hồ dịp xuân cận kề, có lẽ chân thực và khách quan nhất về nhận xét, đánh giá sự đổi thay của miền di sản chính là trong con mắt của du khách ghé thăm. Bà Bùi Thị Quỳnh - du khách đến từ Hòa Bình cho biết, bà đã nghe, xem vẻ đẹp kỳ vĩ của Thành Nhà Hồ qua báo chí, truyền hình nhiều nhưng chưa có dịp ghé thăm. Năm nay gia đình bà quyết tâm đến Thành Nhà Hồ để được tận mắt chứng kiến sự độc đáo, kỳ vĩ của di sản hơn 600 năm tuổi.
Theo bà Quỳnh, điểm hấp dẫn của Thành Nhà Hồ là vẻ đẹp nguyên sơ của những khối đá lớn được xếp chồng lên nhau rất kiên cố, vững chãi. Đến Thành Nhà Hồ, những du khách như bà hoàn toàn hài lòng trước những hướng dẫn viên nhiệt tình, được đào tạo bài bản, hướng dẫn tham quan, giới thiệu chi tiết. Bên cạnh đó, người dân nơi đây rất mộc mạc, chân chất, không chèo kéo khách du lịch.
Tại đây khách du lịch còn được nghe những làn điệu hát chèo do những nghệ sĩ không chuyên biểu diễn. Du khách còn được thưởng thức đặc sản rau má sạch Tây Đô chỉ với giá khoảng 10.000 đồng/kg. Cầm gói rau má khô trên tay, bà Bế Diệu Hoa - du khách đến từ Lạng Sơn vui vẻ cho biết: Đây là lần thứ hai bà đến với Thành Nhà Hồ sau 7 năm. Ở lần trở lại này, bà đánh giá cao công tác quảng bá du lịch cũng như giới thiệu nhiều sản vật của địa phương tại khu di sản.
Công tác trùng tu, khảo cổ
Nói về công tác phát huy, bảo tồn Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho biết: Với một di sản lớn như Thành Nhà Hồ thì việc giữ gìn nguyên vẹn tính toàn vẹn của di sản luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt kể từ khi được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Trong đó công tác khảo cổ học được ưu tiên với việc khai quật các tòa thành phía Nam, phía Bắc... để làm cơ sở khoa học cho những nghiên cứu trong thời gian tiếp theo.
Từ tháng 9/2018 đến 1/2019, các nhà khảo cổ học đã thực hiện khai quật lát cắt tường thành phía Đông Bắc Thành Nhà Hồ với diện tích 400m2 và khai quật thám sát di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài, huyện Vĩnh Lộc với diện tích là 500m2.
Sau quá trình khai quật, nhiều di vật đã được phát hiện chủ yếu là nhóm vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, đá khối, trang trí kiến trúc và nhóm các loại hình đồ dùng trong sinh hoạt như sành, sứ, tiền kim loại chủ yếu thuộc niên đại Lý - Trần - Hồ - Lê. Tại khu vực núi Xuân Đài, với 2 hố khai quật đã phát lộ nhiều di vật. Khu vật, tường thành Đông Bắc Di sản Thành Nhà Hồ và Di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài sẽ góp phần bổ sung tư liệu cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, khảo cổ học cũng như tạo căn cứ khoa học cho việc trùng tu khu vực tường thành phía Bắc và làm rõ cấu trúc gia cố thành đất bên trong thân tường đá của di sản. Khu vực cổng phía Nam Thành Nhà Hồ, trải qua hơn 6 thập kỷ, bề mặt đá đã bị rêu, tảo, địa y tiết axít ăn mòn. Đến nay, sau khi Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ tài chính, tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia trong nước và quốc tế, dự án tu sửa cấp thiết mái vòm và bảo tồn, cổng phía Nam Thành Nhà Hồ đã được làm sạch, loại bỏ các tác nhân gây hại như rêu, tảo, địa y, muối; hoàn trả giá trị cổ kính của đá xây cổng thành với màu sắc, vân đá phong phú, làm nổi trội, minh chứng hiển nhiên những giá trị độc đáo của Thành Nhà Hồ.
“Năm 2019, Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã đón, tiếp và giới thiệu về di sản cho 126.660 lượt khách tham quan (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó khách trong nước 119.405 (chiếm 94.2 %), khách quốc tế 7.255 lượt người (chiếm 5.8%) tăng 34% so với cùng kỳ năm 2018”. |