Ảnh minh họa |
Theo ông Liu Zhongmin, Giám đốc Bệnh viện Đông Thượng Hải thuộc Trường Y của Đại học Đồng Tế, thử nghiệm trên chuột chỉ là sàng lọc sơ bộ để tìm loại vaccine phù hợp. Sau khi nhóm nghiên cứu xem xét kháng thể hiệu quả chống lại virus, vaccine tiềm năng sẽ tiếp tục trải qua thử nghiệm độc lực học đòi hỏi những loài vật lớn hơn như khỉ. Quá trình trên sẽ cho phép các nhà nghiên cứu đánh giá độ an toàn của vaccine trước thử nghiệm lâm sàng.
Ông Liu cho biết nhóm nghiên cứu cần tổng cộng hơn 100 con chuột để tiến hành thử nghiệm vào hôm 9/2. Để bảo đảm tính khách quan, mẫu vaccine này cũng được thực hiện đồng thời ở Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc và Viện Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia tại Bắc Kinh.
Theo ông Liu, vaccine dựa trên mRNA là một trong những công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến nhất hiện nay, giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị và cho hiệu quả cao hơn.
Loại vaccine này được thiết kế và phát triển trong chương trình hợp tác giữa CDC, Đại học Đồng Tế và một công ty vaccine Stemirna Therapeutics LLC ở Thượng Hải.
Áp dụng công nghệ mới điều chế vaccine nCoV
Các nhà khoa học trên thế giới cũng đang áp dụng công nghệ mới trong các dự án đầy tham vọng để điều chế vaccine trong thời gian kỷ lục nhằm phòng chống nCoV.
Thông thường, một vaccine trước khi được đưa vào sử dụng phải mất hàng năm trời và liên quan tới một tiến trình kéo dài như thử nghiệm trên động vật, thử nghiệm lâm sàng ở người và phải được sự thông qua của cơ quan quản lý dược phẩm. Tuy nhiên, hiện một số nhóm khoa học đang chạy đua với thời gian để phát triển nhanh hơn vaccine phòng chống nCoV với sự hỗ trợ của Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh (CEPI) tại Australia. Các nhà khoa học Australia hy vọng vaccine của họ có thể sẵn sàng cho sử dụng trong vòng 6 tháng tới. Tuy nhiên, khung thời gian này của các nhà khoa học Australia vẫn bị coi là tiến độ chậm trong bối cảnh virus nCoV mỗi ngày làm gần 100 người thiệt mạng tại Trung Quốc.
Với nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ điều chế vaccine, CEPI đang đầu tư hàng triệu USD vào 4 dự án trên thế giới. Các dự án này được cho là sử dụng công nghệ mới trong điều chế vaccine để có thể đem ra thử nghiệm trong tương lai gần. Giám đốc điều hành CEPI Richard Hatchett cho biết mục tiêu của tổ chức này là bắt đầu đưa vaccine vào thử nghiệm lâm sàng ở người chỉ trong vòng 16 tuần.
Ngoài ra, hãng dược sinh học CureVac của Đức và hãng Moderna Therapeutics của Mỹ đang phát triển các vaccine dựa trên trình tự DNA đặc hiệu hoặc "RNA đưa tin" của virus.
Trong khi đó, các nhà khoa học Pháp tại Viện Pasteru đang điều chỉnh vaccine phòng sởi để chống lại nCoV. Pháp dự kiến phải mất hơn 20 tháng thì vaccine mới này mới sẵn sàng được đưa vào sử dụng.
Vũ Phong