Mới đây, phát ngôn tại một toạ đàm về “Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?”, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, 90% người Việt đang ăn gạo "bẩn" do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo. Phát ngôn này ngay sau đó đã nhận được sự chỉ trích của dư luận, chuyên gia cũng như khiến ngành nông nghiệp bức xúc.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định thông tin trên “hoàn toàn sai sự thật”.
Theo ông Cường, gạo Việt ngày càng khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường quốc tế. Từ đầu năm 2020 đến nay, dù ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm suát, nhưng xuất khẩu gạo được xem là điểm sáng, khi xuất được 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019, có thời điểm giá gạo Việt Nam còn vượt cả Thái Lan.
Ông Cường khẳng định, trong xuất khẩu gạo, Việt Nam không phải “một mình một chợ”, còn phải cạnh tranh từ các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia… Nếu gạo Việt không khẳng định được chất lượng, đảm bảo được các yếu tố an toàn thực phẩm, chắc chắn gạo Việt Nam không có được kết quả xuất khẩu ấn tượng như vậy.
“Khi có những nhận định về một ngành sản xuất quan trọng với người nông dân, thì cần có những căn cứ, số liệu chính xác, khoa học, không nên có những nhận xét mang tính cảm tính”, ông Cường nói.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến những thành công và phát triển vượt bậc của ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm qua, làm tổn hại đến uy tín hạt gạo Việt ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân đã xây dựng trong suốt nhiều năm qua.
Còn theo TS Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, lúa gạo là một trong những ngành hàng nông sản đạt được nhiều thành công trong thời gian qua, nhận định 90% người Việt đang phải dùng gạo “bẩn” là không thỏa đáng, không có căn cứ, và không công bằng cho gạo Việt.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư Tp Hồ Chí Minh cho biết, việc ông Bình phát biểu như trên có nhiều vấn đề gây dư luận và ảnh hưởng không tốt.
Cũng theo vị luật sư, nếu phát biểu của ông Bình là sự ngộ nhận và không đúng, trường hợp này các tổ chức liên quan phải lên tiếng mạnh mẽ. Các doanh xuất khẩu gạo cũng yêu cầu ông Phạm Thái Bình giải trình dựa trên cơ sở nào để có lời nhận xét trên.
"Nếu thấy phát ngôn của ông Bình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp,... thì họ có quyền khiếu nại, khởi kiện ông Phạm Thái Bình ra cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết vụ việc, cũng như chuẩn bị các tài liệu chứng cứ cho việc chứng minh quyền lợi mình bị ảnh hưởng để có cơ sở xử lý, bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành", Luật sư Bùi Quốc Tuấn phân tích.