Tiền Giang: Bóng rỗi loại hình diễn xướng dân gian độc đáo

Múa bóng rỗi còn gọi là múa bóng, một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo ra đời cách nay khoảng 300 năm. Đây là  nghi  thức múa hát trong dịp lễ hội tại các đình, miếu, đặc biệt thường gắn với các dịp cúng Bà (Bà Chúa Xứ, Bà Hỏa, Ngũ hành nương nương…). Năm 2016, UNESCO công nhận bóng rỗi là Di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó, nhận thức của người dân về loại hình nghệ thuật này cũng đã thay đổi, việc bảo tồn và phát huy những tinh túy của nghệ thuật diễn xướng dân gian này cũng được quan...

Múa bóng rỗi còn gọi là múa bóng, một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo ra đời cách nay khoảng 300 năm. Đây là  nghi  thức múa hát trong dịp lễ hội tại các đình, miếu, đặc biệt thường gắn với các dịp cúng Bà (Bà Chúa Xứ, Bà Hỏa, Ngũ hành nương nương…). Năm 2016, UNESCO công nhận bóng rỗi là Di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó, nhận thức của người dân về loại hình nghệ thuật này cũng đã thay đổi, việc bảo tồn và phát huy những tinh túy của nghệ thuật diễn xướng dân gian này cũng được quan tâm hơn.


Nghệ nhân Út Son (thứ 2 từ phải sang) được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đối với loại hình nghệ thuật bóng rỗi.


GẮN VỚI TỤC THỜ NỮ THẦN CỦA NAM BỘ

Theo Đề tài nghiên cứu khoa học về một số loại hình văn hóa phi vật thể tại Tiền Giang do nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Tiền Giang Nguyễn Ngọc Minh làm chủ nhiệm, từ khởi thủy cho đến nay, múa bóng rỗi gắn với tục thờ nữ thần của cư dân Nam bộ, giống như múa hát chầu văn gắn với tục thờ Thánh mẫu ở Bắc bộ. Về bản chất, thờ nữ thần là sự tín ngưỡng tôn thờ lực lượng sinh sôi, bảo vệ và che chở cho cuộc sống con người trong cộng đồng.

Múa bóng rỗi là múa hát nghi lễ gắn với các di tích đình, miếu ở các thôn, ấp thuộc vùng Nam bộ vào các dịp lễ hội hằng tháng. Trong lễ hội, sau việc cúng lễ, tế tự, thường diễn ra phong tục múa hát bóng rỗi. Diễn xướng cúng Bà gồm các nghi thức hát rỗi mời chào, ca tụng Nữ thần, múa dâng mâm vàng và trình diễn các trò tạp kỹ như: Múa lu, múa dâng hoa, múa đầu bêu, múa dao, múa gậy… mua vui cho Bà, nhằm cầu xin Bà phù hộ độ trì cho cuộc sống con người bình an, tốt đẹp. Trong môi trường đời sống tâm linh ấy, các nghệ nhân múa hát từ đời này sang đời khác đã sáng tạo và lưu truyền những lời ca, điệu múa, những trò diễn tạp kỹ tinh xảo. Bên cạnh đó, kỹ thuật cắt tranh giấy và dán mâm vàng tinh xảo là một kỹ nghệ độc đáo và cũng là một di sản văn hóa phi vật thể, biểu hiện niềm tin, tài năng và sáng tạo nghệ thuật của nhân dân lao động.
KẾ THỪA VÀ PHÁT HUY

Tại Tiền Giang, loại hình nghệ thuật này cũng được kế thừa và phát huy trong thời gian qua, trong đó một số người đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đối với loại hình nghệ thuật này. Điển hình như Nghệ nhân  Út Son (huyện Cai Lậy), vừa qua đã được phong tặng danh hiệu này. Nghệ nhân Út Son chia sẻ: “Tôi đến với nghề như nhân duyên tiền định, được những bậc tiền bối dìu dắt, chỉ bảo, cùng với năng khiếu bẩm sinh đối với bộ môn nghệ thuật này đã giúp tôi được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân Ưu tú”. Nghệ nhân  Út Son phân tích: Bóng rỗi gồm hai phần: Múa bóng và hát rỗi. Múa là động tác dâng lễ vật lên thần linh, chẳng hạn như múa dâng bông, dâng mâm (mâm vàng), dâng lộc (mâm trầu cau)...


Nghệ nhân Út Son biểu diễn nghệ thuật múa bóng rỗi.


Các động tác múa phần lớn chỉ sử dụng đầu, cổ và trán như đội mâm, đội bông, nhằm thể hiện sự tôn kính ơn trên. Hát rỗi tức hát mời, ca tụng nữ thần. Những người múa và hát rỗi đều trang phục cầu kỳ, đầy đủ áo mão, đeo nữ trang và son phấn lộng lẫy như một đào hát. Họ đứng trước bàn thờ Bà, tay cầm trống nhỏ gọi là trống rỗi vừa gõ nhịp, đánh trống vừa hát mời Bà về chứng giám cảnh hân hoan đón tiếp của dân làng. Sau phần múa rỗi là phần biểu diễn nghệ thuật dân gian, còn gọi là trò tạp kỹ như: Múa lu, múa khạp, múa ghế, múa gậy, múa bông huệ… với những động tác gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Đặc sắc nhất là phần biểu diễn rót rượu hoặc phun lửa, tung hứng vừa thuần thục, vừa nhuần nhuyễn. Bóng rỗi còn thiên về ca xang, múa hát, chúc tụng và tôn vinh những nhân vật có công với nước, với làng nên được nhiều người dân tín ngưỡng.

Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT&DL Tiền Giang Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Trước khi bóng rỗi chưa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể, nhiều người chưa biết, chưa hiểu về loại hình nghệ thuật này và coi đây là mê tín đồng bóng. Từ khi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật bóng rỗi đã được quan tâm, người dân cũng dần thay đổi nhận thức, góp phần gìn giữ những tinh túy của nghệ thuật diễn xướng dân gian này và bài trừ những phần tử xấu lợi dụng loại hình này cho các mục đích mê tín, dị đoan. Tỉnh hiện có khoảng 290 miễu thờ và nhiều nghệ nhân múa bóng rỗi, đang góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo này”.

Năm 2017, Sở VH-TT&DL Tiền Giang tổ chức Liên hoan Múa bóng rỗi Nam bộ lần thứ Nhất, quy tụ hơn 60 nghệ nhân của 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre. Trước đó 3 năm, Sở VH-TT&DL Tiền Giang phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật (Bộ Văn hóa và Thông tin, nay là Bộ VH-TT&DL) tổ chức Hội thảo Bóng rỗi. Qua hội thảo, đã thống nhất nhận thức về các giá trị xã hội và văn hóa nghệ thuật của múa bóng rỗi Nam bộ.