Đình làng Đông Cao.
Sử xưa
Làng Đông Cao thuộc xã Trung Chính (Nông Cống) là vùng đất địa linh nhân kiệt. Theo sử sách, sau hội thề Lũng Nhai nghĩa quân Lam Sơn tổ chức lực lượng chống quân Minh. Ba vị Khai quốc công thần Đinh Lễ, Đinh Bộ, Đinh Liệt đã trở thành những dũng tướng kiên cường.
Khi đất nước sạch bóng giặc, Đinh Liệt làm quan dưới thời Lê, phò tá qua các đời vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông. Ông đã có công dẹp loạn nghi dân đưa Lê Tư Thành lên ngôi (tức là vua Lê Thánh Tông), giúp vua trị vì đất nước, là một minh quân xây dựng đất nước thái bình, hưng thịnh bậc nhất thời Lê. Ông làm việc triều chính nghiêm minh, chính trực, hết mực thương dân. Ông được phong tới tước vị Thái Sư kiêm Thái Tử Thái Sư Lân Quốc Công, được ban ấn vàng, sách vàng. Ông mất ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn 1484, thọ 85 tuổi.
Mùa thu năm 1485 người con cả của ông là Đinh Công Đột làm quan đến chức Thượng Thư Bộ Binh đã chọn đất xây dựng thái ấp gọi là làng Đống Cải, tức là làng Đông Cao ngày nay. Ông lập đền thờ để tưởng nhớ đến công ơn của ba vị Khai quốc công thần Đinh Lễ, Đinh Bộ, Đinh Liệt, trong đó Đinh Liệt được tôn xưng là Thành hoàng làng. Theo lệ, cứ đến ngày 13 tháng Giêng (âm lịch), làng Đông Cao lại mở hội và tổ chức lễ tế Thành hoàng làng. Ngoài phần lễ, phần hội là các trò chơi dân gian như bơi thuyền, kéo co, cờ tướng...
Vốn là một làng thuần nông, dân cư chất phác, hồn hậu và cuộc sống cộng đồng ít khi xáo trộn. Nhưng rồi, chế độ bao cấp được thay thế bằng cơ chế khoán trong nông nghiệp. Cuộc sống cũng theo đó mà bung ra, khiến cho nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của làng có nguy cơ bị xô đổ. Năm 1989, Sở Văn hóa - Thông tin đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai thí điểm xây dựng làng văn hóa. Được sự giúp đỡ của giáo sư Vũ Ngọc Khánh, ngày 10/9/1991, Sở Văn hóa - Thông tin đã tổ chức hội thảo “Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa”. Trên cơ sở kết luận khoa học và thực tiễn, Sở Văn hóa - Thông tin đã chọn làng Đông Cao là đơn vị thí điểm xây dựng làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Sau khi được lựa chọn thí điểm, một trong những nhiệm vụ đầu tiên là thiết lập “Quy ước Đông Cao” gồm 4 mục/24 điều, gồm văn hóa - xã hội (7 điều), xây dựng kinh tế (5 điều), an ninh trật tự (4 điều) và các quy định chung (8 điều). Đến năm 1997, làng Đông Cao được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. Từ thành công của mô hình làng văn hóa Đông Cao, đã có hàng chục, hàng trăm làng, bản khắp các vùng miền trong tỉnh, bắt tay xây dựng làng văn hóa. Riêng với huyện Nông Cống, từ làng văn hóa đầu tiên mang tên Đông Cao đến nay huyện đã có 162/199 làng, thôn đã được công nhận thôn, làng văn hóa.
Đông Cao hôm nay
Thanh Hóa vừa đi qua một chặng đường 30 năm thực hiện phong trào làng, bản, tổ dân phố văn hóa (1989 - 2019). Trong đó, làng văn hóa Đông Cao không thể không có mặt trong bảng danh sách thành tích của tỉnh nhà. Từ làng văn hóa đầu tiên của tỉnh, đến hôm nay cũng đã 23 năm, trong 23 năm ấy, người dân Đông Cao luôn là đơn vị dẫn đầu phong trào của xã Trung Chính nói riêng, huyện Nông Cống nói chung.
Làng Đông Cao với 143 hộ và 641 nhân khẩu. Qua bao đời nay, người dân Đông Cao luôn đoàn kết chịu thương chịu khó, tương thân tương ái. Mừng là đến nay làng không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,028%; thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm. Trong xây dựng nông thôn mới, cán bộ và nhân dân trong làng đồng sức, đồng lòng, tập trung mọi nguồn lực chung tay xây dựng nông thôn mới cùng với xã nhà.
Thực hiện Nghị quyết TƯ5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, người dân Đông Cao luôn phấn đấu xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phát triển phong phú, lành mạnh. Làng có đội văn nghệ thường xuyên duy trì số lượng từ 15-20 người và có trên 46% người dân trong làng tham gia tập luyện thể dục và chơi thể thao thường xuyên. Những năm qua, nhân dân trong làng luôn thực hiện tốt việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đặc biệt, làng Đông Cao không có trường hợp nào tảo hôn hoặc cưỡng ép hôn nhân. Bên cạnh đó trong đám hỷ cũng chỉ được tổ chức tiệc mặn cho người trong dòng họ, bạn bè thân thiết. Trong đám hiếu không tổ chức ăn uống, cúng 3 ngày, 50 ngày và 100 ngày chỉ tổ chức trong gia đình, tuyệt đối không mời khách...
Về làng Đông Cao hôm nay, dừng chân trước đình làng để thấy rõ hơn những thay đổi khi đình vừa mới được tôn tạo vào tháng 11/2019 với tổng số tiền 160 triệu đồng. Số tiền này đều là của bà con nhân dân làng Đông Cao đóng góp.
23 năm kể từ khi được công nhận làng văn hóa đầu tiên của tỉnh, đời sống tinh thần cũng như vật chất của người dân trong làng đã có những chuyển biến tự hào. Niềm tự hào này là thành quả của người làng Đông Cao, của sự giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của cha ông để lại như chia sẻ của Trưởng làng Đinh Văn Tân: “Chúng tôi luôn cố gắng để giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Người dân làng tôi luôn gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau trong cộng đồng. Đã hàng chục năm qua, kể từ khi được công nhận làng văn hóa, làng Đông Cao vẫn yên bình, êm ả, không tệ nạn, không vi phạm quy ước, hương ước làng...”.