Bánh chè lam.
Bánh chè lam trước kia thường chỉ được làm vào dịp Tết Nguyên đán cùng với bánh khảo và bánh chưng. Ngày nay, do sự phát triển của xã hội cũng như nhu cầu của thực khách, bánh chè lam được làm quanh năm và được bày bán nhiều ở các phiên chợ huyện trên địa bàn tỉnh.
Bánh chè lam tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng biết cách làm. Để làm được miếng bánh chè lam thơm ngon, chuẩn vị thì khâu chuẩn bị nguyên liệu là quan trọng nhất. Bánh chè lam được làm từ bột gạo nếp rang, lạc rang, gừng và đường phên (hay đường đỏ). Đặc biệt, để bánh chè lam có độ dẻo, dai thì khâu rang gạo cho vàng đều là quan trọng nhất.
Để làm bánh chè lam, đầu tiên, gạo nếp nhất định phải là loại gạo nếp có hạt to, mẩy, đều và có màu trắng sữa. Sau khi chọn xong, người ta sẽ rang gạo trong chảo, lửa phải đều, tay luôn đảo đều để hạt gạo chín không bị sượng. Sau đó, chờ khi gạo nguội thì dùng cối xay để có được thứ bột mịn, thơm nồng.
Điều khác biệt của bánh chè lam Cao Bằng với các địa phương khác chính là công đoạn rang và xay gạo. Gạo thường được rang trong chảo gang lớn, sau khi rang đem vào cối đá xay. Sau khi đã có bột thì bước tiếp theo là rửa sạch gừng, đem hấp chín rồi thái mỏng, nhuyễn. Lạc rang có màu vàng, thơm.
Công đoạn quan trọng nhất khi nấu món bánh chè lam chính là thắng đường. Muốn bánh chè lam ngon khó cưỡng thì đường phên phải chọn loại ngon, có vị thanh ngọt, màu vàng nâu đặc trưng. Đường được cho vào chảo gang quấy đều trên bếp lửa nhỏ cho đến khi sánh. Khi đường đã sánh, từ từ bỏ các nguyên liệu đã chuẩn bị vào và khuấy đều tay.
Khi khuấy lửa không cần phải quá to chỉ cần đủ độ nóng, bột luôn được đảo đều tay liên tục để không bị dính và không bị cháy. Sau khi bột đã đủ độ sánh và chín, rắc sẵn bột nếp để dành ra chiếc mâm nhôm hoặc mặt phẳng rộng, sau đó đổ chè lam lên và tạo hình. Chính lớp bột này sẽ giúp cho bánh không bị dính, lại tạo thêm một lớp áo mới trắng ngần bắt mắt, hấp dẫn.
Bánh chè làm là sự kết hợp hài hòa giữa độ ngọt của mật, độ mịn, dẻo của bột nếp, thêm chút cay của gừng, bùi bùi của lạc. Khi ăn người ta sẽ dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ. Bánh dẻo nhưng không dính, lại có mùi thơm nồng quyến rũ khiến bất cứ ai đến Cao Bằng cũng muốn dừng lại thật lâu để thưởng thức.