Thanh Hoá: “Vua cày bằng voi” - Bức chạm đặc sắc ở đình Hồ Nam

Nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian truyền thống đã có những đóng góp vào dòng chảy nghệ thuật truyền thống Việt - Nam.


Các tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian, bên cạnh đề tài truyền thống với các mô típ: Long - ly - quy - phượng, tùng - cúc - trúc - mai, chim, cá, mây mưa...; còn có những đề tài mang nội dung xã hội như: Chọi gà, trâu húc nhau, đánh cờ, cõng con “ghẹo gái”, đấu vật. Tuy vậy, gần đây nhất, tại đình Hồ Nam, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm một đề tài đặc sắc: “Vua cày bằng voi”.

Đình Hồ Nam là ngôi đình lớn ở xã Vĩnh Khang, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Vùng đất này có nhiều ngôi đình như: đình Đông Môn (Vĩnh Long), đình Bồng Trung (Vĩnh Tân) nhưng nổi tiếng là đình Hồ Nam.

Đình Hồ Nam được tạo dựng trên bờ Bắc sông Mã, cạnh ngã ba sông, nơi dòng sông Bưởi gặp sông Mã. Đây là vùng đất cổ được tướng quân Lê Phụ Trần khai phá vào đời Trần. Đến nay ở đây vẫn còn nhiều làng cổ với những nét văn hóa truyền thống lâu đời. Đình được dựng theo hướng Nam, ở khu vực trung tâm của làng, thuận lợi cho việc sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tránh được lũ sông Mã trong mùa mưa lũ.

Đình có 5 gian, được xây dựng theo lối đình làng truyền thống. Theo lời tuyên truyền văn, đình được khởi công xây dựng vào thời Hậu Lê, do Trịnh Công khởi xướng.

Trịnh Công là một võ tướng của Trịnh Kiểm. Do có nhiều công trạng  nên được Trịnh Kiểm ban thưởng nhiều tiền bạc, ông đã bỏ tiền của để xây dựng cho làng một ngôi đình. Cho đến nay đình đã được trùng tu nhiều lần, dấu vết kiến trúc gỗ cũ còn lại ít. Duy nhất chỉ còn lại bốn bức chạm khắc gỗ cổ được truyền tụng là có từ khi dựng đình còn được bảo lưu qua các kỳ trùng tu. Nét đặc sắc của đình Hồ Nam chính là một trong bốn bức chạm khắc gỗ này:

Bốn bức chạm khắc ở vị trí nối đầu cột cái với đầu cột con ở gian giữa của đình. Các bức chạm có hình thang vuông, kéo dài từ kèo xuống. Chiều cao 0,8m, đáy trên 1,2m, đáy dưới 1,5m.

Nội dung của bốn bức chạm khắc gỗ này khác nhau. Ba bức được chạm khắc với đề tài phản ánh thế giới tự nhiên phổ biến ở các đình làng với các mô típ: Long - ly - quy - phượng, tùng - cúc - trúc - mai, cây, cỏ, hoa, lá, chim, cá... Nét chạm khắc khéo léo, với phong cách tả thực nên dễ nhận diện các loại hoa lá, chim thú. Bức thứ 4 ở vị trí sát hậu cung, quay về phía hữu được thể hiện mặt nội dung khác. Nội dung của bức chạm khắc này thể hiện đề tài: Vua đang cày bằng voi.

Tích vua cày tịch điền bằng voi trên đình làng Hồ Nam (xã Vĩnh Khang, huyện Vĩnh Lộc - Thanh Hoá).

Phần trung diễn tả cảnh vua đang cày ruộng bằng voi. Con voi to, khỏe, cặp ngà to đang kéo chiếc cày. Người điều khiển cái cày là một vị hoàng đế. Các chi tiết về mũ áo, cần đai được chú ý đặc tả có thể nhận diện ra, đây là một vị vua. Bên cạnh đường cày vua là một vị quan đang chứng kiến sự việc này. Trên trời là những áng mây, phía trước đường cày là cảnh cây lá tươi tốt, bên cạnh đường cày là cảnh chim thú vui mừng nhảy nhót, dưới đường cày là những vạt đất được cày xới lên.

Các chi tiết tả thực được sử dụng, các mô típ đặc tả làm tăng yếu tố thực của việc cày ruộng. Các trang phục được chú ý để phân biệt rõ một vị hoàng đế với một viên quan.

Bố cục của bức chạm gỗ khá chặt chẽ nhưng không gò bó mà phóng khoáng, các nét chạm khắc không chau chuốt nhưng hoàn hảo, sắc nét. Các chi tiết phụ làm nổi bật chủ đề chính cần thể hiện có thể xem đây là một tác phẩm điêu khắc gỗ hoàn chỉnh.

Trong nghệ thuật điêu khắc gỗ đình làng ở Việt Nam, đình làng xứ Thanh không nổi tiếng như đình xứ Bắc, xứ Đoài. Đình làng ở xứ Thanh có quy mô lớn, bề thế nhưng ít có những mảng điêu khắc mang nội dung xã hội chủ yếu là đề tài tự nhiên. Có thể xem bức điêu khắc gỗ với đề tài “Vua cày ruộng bằng voi”  ở đình Hồ Nam là tác phẩm điêu khắc đặc sắc nhất ở xứ Thanh. Đặt tác phẩm này trong nền cảnh điêu khắc đình làng Việt Nam có thể nhận ra rằng đây là đề tài đặc sắc khác với các đề tài truyền thống.

Tài liệu lịch sử cũ cho biết: Một số vị hoàng đế triều Tiền Lê, Lý, Trần đã tổ chức cày tịch điền. Đại Việt sử ký toàn thư đã chép việc vua Lý Thái Tông ngày 1 tháng 4 đi cày tịch điền ở Đỗ Động nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Các vị hoàng đế các triều vua sau cùng đã tổ chức cày tịch điền ở một số nơi. Có lẽ việc cày tịch điền của các vị hoàng đế xưa được tổ chức theo cách truyền thống “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Chưa có tài liệu điêu khắc hoặc hội họa dân gian nói đến việc vua đi cày ruộng. Mảng đề tài này thiếu vắng trong nghệ thuật dân gian. Việc cày ruộng bằng voi là sự lạ, chưa nói đến việc vua lại cày ruộng bằng voi.

Thanh Hóa là quê hương của nhiều vị hoàng đế nhưng sử cũ không cho biết việc cày tịch đêm của các vị hoàng đế diễn ra ở vùng đất này. Vùng đất Hồ Nam cận kề với kinh đô thời Trần - Hồ nhưng việc cày tịch đêm chưa hề xảy ra ở vùng đất ngoại vi thành Tây Đô.

Khác với các chủ đề mang tính xã hội được thể hiện qua các mảng điêu khắc ở đình làng xứ Bắc, xứ Đoài, tác phẩm điêu khắc với đề tài vua cày ruộng bằng voi ở đình Hồ Nam cho thấy đây là tiêu bản điêu khắc gỗ dân gian mang đề tài độc đáo. Tiêu bản điêu khắc gỗ dân gian với đề tài đặc sắc này đã góp phần thêm tư liệu quí về dòng điêu khắc đình làng ở Thanh Hóa đồng thời cũng làm phong phú thêm nghệ thuật điêu khắc đình làng truyền thống Việt Nam.