Thượng tá, NSƯT Hương Giang: Người con dâu họ Vương giành huy chương tại các kỳ hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp

Ngọc Ánh

Trải qua 30 năm sự nghiệp nghệ thuật, Thượng tá, NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang là một trong số ít nghệ sĩ trong và ngoài quân đội giành huy chương cao qua 05 kỳ hội diễn nghệ thuật toàn quân. Đặc biệt, vai diễn "chị Sứ" trong vở nhạc kịch "Hai Người Mẹ" đã đưa cô trở thành nghệ sĩ đầu tiên giành huy chương vàng trong một vở Opera công diễn tại Hội diễn năm 2008.

Hương Giang may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu âm nhạc. Ông bà nội của chị lập gánh hát từ sớm để phục vụ nhân dân và bộ đội. Chú ruột chị là nhạc sĩ An Thuyên, ngay khi còn trẻ, ông đã đảm nhận vị trí nhạc trưởng. Gia đình chị có 9 anh chị em ruột, ai cũng có năng khiếu về nghệ thuật. Người anh trai cả của chị là NSND An Phúc.

Mảnh đất Quỳnh Lưu, Nghệ An - vùng đất can trường nơi cửa biển nhưng cũng rất đỗi ấm áp, ngọt ngào nơi chị sinh ra là một trong những cái nôi của Ví Giặm Nghệ Tĩnh. Ngay từ thuở ấu thơ, tâm hồn chị được “tắm” trong lời hát ru của bà, của mẹ. Những câu ca, điệu hò ví giặm đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ, truyền cảm hứng và niềm đam mê cháy bỏng với âm nhạc trong chị.

b563afb2e0a94cf715b8-1710169745.jpg
NSƯT Hương Giang ngoài đời.

Sau khi tốt nghiệp Trường VHNT Quân đội, Hương Giang lại tình nguyện vào cực Nam xa xôi làm ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 9. Chính trong môi trường ấy, Hương Giang đã có nhiều cơ hội được thể hiện tài năng và ngày càng hoàn thiện bản thân hơn. Đặc biệt năm 2008, Hương Giang vào vai “Chị Sứ” trong vở nhạc kịch “Hai Người Mẹ” của Thiếu tướng An Thuyên đã đưa chị lên đỉnh cao của sự nghiệp.

Những năm tháng gắn bó với quân và dân miền sông nước Cửu Long, Hương Giang đã nhanh chóng trở thành niềm tự hào của Đoàn nghệ thuật quân khu 9, khi liên tiếp giành những thành tích cao tại các cuộc thi, hội diễn: Giải Nhì tiết mục “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, Cuộc thi “Giai điệu Mùa Xuân và Người Chiến sĩ” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức năm 1999; Huy chương Vàng tiết mục “Nu ri sa”, Cuộc thi “Giai điệu Mùa Xuân và Người Chiến sĩ” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức năm 2001; Tại Cuộc thi “Biểu diễn múa và Âm nhạc Dân tộc” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2003, Hương Giang giành 01 Huy chương Vàng và 03 huy chương Bạc.

Năm 2008, Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 đặt hết kỳ vọng vào Đại úy Hương Giang, người sở hữu chất giọng nữ cao (Soprano), vừa mang tính hùng ca, lại đậm đà màu sắc trữ tình để vào vai nhân vật chính là “chị Sứ”, hiện thân của người nữ Anh hùng Phan Thị Ràng trong vở nhạc kịch “Hai Người Mẹ” của Thiếu tướng An Thuyên.

Nhận nhiệm vụ này, với Hương Giang là một áp lực không hề nhỏ. Bởi chị chưa từng tham gia một vở nhạc kịch nào trước đó. Cộng với giọng nói của chị Sứ trong vở nhạc kịch là đặc trưng của một nữ anh hùng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ với nhiều sắc thái tình cảm và diễn biến tâm lý khác nhau. Ngay trong giới chuyên môn khi đó cũng chưa hoàn toàn thống nhất về quan điểm và tiêu chí đánh giá một vở nhạc kịch tham gia Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quân.

Để hiểu kỹ về nhân vật chị Sứ, Hương Giang không chỉ phải thuộc kịch bản, đọc đi đọc lại nhiều lần tiểu thuyết Hòn Đất của nhà văn Anh Đức, mà chị còn về Hòn Đất ở Kiên Giang, nơi chị Sứ và đồng đội sinh sống, chiến đấu để tìm hiểu các nhân vật có liên quan. Đồng thời chị cũng được anh chị em trong Đoàn nhiệt tình hỗ trợ việc phát âm cho chuẩn tiếng miền Nam trong các đoạn thoại của nhân vật chị Sứ.

Chị cùng nhiều đồng đội không thể kìm được xúc động, nức nở khóc trong khi đang diễn trong quá trình hợp luyện. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hơi thở, giọng hát, âm sắc của chị khi thể hiện khiến tiết mục liên tục bị gián đoạn.

Ngay cả “cha đẻ” của vở nhạc kịch là nhạc sĩ An Thuyên, khi đó cũng không lường hết được tình huống phát sinh này, nên ông đã khuyên Hương Giang: “Vận dụng những kỹ thuật thanh nhạc hàn lâm kết hợp với kinh nghiệm biểu diễn thực tiễn, hãy diễn theo cảm nhận âm nhạc trỗi dậy bên trong phù hợp với cảm thụ tuyến nhân vật của mình để kiểm soát tốt cảm xúc, điều tiết hơi thở đúng tính chất khi thể hiện bản Aria chị Sứ”.

Khi vở nhạc kịch kết thúc, không chỉ NSND Trung Kiên cùng các thành viên Ban Giám khảo đã không kìm được xúc động khi đánh giá về sự thành công xuất sắc của vở diễn nói chung và vai diễn chị Sứ nói riêng, mà đông đảo giới chuyên môn khi đó đánh giá rất cao phần thể hiện thuyết phục của Hương Giang. Vở nhạc kịch đã giành giải Đặc biệt về cho Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 và vai diễn chị Sứ do Hương Giang thể hiện cũng đã xuất sắc giành huy chương Vàng. Vở nhạc kịch “Hai Người Mẹ” của Đoàn Văn công quân khu 9, sau đó, đã được nhiều địa phương đề nghị công diễn và truyền hình trực tiếp để phục vụ công chúng yêu nghệ thuật cả nước.

screenshot-2024-03-11-215053-1710169762.png
'Chị Sứ" Hương Giang

Với Hương Giang, tấm huy chương vàng này hơn cả sự thành công thuần tuý, mà đây thực sự là một sự trải nghiệm hạnh phúc nhất trong cuộc đời chị, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp ca hát của chị. Bởi từ đây, chị đã tự định hình và theo đuổi dòng nhạc thính phòng - trữ tình; cũng như tìm ra cho mình một phong cách hát trong sáng, nhẹ nhàng, tinh tế, giàu cảm xúc; linh hoạt khi xử lý các tác phẩm; kết hợp hài hoà giữa kỹ thuật thanh nhạc hàn lâm khi thể hiện các ca khúc mang âm hưởng dân ca một cách tinh tế, khéo léo; phân tích và tìm hiểu thật kỹ ý nghĩa văn học, nội dung và tinh thần tác phẩm trước khi thể hiện...!

Đây chính là những tiền đề giúp Hương Giang gặt hái những thành công vang dội tiếp theo trong giai đoạn công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội (2008 - 2014). Chị đã xuất sắc vượt qua nhiều nghệ sĩ tên tuổi trên mọi miền đất nước để giành các thành tích: Huy chương Bạc, tiết mục “Ở rừng nhớ anh”, Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn Quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2009; Huy chương Vàng tiết mục “Có một dòng suối trong lành”, Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn Quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2012.

z5191003497945-a3bca293472c229effe28d7c01bddbb9-1708844936-1710170197.jpg
Một trong những tác phẩm tiêu biểu của NSƯT Hương Giang 

Trong vai trò là một giảng viên Thanh nhạc, Trường đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội từ năm 2014 đến nay, Hương Giang tiếp tục khẳng định tài năng và nhiệt huyết của mình trong nghiên cứu khoa học, giáo dục Thanh nhạc và thực hành biểu diễn. Chị không chỉ bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ và có nhiều nghiên cứu có liên quan về đề tài “Khai thác yếu tố kỹ thuật thanh nhạc trong giảng dạy và biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca”, mà chị còn truyền cảm hứng và tình yêu nghệ thuật cho nhiều thế hệ học viên của nhà trường, cũng như đông đảo giới trẻ trong và ngoài quân đội. Riêng trong năm 2023, NSƯT Hương Giang cùng chồng là Nhà báo Vương Xuân Nguyên đã thu thanh gần 100 ca khúc cách mạng, dân ca các vùng miền; công bố 03 bài báo khoa học; phát hành 20 MV nghệ thuật gắn với các sự kiện lớn của đất nước; công diễn 02 chương trình nghệ thuật, 10 chương trình truyền hình trực tiếp…đã để lại được ấn tượng lớn trong công chúng yêu nghệ thuật của cả nước.

nguyen123-1697383413-1710169059.jpgNSƯT Hương Giang cùng chồng là nhà báo Vương Xuân Nguyên luôn đồng hành cùng nhau trong các dự án âm nhạc 

Với những thành tích xuất sắc sau 30 năm theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, Thượng tá Nguyễn Thị Hương Giang đã được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2016; Huân Chương Quân kỳ Quyết Thắng năm 2022. Chị cũng được Bộ Quốc phòng vinh danh là Phụ nữ tiêu biểu toàn Quân giai đoạn (2012 - 2022).