Thiếu hàng ngàn giáo viên, địa phương loay hoay trong tổ chức dạy học

Nhiều địa phương vẫn đang thiếu hàng ngàn giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, tiểu học, gây khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên các cấp học. Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, trước thềm năm học mới, tỉnh Kon Tum còn thiếu khoảng 1.696 giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên tiếng Anh, tin học tại các địa bàn vùng sâu vùng xa. Việc không đủ giáo viên cũng khiến nhiều trường gặp trở ngại khi triển khai dạy 2 buổi/ngày.

Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề xuất Chính phủ cần quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành giáo dục địa phương, hỗ trợ nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, sớm xem xét, sửa đổi bổ sung quy định thiếu đồng bộ giữa cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng và chính sách tuyển dụng sinh viên sư phạm sau đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng cho hay, bước vào năm học 2021-2022, tỉnh Gia Lai đã xây dựng 7 kế hoạch trọng tâm cho ngành GD-ĐT, trong đó quan tâm đến chuẩn hoá đội ngũ quản lý, giáo viên theo chương trình GDPT mới. Tỉnh đã và đang rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trường lớp, để đáp ứng chương trình và sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, ngành giáo dục Gia Lai cũng đang đứng trước nhiều vướng mắc khi còn thiếu 3.721 giáo viên, tập trung chủ yếu vào bậc mầm non và tiểu học, gây khó khăn trong quá trình xếp lớp và khó tổ chức dạy học trực tuyến.

Ông Vũ Đại Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng, trong thời gian qua việc thực hiện tinh giản biên chế trong ngành giáo dục còn nhiều điểm chưa hợp lý, vẫn cào bằng 10% như những ngành khác. Trong khi đó, ở một số bậc học thiếu lượng lớn giáo viên, bậc học khác lại thừa. Như tại Quảng Bình, hiện toàn tỉnh vẫn còn thiếu khoảng 1.000 giáo viên. Theo ông Thắng, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với Bộ Nội vụ để giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên cho địa phương.

Tại tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các bộ cần sớm xem xét, tham mưu trình Chính phủ bổ sung biên chế cho địa phương.

“Nghệ An có khoảng 870.000 học sinh các cấp với 45.000 giáo viên, còn thiếu khoảng 8.000 giáo viên các cấp, đặc biệt là bậc mầm non và tiểu học gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện dạy học. Bên cạnh đó, Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai Chương trình GDPT mới, cần được Bộ GD-ĐT hỗ trợ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới công tác tập huấn giáo viên và chuẩn bị Chương trình GDPT mới, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ xem xét lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 10 để triển khai có hiệu quả", ông Chung nói.

Còn theo ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, để đáp ứng cho lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ngày, Hải Phòng còn thiếu khoảng 600 giáo viên. Nhưng khi cả lớp 3, 4, 5 thực hiện học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của Chương trình GDPT mới, Hải Phòng sẽ phải bổ sung thêm 1.572 giáo viên nữa. Trong khi đó, ở một số môn học đặc biệt ở tiểu học, dù muốn tuyển nhưng cũng không có nguồn tuyển. Ông Trà đồng thời đề xuất, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên có chiến lược để cung cấp nhân lực đang “khan hiếm”, sẵn sàng nguồn tuyển khi Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ giao chỉ tiêu cho ngành.

Bộ GD-ĐT cho biết, đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới bậc tiểu học, bậc THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. 

Cần giải cả bài toán nâng “chất” đội ngũ giáo viên

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc giải bài toán thừa thiếu giáo viên, cần quan tâm đến việc làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định, giáo viên là một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công của giáo dục. Mới đây, Chính phủ ban hành 116/2020/NĐ-CP về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Đây là chính sách kịp thời và tiến bộ, nhưng đó mới là điều kiện cần, điều kiện đủ phải là vị trí việc làm và chế độ chính sách, môi trường, cách thức làm việc để giáo viên phát huy hết năng lực của họ. Điều kiện đủ phải bắt đầu từ các UBND các tỉnh, từ Bộ Nội vụ.

“Phải có cơ chế chính sách và môi trường tốt để nhà giáo phát huy hết năng lực, tâm huyết với thiên chức cao quý của họ. Chính phủ đã dành nhiều nguồn để kiên cố hóa trường học, dành cho trang thiết bị, nhưng nếu mạnh dạn đầu tư cho thầy cô để những người giỏi vào nghề, tâm huyết và yên tâm công tác thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ khác hẳn.

Trước đây, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc phân công công tác giáo viên và đã có nhiều tác động tích cực về phát triển giáo dục miền núi, vùng khó khăn. Nghiên cứu để có chính sách cho vấn đề này là rất cần thiết, nhằm từng bước phát triển giáo dục các vùng này và chỉ có thế mới có thể tạo ra sự tiếp cận bình đẳng trong giáo dục. Đặc biệt cần sớm triển khai quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên ngay trong các nhà trường", GS.TS Nguyễn Văn Minh nói./.