HỘI NHẬP|| Chủ trương chuyển mục tiêu từ "không Covid-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch" đang nhận được sự quan tâm và đồng tình không chỉ của các ban chỉ đạo, chính quyền địa phương, DN mà cả người dân. Bởi qua gần 2 năm qua, virus biến đổi liên tục, hết đợt dịch này lại đến một đợt dịch khác, nhiều khi không thể đoán trước, do đó việc tìm giải pháp để “sống chung an toàn” thể hiện một cách nhìn phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Phòng, chống dịch Covid-19 là một công việc rất mới và rất khó. Chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh các giải pháp. Thực tiễn cũng cho thấy, trong mỗi thời điểm dịch, các giải pháp đưa ra là phù hợp. Trong đó, việc áp dụng giãn cách xã hội là một giải pháp đúng để kịp thời giảm độ lây lan của dịch bệnh, khoanh vùng, cách ly hiệu quả, nhưng không thể sử dụng mãi, vì khó khăn cho người dân và nền kinh tế là rất lớn. Hơn nữa, khác với thời điểm trước, tình hình hiện nay đã thay đổi, dịch bệnh ngày càng khó dự báo bởi lan rộng ở nhiều nơi, bùng phát trên nhiều địa bàn, hay nói cách khác là rất khó để đưa dịch về “con số 0”. Việc chấp nhận có những ca F0 phát sinh trong cộng đồng, sẵn sàng tâm thế ứng phó khi có ổ dịch bùng phát, đó là một chiến lược mới cần thiết.
Có thể thấy rằng, sự xoay chuyển chiến lược, mục tiêu sẽ góp phần khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, song hành với phòng, chống dịch bằng việc thiết lập chiến lược lâu dài, kịch bản thích ứng an toàn. Từ đi lại an toàn, sản xuất an toàn, đến dịch vụ an toàn… với các mục tiêu, chiến lược, phương pháp mới để dần có thể thích nghi trong điều kiện dịch vẫn tồn tại sẽ có thể đưa cuộc sống trở lại trong điều kiện bình thường mới.
Hiện nay, sau thời gian giãn cách dài để phòng, chống đợt dịch thứ tư, nhiều địa phương đã tính đến những phương án để chuyển sang phong tỏa hẹp điểm có dịch thay vì cả khu vực rộng, quản lý chặt, để người dân ở những vùng an toàn có thể được tạo điều kiện tái hoạt động sản xuất, kinh doanh... Hoặc tính đến phương án để mở cửa với những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine làm việc trong nhà xưởng, nhà máy, cơ quan… Tuy nhiên, để đạt đến điều đó, cũng phải có bộ tiêu chí đánh giá và hướng dẫn thống nhất để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tránh máy móc, phát sinh “giấy phép con” hoặc mỗi nơi mỗi kiểu. Đồng thời, như người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rõ 6 nguyên tắc để thích ứng: Y tế là trụ cột, là cơ sở; kinh tế là nền tảng trung tâm; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu, dữ liệu khoa học công nghệ là then chốt; ý thức của Nhân dân, vaccine, thuốc chữa bệnh là điều kiện tiên quyết; tranh thủ tối đa việc thích ứng dịch bệnh là động lực phấn đấu vươn lên, thay đổi trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, nâng cao năng lực y tế cơ sở, năng lực quản lý.
Hiện việc tiêm vaccine đang được thúc đẩy bằng nhiều giải pháp, năng lực y tế chuẩn bị cao hơn tình hình dịch; các phương án an toàn trong sản xuất, kinh doanh xây dựng linh hoạt, phù hợp với từng cơ sở… Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá và hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn. Có thể nói, đây chính là bước đi, cơ sở để từng bước chuyển sang giai đoạn “thích ứng”, nhưng không vì thế mà lơ là, mất cảnh giác để lại bùng phát, lại phải giãn cách xã hội. “Bình thường mới” trong điều kiện có dịch, quan trọng trước hết vẫn là tâm thế, thói quen sống, hành vi, ý thức phòng, chống dịch của người dân cần điều chỉnh tích cực để hình thành các mô hình chung sống an toàn, luôn đề cao tinh thần phòng ngừa, bảo vệ mình, gia đình và rộng hơn là cộng đồng xã hội.