Thú chơi Xuân mùa Covid-19: Tìm về truyền thống hay chạy theo công nghệ?

TGVN. Dịch Covid-19 đã làm thay đổi suy nghĩ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” và thú vui Xuân của người dân cũng khác đi nhiều so với những năm trước đây.

Xuân này không gặp gỡ liên hoan, không trẩy hội hay du Xuân náo nức, nhưng có những thú chơi Xuân vừa hữu ích vừa trở thành nét đẹp, vừa an toàn tiết kiệm được sống lại và phát huy hiệu quả hơn.

Hình ảnh kỳ quan Việt Nam trên Google Arts & Culture.
Hình ảnh kỳ quan Việt Nam trên Google Arts & Culture.

Đọc sách và tặng sách

Thú đọc sách trước nỗi lo bị mai một theo thời gian thì trong bối cảnh Covid-19 dường như lại được nhân lên một cách mạnh mẽ hơn.

Ngày đầu năm mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021 trên phạm vi toàn quốc.

Cuộc thi này dành cho học sinh phổ thông, sinh viên trên cả nước và người khiếm thị. Các thí sinh gửi bài dự thi chia sẻ về một cuốn sách yêu thích hoặc một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức, cuộc sống của bản thân; sáng tác một tác phẩm (câu chuyện hoặc bài thơ) nhằm khích lệ mọi người đọc sách; viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách mà bản thân đã đọc...

Mở cửa từ ngày mùng 3 Tết, phố sách Hà Nội năm nay vẫn đón tiếp người dân đến phố sách lựa chọn những cuốn sách hay để tặng cho người thân.

Bên cạnh đó, phong trào “mừng tuổi bằng sách” cũng được chia sẻ rộng rãi trên truyền thông và mạng xã hội. PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, đây là những món quà đầu năm hữu ích nhất, “mang đến những giá trị tinh thần, sẽ tạo dựng văn hóa đọc cho các em”.

Có thể nói, xu hướng tặng sách in vào dịp Tết mới bắt đầu được hâm nóng lại vào năm nay trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong một page tập hợp hơn 80.000 thành viên thích đọc sách, nhiều người cũng đã chia sẻ sẽ mừng tuổi cho trẻ bằng sách, cũng như giới thiệu những tác phẩm hay và phù hợp để “lì xì” mọi người vào đầu Xuân.

Đáng chú ý, trong buổi đi làm đầu tiên sau Tết Tân Sửu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã lựa chọn ba đầu sách để tặng các cán bộ, công nhân viên, như một món quà lì xì đầu năm mới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức hình thức chào năm mới phù hợp với quy định giãn cách phòng dịch Covid-19, cân nhắc lựa chọn “lì xì” trong nội bộ đơn vị bằng cách chọn sách phù hợp để tặng cho nhân viên.

Người dân cũng có nhiều cách thức du Xuân khám phá nhiều công trình kiến trúc, nét đẹp văn hóa của dân tộc qua hình thức trực tuyến. Trong đó, dự án Kỳ quan Việt Nam trên Google Arts & Culture với sự phối hợp của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) là một cách lựa chọn hay.

Thưởng Xuân theo cách truyền thống

Thay vì nhộn nhịp đi lễ hội, người dân cũng đón Xuân trong tâm thế an nhiên và sống chậm hơn. Họ cũng có thiên hướng trở về với những thú vui thiên nhiên và chăm sóc cho ngôi nhà của mình, đặc biệt có thời gian nhiều hơn bên người thân, thăm hỏi bạn bè.

Với các bà nội trợ, ngoài chăm chút cuộc sống gia đình hằng ngày còn thời gian cho nhiều thú vui khác như thêu thùa, may vá, trồng cây...

Quan niệm chơi Xuân cũng đang hướng về truyền thống, như thú chơi tranh, cùng với những bức tranh dân gian theo lối vẽ và chất liệu truyền thống, hiện nay tranh Tết có chất liệu đa dạng như: tranh gốm sứ, tranh đồng, tranh thêu, tranh khảm trai, tranh chạm khắc gỗ, tranh đá quý dựa trên những đề tài của tranh dân gian xưa.

Có thể thấy, các họa sĩ và nghệ nhân Việt vẫn hướng tác phẩm của mình với ý nghĩa làm sống lại lĩnh vực tranh Tết. Đây chính là một cách dựa vào truyền thống để đến với những mục tiêu xa hơn, lâu bền hơn cho nghệ thuật tranh Tết cổ truyền Việt Nam.

Theo nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn, đây là thời điểm để sống lại truyền thống chơi Xuân của dân tộc như thưởng trà, ngắm hoa...

Các làng quê có thể dựng lại những trò chơi dân gian như đánh cờ, chơi đánh chuyền, chơi ô ăn quan, chơi pháo đất… Lúc ấy, gia đình và ngôi nhà sẽ trở thành trung tâm của sum họp và là chốn vui Xuân thực sự nhẹ nhõm cho mỗi người.

Du Xuân trực tuyến

Người dân cũng có nhiều cách thức du Xuân khám phá nhiều công trình kiến trúc, nét đẹp văn hóa của dân tộc qua hình thức trực tuyến. Trong đó, dự án Kỳ quan Việt Nam trên Google Arts & Culture với sự phối hợp của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) là một cách lựa chọn hay.

Ra mắt từ tháng Giêng, dự án này bao gồm 35 triển lãm với 1.369 bức ảnh, đưa người xem đến nhiều góc nhìn độc đáo về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Một số những hình ảnh ấn tượng của kỳ quan Việt Nam được tái hiện đó chính là Hang Sơn Đoòng, lễ hội đèn lồng Hội An, Nhã nhạc cung đình Huế...

Chỉ cần lựa chọn từ khóa “Wonder in Việt Nam” trên Google Arts & Culture, người xem cũng có thể khám phá theo chủ đề của văn hóa, màu sắc hoặc tìm kiếm theo các địa danh, âm nhạc truyền thống của Việt Nam.

Ngoài ra, cùng với hệ thống website của các bảo tàng, di tích lịch sử, du khách cũng có thể tham quan các địa điểm thông qua những website được cộng đồng đánh giá cao như: Amazing Vietnam, TripAdvisor, Lonely Planet...

Tại đây, rất nhiều hình ảnh và các thông tin du lịch hấp dẫn đã được thực hiện trên nền tảng công nghệ số được nhiều du khách đánh giá cao không thua kém gì những trải nghiệm thực tế.

Bên cạnh việc tìm hiểu theo từng khía cạnh du lịch, nhiều website cung cấp tính năng dịch qua các thứ tiếng khác nhau giúp cho văn hóa, du lịch Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Không chỉ vậy, dịp này, các ứng dụng được đông đảo người dân biết đến như Du lịch Việt Nam an toàn, TripHunter, TripAdvisor… lại phát huy được thế mạnh thông qua những kết nối tiện ích nhằm tìm kiếm những cơ hội trải nghiệm trước những thách thức của dịch bệnh.