Theo quan niệm xưa, Then là cầu nối tâm linh mang lời thỉnh cầu, mong ước của con người tới Pựt Luông (Ngọc Hoàng) và các vị thần. Vì vậy, vào mỗi dịp lễ lớn trong năm như cầu an, mừng nhà mới, cúng giỗ tổ tiên, mừng thọ ông bà, cha mẹ... đều không thể thiếu vắng Then.
Bà Đàm Thị Sinh, một người dân ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng cho biết: "Cứ vào tháng Giêng hàng năm thì gia đình tôi lại đón thầy then đến làm lễ giải hạn cho cả nhà khỏe mạnh làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. Và làm lễ cúng Mẹ Hoa cho các cháu nhỏ để các cháu lớn nhanh khỏe mạnh. Ở đây nhiều người thấy hay, thấy tốt nên cũng rất nhiều nhà đón thầy về làm lễ để mỗi nhà có nhiều sức khỏe, vui vẻ và bình an. Đây cũng là một bản sắc của dân tộc cứ đến tháng Giêng gần như nhà nào cũng làm lễ."
Với khả năng đặc biệt, các thầy Then có thể đi từ Mường Đất lên Mường Trời hay từ Mường Đất xuống cõi âm; Thầy Then sẽ thay mặt gia chủ dâng cúng lễ vật và gửi ước nguyện của gia chủ đến tổ tiên và các vị thần linh ban cho sức khỏe, bình an, may mắn... Khi các thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình và tùy theo mục đích lễ Then mà thầy Then sẽ bày mâm lễ, đọc lời khấn trước bàn thờ Then những vị thần linh khác.
Là một trong số những nghệ nhân trẻ có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn, lưu giữ Then cổ, thầy Then Nguyễn Văn Thọ ở huyện Tràng Định, Lạng Sơn cho hay: "Làm then trong đời sống của người Tày, Nùng từ lúc sinh ra đến lúc chết đi người ta thường xuyên làm lễ. Đau ốm, cuộc sống không bình an, có gì đó không tốt đẹp thì người ta thường hay đi đón ông bà Then về giải để cho mọi điều tốt đẹp, cuộc sống bình an khỏe mạnh. Then cổ là Then về đường tâm linh chủ yếu là then nghi lễ, cứu nhân độ thế."
Từ những lễ Then, có thể thấy được nhiều giá trị về đạo đức, lối sống gắn với những truyền thống văn hoá lâu đời của người Tày, người Nùng. Chẳng hạn như truyền thống kính già yêu trẻ được thể hiện trong Lễ Mừng thọ với then Pủ lường (Bù lương) hay những đoạn Then cầu mong Mẹ Hoa (bà Mụ) chở che, ban phúc cho những đứa trẻ trong Lễ đầy tháng (thôi nôi)...
Ông Vi Hồng Nhân người am hiểu về văn hóa dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Người Tày-Nùng chúng ta có truyền thống làm Then trong các dịp đầu năm, cuối năm để cầu những điều tốt đẹp: cầu an, cầu phúc cho gia đình, làng xóm. Bà con gọi nhau đến để cùng nghe Then, gặp gỡ nhau để thêm yêu quý nhau. Làm Then còn có một ý nghĩa nữa là chữa bệnh, cầu bình an và những điều tốt đẹp sẽ đến với người bệnh, với gia đình."
Gắn chặt với đời sống tâm linh và văn hóa Tày, Nùng nên Then được duy trì trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, ngoài yếu tố tâm linh, hát Then có rất nhiều cung đoạn gắn bó với cuộc sống văn hóa, các lễ hội truyền thống và cả giao duyên nam nữ... Ông Đặng Hoành Loan, Nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) khẳng định: Then là một kho tàng quý báu, chứa đựng trong đó những giá trị văn học nghệ thuật ngàn đời của đồng bào Tày, Nùng và sẽ trường tồn cùng thời gian.
Hiện nay, tín ngưỡng của các dân tộc vẫn tồn tại, thậm chí tồn tại mãnh liệt. Thế thì tín ngưỡng tâm linh, tín ngưỡng mà con người có hồn và vía của người Tày, người Thái, người Nùng cũng mà tôi nghĩ rằng là bất diệt và càng ngày càng chứng minh được cái văn hóa ấy, tín ngưỡng ấy đang đáp ứng được nhu cầu tâm lý, tình cảm của con người. Và Then đáp ứng được nhu cầu đấy, vì vậy Then không mất và tôi nghĩ Then không bao giờ mất.
Then là loại hình nghệ thuật tổng hợp có văn học, âm nhạc, múa và mỹ thuật. Then chứa đựng trong bản thân nó nhiều yếu tố của tôn giáo nguyên thủy và có sức lôi cuốn kỳ lạ, khiến con người cảm nhận một thế giới vừa linh thiêng vừa huyền bí lại vừa gần gũi và minh chứng cho sức mạnh trường tồn của tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc.