Sáng 7/11/2019, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Thanh Tùng, còn đây một thời hoa đỏ" nhân dịp ra mắt tuyển tập thơ cùng tên.
Tuyển thơ Thanh Tùng, còn đây một thời hoa đỏ
Tập thơ "Thanh Tùng, còn đây một thời hoa đỏ" vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Qua 159 bài thơ trong tập, có cái phong vận của người thơ tài hoa Thanh Tùng với hai nét nổi bật đẫm chất thơ- chất sống Hải Phòng, đó là sự phóng khoáng trong nhịp điệu thi ca và sự phiêu bạt trong cảm xúc, suy ngẫm.
Trong đời thơ của mình, Thanh Tùng đi khá nhiều nơi, viết về nhiều miền đất khác nhau nhưng thành phố Hải Phòng của một "Thời hoa đỏ" vẫn là một miền thi ca giầu chất sống lãng mạn dữ dội và ký thác tâm tưởng nhiều nhất đối với ông.
Nói đến Thanh Tùng, nhiều người nhớ đến bài thơ Thời hoa đỏ được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc: "Mỗi mùa hoa đỏ về. Hoa như mưa rơi rơi… Trong câu thơ của em, anh không có mặt. Anh đâu buồn mà chỉ tiếc. Em không đi hết những ngày đắm say".
Thơ Thanh Tùng được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó bài Hà Nội ngày trở về được nhạc sĩ Phú Quang chấp thêm giai điệu: "Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về. Để lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm, trên đường phố Khâm Thiên... Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô, như ngày xưa chạm vai gầy áo mẹ. Ôi nỗi nhớ muôn đời vẫn thế, như dòng sông Hồng cuộn đỏ mãi trong tôi".
Nhạc sĩ Phú Quang cho biết: "Tôi đã phổ của Thanh Tùng ba bài thơ, riêng bài Hà Nội ngày trở về thì câu hát "Vội vã trở về, vội vã ra đi" đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Phải thừa nhận, Thanh Tùng có những câu thơ thật thi sĩ, đọc một lần thì ám ảnh khôn nguôi".
Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn, nhận xét: "Cảm xúc thi sĩ bẩm sinh của Thanh Tùng là thứ tài sản quý giá mà không phải người làm thơ nào cũng được sở hữu. Bên cạnh cái thô ráp, Thanh Tùng có cái phiêu lãng và cái phóng túng của một kẻ dường như chỉ sinh ra để đóng vai người làm thơ ngơ ngác, dẫu ông phải trải qua không ít năm tháng lao động chân tay nhọc nhằn. Đọc thơ Thanh Tùng giống như bước vào một vùng cảm xúc mâu thuẫn, giữa sự ngang tàng và sự yếu đuối, giữa sự tinh tế và sự vụng về, giữa sự mạnh mẽ và sự dở dang! Thanh Tùng đánh đổi không ít hạnh phúc cá nhân để lấy thơ, nên ý tứ từ tâm hồn ông đổ sang trang giấy có sức lay động vượt qua mọi bất trắc, vượt qua mọi lầm lạc…".
Nhà thơ Thanh Tùng tên khai sinh Dzoãn Tùng, sinh 7/11/1935 tại Nam Định, thành danh ở Hải Phòng, trước khi qua đời ngày 13/9/2017, ông sống hơn 20 năm tại TP HCM. Cuộc đời Thanh Tùng đã để lại những bài thơ tài hoa khoáng đạt, sâu sắc mới mẻ, là dấu ấn đẹp đối với Thi đàn Việt Nam./.