Vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch. Yêu cầu phải thực hiện nghiêm, cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân; động viên, tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021; những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2021 diễn ra chiều nay (11/8).
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam; một số tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch trở lại đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Tại các địa phương khác, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao do số lượng lớn trường hợp đã đi về từ vùng dịch có thể vẫn chưa được giám sát, quản lý triệt để.
Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021, báo cáo tại phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Trong đó, chỉ số CPI bình quân 7 tháng tăng 1,64%; thị trường tiền tệ ổn định; tăng trưởng tín dụng phục hồi tích cực; thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 68% dự toán năm; thực hiện vốn FDI tăng 3,8%; giữ vững an ninh năng lượng; bảo đảm cung cấp nước an toàn, liên tục.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các bộ ngành và địa phương, phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự chuẩn bị các báo cáo trình bày tại phiên họp tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế, khả thi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp thu những tư tưởng chỉ đạo, quan điểm, giải pháp hết sức cơ bản có tính chất định hướng cả trước mắt và lâu dài trong bài phát biểu chỉ đạo hết sức quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thủ tướng lưu ý các cấp, các ngành, địa phương phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, những cân đối lớn, liên quan chính sách tài khoá, tiền tệ hài hoà, hợp lý, giữ ổn định lạm phát. Phát triển bền vững, phát triển theo chiều sâu; phát triển kinh tế hài hoà, hợp lý với phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh an sinh xã hội chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn tinh giảm biên chế. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khâu tổ chức thực hiện phải được quan tâm, kiểm tra, giám sát thường xuyên, kiểm soát quyền lực. Vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương, vừa mở ra môi trường sáng tạo. Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo.
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ Nghị quyết này để triển khai nghiêm túc, vận dụng sáng tạo. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, mở rộng đối tượng hỗ trợ phù hợp. Chính phủ biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao các địa phương, cơ quan, đơn vị đã huy động nguồn lực tối đa chống dịch, huy động sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp. Tuy vậy, trong phòng, chống dịch, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, chưa thực hiện nghiêm. Do đó, phải nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân; động viên, tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Các cấp uỷ đảng, hệ thống chính quyền phải vào cuộc để thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
“Sau hơn 500 ngày, chúng ta cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm chống dịch, chống lây nhiễm thì lớp người này người kia, ai ở đâu thì ở đó, người cách ly với người, biện pháp như thế tôi cho là chuẩn rồi, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Thứ hai là khi ta kiểm soát rồi phải tiến hành xét nghiệm một cách thần tốc, bao vây ổ dịch, bao vây nguồn lây và tách ngay nguồn lây ra để phân loại và có biện pháp phù hợp, không lơ là. Mình phong tỏa rồi, mình đưa ra mục tiêu rồi, nhưng mình không làm, thì làm sao ngăn chặn được. Phong tỏa để khoanh vùng lại, hạn chế nguồn lây, để phân loại F0, khi phong tỏa cách ly về biện pháp rất rõ rồi. Bây giờ tổ chức thực hiện thôi. Không để cho người dân thiếu ăn thiếu, thiếu mặc, các bộ, ngành, các địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đồng chí phải tổ chức thực hiện cho bằng được cái này. Đồng chí nào không tổ chức thực hiện bằng được thì đồng chí có lỗi với dân, chúng ta phải kiểm điểm, phải xác định trách nhiệm”, Thủ tướng nêu rõ.
Về vấn đề vaccine, Thủ tướng cho biết, ngày 12/8 sẽ thành lập tổ đặc nhiệm về vaccine để tiếp tục tìm nguồn nhập khẩu. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng cần tiếp cận bình đẳng các loại vaccine.
“Tôi đã điện đàm cho lãnh đạo 22 nước trên thế giới, gửi thư và điện đàm với 10 tổ chức quốc tế để chúng ta tiếp cận vaccnie. Tuy nhiên, rất khó khăn, khó như vậy nhưng chúng ta vẫn làm, ngay ngày mai đây thành lập tổ đặc nhiệm về vaccnie, kết hợp cùng với các doanh nghiệp, các địa phương, chúng ta tiếp tục đi tìm nguồn nhập khẩu vaccne, nhưng tôi cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp cận bình đẳng với các loại vaccine. Thủ tướng Séc nói, các nước đông Âu, ví dụ, Hungary cũng tiếp cận bình đẳng với tất cả các loại vaccnie, UAE cũng thế, cứ miễn có vaccnie là họ mua, vaccine tốt nhất là được tiêm sớm nhất, chúng ta phải giải tỏa nếu chúng ta có nhiều nguồn vaccine”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc vaccine còn khan hiếm thì phải đẩy mạnh việc phòng dịch, coi đây là biện pháp chủ yếu. Cùng với đó, tích cực để sản xuất vaccnie nhanh nhất nhưng phải tuân thủ nghiêm các quy định vì liên quan sức khoẻ của người dân. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế tạo mọi điều kiện thủ tục thuận lợi chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine cũng như sản xuất thuốc điều trị Covid-19.
Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy các ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch; sớm hoàn thiện sổ sức khoẻ điện tử và sổ tay hướng dẫn. Các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc khi phong toả, cách ly. Đối với doanh nghiệp, không để đứt gẫy chuỗi cung ứng, nhất là về hàng hoá và lưu thông. Chấp hành nghiêm quy định về lưu thông hàng hoá, không gây khó dễ, làm ách tắc lưu thông nhưng phải có biện pháp kiểm soát. Chú ý chuỗi cung ứng về lao động, chuỗi sản xuất toàn cầu không để đứt gãy. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ cho các cơ sở sản xuất thực hiện "3 tại chỗ".
Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô 7 tháng cơ bản ổn định, nhiều lĩnh vực đạt kết quả khá tích cực, tuy nhiên, không được chủ quan, thoả mãn. Trong lúc này, cần tập trung ưu tiên cho chống dịch. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, khắc phục tình trạng đầu tư giàn trải, kéo dài, manh mún, nhỏ lẻ. Nỗ lực khôi phục lại sản xuất ở các nhà máy, xí nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu thêm các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ ngành liên quan cương quyết giữ mạch lưu thông hàng hoá. Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Tài chính có thể đề xuất các giải pháp thành lập tổ công tác đặc biệt bảo đảm việc lưu thông tiền tệ, tài chính. Bảo đảm cung ứng về nguồn lao động, không để đứt gãy thị trường này.
Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ, bảo đảm công tác phòng, chống dịch, phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, là đội quân sản xuất, chiến đấu và công tác. Bộ Công an có nhiều giải pháp hỗ trợ, phát huy lực lượng tuyến đầu, bảo đảm an ninh trật tự cho nhân dân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế. Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chi tiêu tài chính để tiết kiệm chi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, gắn kết tiêu thụ nông sản, bảo đảm an ninh lương thực, phòng chống dịch bệnh gia súc, thiên tai. Bộ Công Thương cùng các địa phương thúc đẩy thương mại điện tử, khai thông thị trường trong nước, tăng cường quản lý thị trường hàng hoá, dịch vụ, xử lý nghiêm đầu cơ, tích trữ, nâng giá, hạn chế nhập siêu./.