Vượt mục tiêu đề raTính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000MW so với năm 2019, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.430MW (tăng 11.780MW so với năm 2019) và chiếm tỷ trọng 25,3%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 23 thế giới. EVN đã hoàn thành tích hợp toàn bộ 12/12 dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 và là đơn vị tiên phong chuyển đổi dịch vụ thanh toán tiền điện sang nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia. EVN cũng đã triển khai thí điểm việc tích hợp các hệ thống kỹ thuật và kinh doanh giúp giải quyết các thủ tục cấp điện trung áp của điện lực bình quân là 3,17 ngày, giảm 0,66 ngày so với năm 2019. Thời gian cấp điện qua lưới điện hạ áp bình quân cho khách hàng sinh hoạt khu vực TP, thị xã, thị trấn là 2,27 ngày, khu vực
nông thôn là 2,67 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 2,66 ngày.
Đầu tư cấp điện
nông thôn, miền núi ngoài vốn ngân sách, các đơn vị đã chủ động thu xếp các nguồn vốn với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng để cấp điện cho gần 14.000 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Kon Tum, Bạc Liêu... Về cấp điện hải đảo, đã hoàn thành các dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho xã đảo Nhơn Châu (Bình Định), đảo Trần (Quảng Ninh); triển khai dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) và tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cấp điện tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Các tổng công ty điện lực tập trung thực hiện đầu tư lưới điện
nông thôn góp phần nâng cao tỷ lệ số xã
nông thôn đạt tiêu chí số 4 (tiêu chí về điện) lên 87,9%. Tính đến cuối năm 2020, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,54%, trong đó số hộ dân
nông thôn có điện đạt 99,3%.
8 nhiệm vụ trọng tâmPhát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị EVN tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, EVN cần tham mưu, phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện hoàn thành quy hoạch điện VIII; Thứ hai, vận hành an toàn, ổn định và tối ưu hệ thống điện quốc gia để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước; Thứ ba, đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện đồng bộ theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt; Thứ tư, thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước... Thứ năm, thực hiện tái cơ cấu, tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình được phê duyệt, đảm bảo đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả vào vận hành chính thức từ năm 2023... Thứ sáu, thực hiện các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động, tiến tới bắt kịp các nước trong khu vực; Thứ bảy, tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiêu thụ điện, từng bước thay thế các công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều điện năng bằng các công nghệ tiêu hao ít điện năng; Thứ tám, đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động, xây dựng cơ chế tiền lương và thu nhập của lao động, chế độ đãi ngộ nhân tài phù hợp.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và các bộ, ngành tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh các thủ tục về quản lý vốn, tài sản, đầu tư xây dựng để EVN thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao; các địa phương cùng với EVN quản lý chặt chẽ các hồ, đập, công trình điện; tạo thuận lợi về mặt bằng để tập đoàn triển khai các công trình, dự án đúng tiến độ...