Tiễn biệt

Tôi là một nông dân chính gốc, ngày ngày lên nương cuốc đất lật cỏ chăm bón cây trồng cho tươi tốt, thi thoảng có viết thơ con nòng nọc đăng trên facebook cho bạn bè bình luận, cũng có lúc mưa to gió lớn nên ngồi trong lều trú mưa viết truyện.

241821325-547880789797623-5809301468480534563-n-1631979626.jpgẢnh minh họa

“Bạn đã xa rồi, xa thật xa,

Chiều nay nơi ấy, chốn quê nhà

Thân bằng, quyến thuộc về bên bạn,

Một lần tiễn biệt - để chia xa.

 

Khóc bạn ra đi quá ngỡ ngàng,

Cuộc đời khổ ải - trót vương mang,

Giờ đây gởi lại - nơi trần thế,

Tìm lại niềm vui - chốn suối vàng.

 

Bạn đã về nơi - cõi vĩnh hằng,

Cuộc đời ngắn ngủi thế này chăng?

Con thơ khóc bố - mờ giọt lệ,

Vợ tiếc thương chồng - trắng vành khăn.

 

Thắp nén hương buồn đưa tiễn bạn,

Cúi đầu vĩnh biệt - một người đi...”

Anh và tôi chỉ là người hàng xóm cùng trang lứa! Ngày trước anh và tôi đi cạo mủ cao su và nhà ở chung một xóm. Di dân ra khỏi vùng ngập long hồ Trị An anh và tôi vẫn có duyên nên lại cũng được ở chung một xóm. Chúng tôi là nông dân tay lấm chân bùn, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất nhặt cỏ dại để đổi lấy chén cơm. Vợ anh buôn bán, cho vay nên thu nhập cũng kha khá, anh làm nông nghiệp tích trữ nên nông sản luôn bán giá cao. Lẽ ra giữa tôi và anh sẽ có mối quan hệ tốt hơn nữa nhưng anh lại không thích gia đình tôi vì cái tội nghèo nên tôi và anh ngày càng xa cách. Rồi anh lên Bình Dương, TP HCM tìm đường bay mới, bay cao... cho cuộc sống mai sau sẽ vươn lên. Trên bước đường rong ruổi anh quên câu:

“Bình Dương đất hẹp người đông,

Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều”

Trong bước đường rong ruổi đó anh quen 1 thiếu phụ ở Sài Gòn tuổi ngoài 40, cô ta đẹp lắm! Mặt sáng dễ nhìn, làn da trắng hồng càng nhìn càng thấy xinh đẹp, mũi cao đặc biệt cô có giọng bắc nói ngọt nghe như được rót mật vào hồn… Cô kể về cuộc đời cô lắm nỗi chông chênh, cô có chồng sinh được cậu con trai thì chẳng may chồng cô vắn số đã vĩnh viễn ra đi vào cõi vĩnh hằng...

“Trời làm cho gió rung cây

Vàng sân lá rụng rơi dày chân ai

Bâng khuâng một buổi sớm mai -

Bếp hồng lạnh lửa tình phai nhạt rồi...

Có còn gì nữa trong tôi!

Hay chỉ còn lại rã rời tâm can?

Đêm buồn nhạt mảnh trăng tan

Tình xưa đã nhạt đá vàng ai ơi!”

Anh mê mẩn khi cô này tâm sự và anh được cô mời dùng cơm. Anh nói anh chán vợ có nhiều cái không còn phù hợp nên đi lang thang nếu cô cho anh “góp gạo thổi cơm chung” anh sẽ ly hôn vợ. Cô đồng ý! Anh mừng lắm! Tuổi đã ngoài 60 mà vớ được cô vợ trẻ ở thành phố còn gì đẹp hơn. Thật lòng mà nói “Trâu già thích gặm cỏ non”.

“Trâu già lại khoái gặm cỏ non

Bởi chưng cỏ ấy quá mi nhon

Nên khiến trái tim già rộn rã

Trách tội làm gì.. chuyện cỏn con..”

Anh về ly hôn vợ, chia tài sản mỗi người ôm hơn tỷ bạc, anh về Sài Gòn chở vợ mới xuống giới thiệu ai cũng mừng rỡ hết sức và chúc phúc cho anh... vì cô vợ trẻ đẹp người đẹp nết, luôn lễ phép cúi đầu chào và nhoẻn miệng cười xem ra hết sức là có duyên. Giá như anh ta nhớ được câu :

“Đàn ông đều thích ăn quà,

Ăn quà xong lại về nhà ăn cơm.

Nhai cơm như thể nhai rơm,

Cho nên cứ phải vừa cơm, vừa quà”.

242020751-547880749797627-2253122803754956449-n-1631979626.jpgẢnh minh họa

Rồi chuyện gì đến sẽ phải đến! Một ngày anh về lại quê xưa còn mẹ già gần 90 tuổi có căn nhà nhỏ ở cuối đường làng. Anh hết tiền, vợ bé anh có chồng khác trẻ và khỏe hơn anh, anh phải ra đi. Không phải anh hiếu thảo với mẹ mà anh mong ngày nào đó mẹ anh mãn phần anh sẽ thừa kế căn nhà chứ ngoài 60 tuổi làm sao làm có tiền để mua nhà ở cuối đời! Nhưng người xưa có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Sau những ngày lao động vất vả và anh phung phí sức khi ở Sài Gòn, anh luôn đau ốm và phải nằm viện. Rồi một hôm xe cứu thương chở xác anh về cho mẹ già của anh. Mẹ anh đã khóc:

“Rồi xuân qua – Rồi tới mùa nắng hạn

Giọt mồ hôi thấm mặn bát cơm trưa

Ngó trong nhà – kẽo kẹt – võng đưa

Mẹ yên lòng vì con đang say giấc..

 

Rồi hạ qua – rồi tới mùa gió bấc

Tấm lưng còng chắn gió rét đêm đông

Miếng cá miếng canh – mẹ nhịn – mẹ gồng

Con no bụng mẹ ấm lòng biết mấy.”

Tôi tiễn anh vào một ngày cuối hạ không biết nói gì khi ngấn lệ đã tràn mi.

 

Theo Chuyện Làng quê