Nếu nói về hình ảnh một người lính Trường Sơn năm xưa qua những huân chương trên ngực và thành tích khi trở về đời thường, Hoàng Công Sơn hoàn toàn xứng đáng trong đội ngũ những người anh hùng thế hệ chống Mỹ. Nhưng anh đã về đời thường bình lặng hơn cả những người bình lặng. Thậm chí, nếu không có những dòng nhật ký chiến trường mà Nhà thơ Đặng Vương Hưng sưu tầm và đưa vào Tập “Độc thoại và đối thoại” và NXB Công An Nhân dân xuất bản năm 2006, thì tôi là bạn thân của Hoàng Công Sơn ở Tân Khang Nông Cống ,Thanh Hóa đến những năm cuối đời cũng không bao giờ biết Hoàng Công Sơn đã chiến đấu ngoan cường như thế nào ngay từ những ngày đầu tiên vào chiến trường Quảng Trị tháng 9 năm 1965 và liên tục khốc liệt cho đến khi bị thương ở Công Tum 1970 và ra Bắc điều trị tháng 9/1970. Vì anh có bao giờ kể đâu mà biết ...và đời thường còn khốc liệt không kém để sống tiếp và tồn tại.
Nhưng khốc liệt hơn, 5 năm cuối đời anh bị tai biến não, nằm bất động cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, đúng lúc đại dịch covid-19 tràn về Hà Nội đợt 4, tháng 7 năm 2021. Anh ra đi, không kèn không trống, không tang lễ uy nghi. Không được tổ chức lễ tang ở nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông mà đáng lý anh hoàn toàn đủ tiêu chuẩn làm thủ tục tang lễ ở đó vì anh là Cựu Chiến Binh, Thương binh hạng nặng. Xe tang đưa vội về Đài hóa thân hoàn vũ và chỉ được 10 phút nghi lễ, không đọc điếu văn dù đã chuẩn bị cẩn thận, không được dán danh sách Ban tổ chức lễ tang, không đủ thời gian để làm lễ truy điệu...Sau hơn một tiếng đồng hồ, Hoàng Công Sơn hiện ra nhỏ nhoi là một bình tro bằng sứ, cho dù là bình sứ đẹp nhất và trang trọng nhất, đắt tiền nhất ở Đài hóa thân hoàn vũ, thì bản chất cũng là một lọ tro hài cốt đã hỏa táng và hợp đồng gửi lại nhà tang lễ, bao giờ hết dịch Covid-19 mới đưa về lại quê nhà ở chân núi Nưa, nơi bà Triệu luyện binh 2000 năm trước. Hoàng Công Sơn đã chiến đấu ngoan cường cả sau khi đã thành tro bụi trong không khí dịch dã toàn thế giới. Tôi bị ảm ảnh mãi cho đến bây giờ mới viết được những giòng này gửi về cho quê nhà đang chống dịch Covid-19, biết, Sơn đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng thế nào.
***
Hoàng Công Sơn, cuộc đời trong chiến trường khoảng 10 năm, nhưng là quãng thời gian quan trọng nhất của một đời người: Tuổi trẻ. Tôi nhớ hồi 1971, khi những binh đoàn lính tân binh sinh viên nối nhau rời Hà Nội lên đường vào chiến trường, tôi biết là cuộc chiến đã đến thời kỳ căng thẳng nhất và thử thách ác liệt nhất. Bạn tôi, sinh viên trường Mỏ, đầu năm 1971 vào chiến trường Quảng Trị, thì đầu năm 1972 đã có giấy báo tử. Một năm đã là ác liệt, thì với Sơn 10 năm ở chiến trường nó ác liệt thế nào.
Thực ra, xem nhật ký chiến trường tôi mới biết: Sơn được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận. Trang 137, sách Độc thoại và Đối thoại, Nhật ký Hoàng Công Sơn viết: " ...Sau đợt đi chiến đấu ở Động Chi về, mình được kết nạp Đảng, 3/2/1968, mơ ước và lý tưởng đã thành hiện thực. Kết nạp Đảng xong mình được đi chiến trường Tây Nguyên ngay.". Những giòng ấy, trong lý lịch Hoàng Công Sơn không có. Trong lý lịch Đảng, chỉ ghi: Đồng chí được kết nạp Đảng ngày 03 tháng 02 năm 1968 ở Chi bộ C60, Đặc công trực thuộc Sư 325c - B3. Chỉ một giòng khô khốc trong lý lịch mà phải phấn đấu bằng cả tính mạng mình một đời. Thuở ấy, sao mà trong sáng!
Nhật ký ghi vội mấy giòng: " Mỗi người mang trên ba lô 50 kg, gạo, lương khô, quần áo chưa kể súng và đạn". Mà súng đạn mới quan trọng vì nó đảm bảo sự sống cho chính mình. Nhật ký của Sơn ghi có thế nhưng nó là tất cả gian khổ kèm theo sau. Ốm đau, mệt mỏi cũng phải mang cái nhà nhỏ ấy trên lưng trên chặng đường chiến tranh hàng trăm km.
Bất ngờ tôi đọc đoạn Sơn nói về Lê Đình Châu là em họ tôi ở chiến trường.
Ở làng tôi, hồi chưa đi bộ đội, Châu và Sơn đá bóng lá chuối với nhau ở xóm Đồng Miên, tranh bóng đánh nhau chí chết. Tôi lạ gì cảnh ấy. Thế mà hai bạn vào chiến trường, lại được cùng đơn vị bộ đội với nhau. Họ đã thương nhau như ruột thịt. Tôi cảm động chảy nước mắt, khi đọc đoạn nhật ký Sơn tìm lại xem Châu còn kỷ vật gì để lại mong đưa về quê nhà thì, chỉ tìm được mỗi một kỷ vật là một lá đơn xin gia nhập Đảng đã rách, còn tất cả ba lô đã bị chôn vùi. Ở chiến trường, được gia nhập Đảng, quí giá biết bao, thiêng liêng biết bao. Không xem nhật ký của Sơn, tôi làm sao biết được tình cảm anh em Châu Sơn cùng quê ở chiến trường thiêng liêng thế nào. Nhưng cũng qua những trang nhật ký của Sơn, tôi còn biết thêm, chiến tranh ác liệt nên vẫn có những kẻ thoái chí, không chịu được gian khổ đã giơ tay xin hàng địch và chịu chiêu hồi, địch lợi dụng loa ầm ĩ trên máy bay trực thăng. Lúc đó, vì đang đánh nhau, báo chí không bao giờ nói đến nỗi nhục ấy. Nhật ký, nếu có chỉ là gói trong lòng. Đó là tất nhiên của sự sàng lọc nhân cách con người qua gian khổ chiến tranh.
Nói thật lòng, năm 2007, khi Hoàng Công Sơn tặng tôi cuốn Độc thoại và Đối Thoại do NXB CAND xuất bản, có lời giới thiệu của nhà thơ Đặng Vương Hưng về Hoàng Công Sơn, người lính đặc công anh dũng ấy, thì tôi còn chưa kịp đọc vì sau đó Sơn rủ tôi đi uống bia hơi và nói chuyện công việc. Sơn công tác ở Viện Nghiên cứu khoa học Mỏ Luyện Kim, vừa được đề bạt Kế toán trưởng. Cái đó là thiết thực, phải chúc mừng ngay...Tôi đã đọc kĩ Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nhật ký Nguyễn Văn Thạc. Những người anh hùng ấy, tôi cho rằng ấn tượng hơn Hoàng Công Sơn nhiều. Về đời thường, Sơn vẫn còn những người bạn chiến trường xưa ốm đau, những người cần sự giúp đỡ, những mối quan hệ cần có vv... để lên chức cao hơn, những hợp đồng ký để cơ quan được lợi hơn, thì nó thiết thực hơn. Đọc nhật ký chiến trường thì lúc khác cũng được. Thì ra bụt chùa nhà không thiêng.
Nhưng có một ngày, hội bạn chúng tôi bàn về Nhật ký Đặng Thùy Trâm và xem phim Đừng đốt, Sơn nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi: Nếu không có người lính Mỹ trao lại cuốn Nhật ký có lửa ở trong, cho gia đình Đặng Thùy Trâm thì mãi mãi Đặng Thùy Trâm vẫn là liệt sĩ nhưng không được truy phong anh hùng đâu. Hoàng Công Sơn này cũng đã được tặng nhiều huân huy chương, dù không được phong anh hùng nhưng may cho Sơn này là được sống mang gáo trở về, được uống bia cùng các bạn đây, dù một phần máu mình đã gửi lại chiến trường. Rồi Sơn nói như kết luận: Sống chết ở chiến trường là một sự may rủi các bạn ạ. Đạn nó tránh mình, mình không tránh đạn được. Sơn kể: Chính mình đây, đã 3 lần thoát chết mà lần đầu tiên là lính tân binh vừa vào chiến trường, dính ngay trận thử lửa. Bốn người một căn hầm, chết ba, còn mỗi Sơn. Sơn quay lại tôi, hỏi: Anh Lộc đọc Nhật ký Hoàng Công Sơn trong sách Độc thoại và Đối thoại chưa ? Chuyện sống chết ấy Sơn nói ngay ở những trang nhật ký đầu tiên. Tôi trả lời Sơn, nói đọc rồi, nhưng thực chất là chưa đọc hết mà mới xem lướt qua. Và về nhà đêm ấy, chỉ trong một đêm, tôi đọc hết Độc thoại và Đối thoại và tôi nghiệm ra, nếu Sơn hy sinh, nếu nhật ký bị Mỹ nhặt được và đến bây giờ có người Mỹ trả lại nhật ký ấy, và báo chí biết, liệu Sơn có được phong anh hùng không. Có thể có chứ. Thời đó, tôi nhớ một nhà văn quân đội nói câu nổi tiếng: Ra ngõ gặp anh hùng.
Nếu không xem nhật ký chiến trường, không xem những dòng độc thoại, tôi làm sao tưởng tưởng nổi cảnh: " ...Cứ sau những trận mưa to, những mảnh xương vụn lại lộ tra, phơi trên cát. Đêm đến những con đom đóm ở vùng này cũng to và sáng một cách lạ lùng...". Đấy là những cảnh kinh khủng của chiến tranh nhưng rồi nếu không ghi lại, nếu không xuất bản...thì những hình ảnh đó sẽ mất đi theo thời gian. Và nếu có in thành sách, con cháu không đọc thì cũng không hình dung được cuộc chiến tranh chống Mỹ xa xưa khốc liệt thế nào.
Tôi kể chuyện nhật ký chiến trường của Hoàng Công Sơn với anh Lê Đình Đấu, nguyên Phó Tổng Thanh Tra nhà nước, đồng hương Xứ Thanh với tôi, anh Đấu nói: Hôm nào, Lộc đến mình, mình cho xem những trang nhật ký chiến trường của mình, còn khốc liệt hơn thế. Mình đã đọc thành tích anh hùng của Lê Mã Lương. Mình không kém đâu và cuộc chiến đấu của mình đã dấn thân còn dài hơn Lê Mã Lương. Nhưng việc phong anh hùng còn phụ thuộc thời thế và yêu cầu của thời điểm cần có anh hùng. Mình rất nhiều trận xứng đáng anh hùng nhưng chỉ xét tiêu biểu một anh hùng thôi. Ấy thế mà đã có hàng ngàn anh hùng chống Mỹ đã được phong rồi. Nghe anh Lê Đình Đấu nói, tôi lại càng thấu hiểu sâu sắc câu nói: Ra ngõ gặp anh hùng!
Còn kể lại ư ? Hoàng Công Sơn về đời thường, làm kế toán trưởng hay làm trưởng phòng kế toán thì những con số, những hoạch toán cân đối sổ sách đã hết thời gian, lại còn lo vợ con, sự nghiệp đời người sau chiến tranh, lên chức và xuống chức... Kể lại nhật ký đời mình, ai nghe.
Sáng 28/7/2021, cháu Hiệp gọi điện cho tôi, nói một câu cụt lủn: Bố cháu mất lúc 7h30. Bây giờ làm thế nào bác. Biết Hiệp lúng túng, tôi nói: Gọi cấp cứu 115 đưa vào viện 108 và xin làm chứng tử trong viện. Bác đến ngay! Nhưng rồi cũng không đưa Sơn đến Viện 108 được. Đang dịch Covid-19 tang lễ buộc phải đơn giản đến tối thiểu. Xe tang đưa thẳng Sơn xuống đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển. Tôi ám ảnh nhất là khi đưa Sơn từ tầng 2 xuống tầng 1 nhà riêng để ra xe tang. Băng ca đã bé nhưng thân hình Sơn bé lại đến mức nhìn trên băng ca tôi chỉ thấy một đống quần áo bùng nhùng, tôi tưởng Sơn chưa đưa xuống nhưng mở khăn phủ mặt ra, người bé choắt lại như một hình nộm mỏng. Không ai biết trước đây Sơn to khỏe, nặng đến 80 kg.
Danh sách Ban tang lễ dài dằng dặc, nhưng rồi cũng không được dán lên nhà tang lễ. Tôi chuẩn bị rất công phu bài điếu văn để đọc lúc truy điệu nhưng rồi điếu văn cũng không được đọc.
Hình ảnh cuối cùng của người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa là tấm thân gầy đét, chỉ còn da bọc xương, lọt thỏm trong chiếc quan tài to và dài, phủ trên là là cờ đỏ sao vàng uy nghi và trang trọng. Chỉ một vài người được phép đi theo, gồm con cháu. Bạn bé thân hữu và các cựu chiến binh không ai được đi, Chi bộ Đảng, tổ chức chính trị thiêng liêng nhất của Hoàng Công Sơn, phải đổi bằng máu của mình ở chiến trường để có được danh hiệu Đảng viên, cũng không được có mặt. Đại dịch Covid-19 tai quái bắt buộc phải cách ly, vì sự sống của nhiều người. Nhưng Sơn còn một đau đớn hơn. Nguyễn Thị Phấn, người vợ thân yêu gần gũi nhất cũng bị tai biến, không thể đưa tiễn chồng đến nơi an nghỉ cuối cùng.
***
Không viết được bài báo này để làm một nén tâm nhang cho người đã khuất, tôi có lỗi lớn với Hoàng Công Sơn. Hỡi người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, tên các anh đã khắc trên bầu trời Việt Nam. Cho dù công trạng các anh có thể huân chương không ghi nhớ hết nhưng tất cả các anh đã làm nên một nước Việt Nam độc lập thống nhất mà lá thư nào gửi về cho tôi, Sơn cũng tái bút một câu: Hẹn ngày Thống nhất! Ấy thế mà ngày thống nhất đã đi qua gần 50 năm rồi đấy.
Hồ Linh Đàm, Hà Nội, ngày 14/9/2021- LTL
Theo Trái tim người lính