Sáng nay (12/1), tại phường Vĩ Dạ, thành phố Huế, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Phủ thờ và Lăng mộ Diên Khánh Vương - di tích thuộc hệ thống phủ đệ gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển kinh đô Huế dưới thời nhà Nguyễn.
Phủ thờ Diên Khánh Vương tại phường Vĩ Dạ, thành phố Huế
Diên Khánh Vương tên thật là Nguyễn Phúc Tấn (hay Nguyễn Phúc Thản), con trai thứ 7 của vua Gia Long. Cuộc đời ông trải qua 4 triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức; được biết đến là người cương trực, đức độ và khiêm tốn. Dưới triều vua Tự Đức, ông là người biên soạn 2/3 bộ tuồng “Vạn Bửu Trinh Tường và Lý Phụng Đình”.
Phủ thờ Diên Khánh Vương được lập năm 1817, trước đây tọa lạc tại xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, sau được vua Tự Đức ban sắc cho cải tiến lên làng Vỹ Dạ, nay thuộc phường Vỹ Dạ, thành phố Huế.
Trải qua nhiều đợt trùng tu, sửa chữa… phủ thờ vẫn giữ được lối kiến trúc và hình dáng ban đầu. Lăng mộ Diên Khánh Vương hiện ở khu vực 5, phường An Tây, thành phố Huế. Là một trong những công trình kiến trúc lịch sử văn hoá tiêu biểu đóng góp nhiều lĩnh vực: nghệ thuật, quan niệm nhân sinh quan, thế giới quan...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện mong muốn chính quyền địa phương và gia tộc bảo tồn thật tốt và phát huy các giá trị của di tích
Tại lễ trao Quyết định và bằng xếp hạng di tích, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế, chính quyền địa phương và gia tộc, bảo tồn thật tốt và phát huy các giá trị di tích này.
“Việc vinh danh này hoàn toàn xứng đáng với tất cả những công lao sự đóng góp của ngài Diên Khánh Vương đối với đất nước và nền nghệ thuật của nước nhà. Chúng tôi thay mặt ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hết sức cảm ơn chính quyền nhân dân và gia tộc trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều nỗ lực và cố gắng trong việc giữ gìn, bảo tồn chống xuống cấp và từng bước phát huy di sản có ý nghĩa này”.