Đình Dương Hòa hiện tọa lạc ấp 4, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Làng Dương Hòa thời vua Gia Long thuộc tổng Kiến Thuận, đời vua Tự Đức lập thêm làng Tân Hòa, năm 1877 đổi thành làng Tân Thành, đến những năm đầu giai đoạn Pháp thuộc thuộc tổng Hưng Nhơn. Năm 1925, ba làng Tân Hội Tây, Dương Hòa và Tân Thành nhập lại, lấy tên là Tân Hòa Thành, thuộc tổng Hưng Nhơn, tỉnh Mỹ Tho. Trong kháng chiến chống Pháp, đình Dương Hòa thuộc ấp 4, xã Tân Hòa Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho.
Cổng đình Dương Hòa.
Theo quyển “Lịch sử Đảng bộ xã Tân Hòa Thành” và các vị lãnh đạo lão thành cách mạng kể lại: Năm 1937, Chi bộ xã Tân Hòa Thành được thành lập tại đình. Tại nơi đây, ngày 23-11-1940 nhân dân xã Tân Hòa Thành đã tụ tập nổi trống mõ suốt 20 ngày đêm để áp đảo địch… Sau này, đình còn làm trụ sở của Ủy ban Kháng chiến hành chính xã.
Trong Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, cũng tại đình Dương Hòa, đêm 22-8-1945, lệnh Tổng khởi nghĩa về đến xã Tân Hòa Thành, lực lượng cách mạng tập trung tại đình đánh trống mõ, đốt đuốc biểu dương khí thế. Cờ đỏ sao vàng được treo lên trước cổng đình.
Sáng 23-8-1945, lực lượng cách mạng được trang bị vũ khí thô sơ từ đình Dương Hòa rầm rập kéo xuống bao vây nhà việc xã. Ông Bùi Văn Nho, là chiến sĩ cách mạng vượt tù Côn Đảo, dẫn đầu đội xung kích xông vào nhà việc bắt toàn bộ bọn tề làng, giành chính quyền về tay nhân dân.
Đầu tháng 8-1940, đồng chí Bảy Mè được Huyện ủy phân công phổ biến chủ trương của Đảng về lệnh chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Chi bộ đã tổ chức cuộc họp tại nhà ông Phạm Văn Tốt, gần đình Dương Hòa, để bàn bạc kế hoạch tổ chức lại lực lượng.
Một trung đội cảm tử được thành lập, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Văn Tân và một vài đồng chí khác. Lực lượng được trang bị vũ khí thô sơ: Gươm, dao mác, gậy gộc, tầm vông, thường xuyên luyện tập vào ban đêm; đồng thời, phô trương lực lượng thị uy. Tại đình Dương Hòa và vuông đất nhà ông Trần Văn Thì (Sáu Thì), ta đã tập hợp các thầy nghề võ: Nguyễn Văn Huê (Sáu Huê), Võ Văn Dực (Sáu Dực); các thầy dạy roi: Nguyễn Văn Hiển (Hai Hiển), Trần Văn Khỏe… công khai dạy võ cho thanh niên trong đội cảm tử.
Ngày 18-10-1940, đồng chí Năm Hy được Xứ ủy Nam kỳ phân công về xã. Đồng chí đã bí mật liên hệ với ông Lê Văn Tân và được bà Phạm Thị Tỏ đưa đến đình Dương Hòa gặp ông Phạm Văn Gần (Tám Gần), người lãnh đạo tổ chức quần chúng, để triển khai nghị quyết, kế hoạch của Xứ ủy Nam kỳ về chuẩn bị khởi nghĩa và kế hoạch hành động của địa phương; đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên.
Ngày 19-11-1940, Chi bộ xã tổ chức họp tại đình Dương Hòa, do đồng chí Tám Gần chủ trì, với sự có mặt của đồng chí Năm Hy, nhằm kiểm điểm tình hình chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Công tác chuẩn bị tổ chức cho cuộc khởi nghĩa được tiến hành rất khẩn trương, chặt chẽ và chu đáo, khắp nơi trong toàn xã nhân dân hưởng ứng phong trào cách mạng hết sức náo nức, phấn khởi và sục sôi.
Đêm 21-11-1940, đồng chí Tám Gần triệu tập toàn thể các đảng viên tại đình Dương Hòa để họp bàn việc thành lập Ủy ban Khởi nghĩa và phân công nhiệm vụ. Mệnh lệnh khởi nghĩa là lúc 0 giờ đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, nhưng đến nửa đêm ngày 22-11 chi bộ mới nhận được lệnh. Do có sự chuẩn bị từ trước nên lực lượng ta đã tập hợp đầy đủ tại đình Dương Hòa, tuy vũ khí thô sơ nhưng khí thế dũng mãnh.
Đoàn người biểu tình thị uy với trống, mõ khua vang gây uy thế. Sau đó đoàn người đi theo lộ Cổ Chi đến bờ Cái (ranh xã Tân Hòa Thành và Tân Hội Đông) kéo lên miễu Bà ở ấp 1, rồi trở về đình Dương Hòa - trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa để tổ chức liên hoan ăn mừng chiến thắng.
Sau khi chỉ đạo khởi nghĩa ở xã Phú Mỹ, đồng chí Bảy Mè đã đến gặp đồng chí Tám Gần để nắm tình hình khởi nghĩa tại đình Dương Hòa, xã Tân Hòa Thành. Lúc bấy giờ ông Dơn (xã Phú Mỹ) và ông Mười Kiết được giao nhiệm vụ dẫn đường và giao liên.
Ngày 24-11-1940, chính quyền cách mạng thành lập ở nhiều nơi. Đến ngày 25-11, hàng trăm quần chúng tiếp tục tuần hành, hô vang các khẩu hiệu để biểu dương khí thế và kéo về đình Dương Hòa, trống mõ được đánh liên tục nhiều ngày đêm (hiện Bảo tàng Tiền Giang còn lưu giữ và trưng bày chiếc mõ của đình Dương Hòa, là vật chứng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ). Lực lượng khởi nghĩa làm chủ tình hình được 20 ngày đêm.
Ngày 5-12-1940, địch cho máy bay “đầm già” nhiều lần bay dọ thám trên bầu trời, nhất là ở khu vực ấp 4 và đình Dương Hòa nhằm hỗ trợ cho binh lính đang đi càn quét ở các xã lân cận. Ngày 14-12-1940, một tên chỉ điểm ra đón lính Lê dương ở ấp Tân Quới, dẫn chúng giăng hàng ngang bao vây và tấn công chiếm đình Dương Hòa nhưng không gặp sự kháng cự vì lực lượng khởi nghĩa đã chủ động giải tán trước đó.
Điên cuồng, chúng đốt 20 căn nhà của những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở gần đình Dương Hòa, trong đó có 7 ngôi nhà bị thiêu rụi hoàn toàn. Địch tổ chức tập hợp dân, điểm danh, ruồng bố và bắt hàng chục người là thân nhân của những người tham gia khởi nghĩa tra tấn dã man nhằm tìm ra chỗ ẩn nấp của lực lượng kháng chiến, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng nhân dân đã không khai báo nơi ẩn nấp của lực lượng cách mạng, nên địch không bắt được những người kháng chiến.