“Thật và đẹp” để phát triển nghệ thuật cải lương

Chương trình “Câu chuyện cải lương: Thật và Đẹp” cho thấy nghệ thuật cải lương cần giữ gìn, phát huy yếu tố "Thật và Đẹp" để không bị mai một.


Nhiều câu chuyện nghề, chuyện đời của người nghệ sĩ cải lương được chia sẻ trong chương trình “Câu chuyện cải lương: Thật và Đẹp” do Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TPHCM hôm qua (24/11).


Nghệ sĩ Mộng Tuyền cho biết, bà theo nghiệp cải lương từ năm 14 tuổi.


Nhắc lại quá trình theo nghiệp cải lương, nghệ sĩ Mộng Tuyền (tên thật là Huỳnh Thị Kim Loan, năm nay 72 tuổi) chia sẻ, bà vốn là con nhà nghèo, vào nghiệp hát bội từ năm 14 tuổi và hát từ các gánh hát tới các đoàn hát khác nhau. Năm 1963, được bà bầu Nguyễn Thị Thơ mời về đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, thì đó như là giấc mơ, bởi bà được đứng chung sân khấu cùng với nghệ sĩ Thanh Nga – người được mệnh danh là “nữ hoàng sân khấu” thời bấy giờ. Sau này, nghệ sĩ Mộng Tuyền còn được gọi là “Hoa khôi Cải Lương".

Nghệ sĩ Mộng Tuyền quan niệm: "Cái đẹp không phải là cái tối ưu của người nghệ sĩ, phải có tài và có đức nữa thì hai cái đó mới làm mình hãnh diện. Nếu mọi người nói Mộng Tuyền tài năng có, đức độ có thì Tuyền mừng hơn là nói Tuyền là tứ đại mỹ nhân". 


Buổi giao lưu thu hút nhiều nghệ sĩ và những người yêu cải lương tại TPHCM.


Từng gắn bó với vai diễn trong các vở cải lương như: Bên cầu Dệt Lụa, Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga…, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân (năm nay 69 tuổi) trải lòng, sinh ra trong gia đình ca cải lương, bà theo nghiệp hát từ năm 13 tuổi. Đến năm 1988, khi sang Pháp định cư thì bà cũng tổ chức cho những người đam mê cải lương thành lập hội mang tên Về Nguồn và tổ chức hát 8 buổi mỗi tháng, qua đó lan tỏa để ngày càng nhiều bạn trẻ bên Pháp dần yêu thích loại hình nghệ thuật này.

Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân kể lại: "Hồi đó, bên đó là các em sinh viên trẻ không biết gì về cải lương hết, thì các em mới nói là, con xin lỗi cô nha, hồi đó con nghe đến cải lương là con thấy sến lắm, con không có thích coi. Nhưng sau này con đâu có ngờ là cải lương lại hay như vậy, mình vui là mình làm được cho các em trẻ nhìn thấy những bộ môn về văn hóa của dân tộc mình".

Khi nhu cầu giải trí thưởng thức của công chúng thay đổi thì nghệ thuật cải lương cũng phần nào gặp khó khăn trong sự phát triển, thậm chí có thể nói là nguy cơ bị mai một dần.

Để giữ gìn loại hình nghệ thuật này, theo Tiến sĩ Lê Hồng Phước, giảng viên tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM – chuyên gia nghiên cứu về đàn ca tài tử, cải lương Nam Bộ thì phải hướng việc bảo tồn từ góc độ văn hóa dân tộc. “Thật và đẹp” là hai yếu tố song hành để cải lương đi được vào lòng công chúng. Bởi vậy, ngoài việc truyền khẩu thì đưa cải lương vào học đường cũng là một phương pháp để giới trẻ tiếp cận với loại hình nghệ thuật này.


Khi có chương trình “Câu chuyện cải lương: Thật và Đẹp” thì Đường sách Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TPHCM thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu hơn thường nhật.


Tiến sĩ Lê Hồng Phước nói: "Hát cải lương thì phải thật, bởi vì đưa lên sân khấu nên nó cũng phải đẹp. Nhưng mà đẹp thì phải thật mới lấy được cảm xúc của khán giả. Tôi ví dụ chúng ta đóng vai một bà mẹ nghèo khổ ở dưới quê mà lại mang giày cao gót thì nó lại không thật, mà chính vì không thật nên cái vai của chúng ta cũng không đẹp".

Để loại hình nghệ thuật cải lương luôn song hành cùng thời đại thì ngoài việc những nhà làm cải lương hay nghệ sĩ luôn phải đổi mới nội dung thì các nhà quản lý văn hóa cũng cần tạo thêm điều kiện để các sân khấu cải lương luôn được sáng đèn để loại hình nghệ thuật này tiếp cận công chúng nhiều hơn. Quan trọng hơn cả, chúng ta cần phải cho giới trẻ hiểu rõ cải lương là bản sắc văn hóa Việt Nam và mỗi người cần phải xác định trách nhiệm bảo tồn, phát triển nó.