Tiền Giang: Đình Tân Hiệp - Độc đáo kiến trúc nghệ thuật đình làng Nam bộ

Xưa nay đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với đời sống tinh thần của cộng đồng, gắn liền với tâm hồn của người Việt qua bao thế kỷ. Kiến trúc đình làng mang đậm dấu ấn văn hóa độc đáo của từng vùng, miền. Đình làng không những tạo ra không gian văn hóa truyền thống chứa đựng môi trường thẩm mỹ cao, mà còn là trung tâm tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của làng, xã và là nơi quy tụ, gắn kết mọi thành phần trong xã hội.


Lịch sử ghi nhận rằng, vùng đất Nam bộ được hình thành từ chuyến đi kinh lược của Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, thiết lập nền hành chính đầu tiên trên vùng đất phương Nam vào năm 1698. Những người có mặt ở vùng đất này hơn 300 năm trước là những lưu dân đến từ nhiều vùng, phần đông là người dân đến từ vùng Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Quảng Đức, tức Thừa Thiên - Huế ngày nay).

Thuở ấy, trong quá trình khai mở vùng đất mới với bao khó khăn, nguy hiểm trước cảnh rừng thiêng nước độc, các lưu dân rất cần có một chỗ dựa về tinh thần và cần sự gắn bó với truyền thống dân tộc, nên họ lập làng ở đâu dựng đình ở đó như là một sự tín ngưỡng. Nói như nhà văn Sơn Nam: “Có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ. Bằng không thì chỉ là lục bình trôi sông, một dạng lưu dân tập thể”. Chính vì vậy mà khắp nơi trên vùng đất phương Nam đều có đình, người dân thường gọi chung là đình Thần hay đình làng Nam bộ.


Tại Tiền Giang, nhiều đình làng được công nhận là di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần của nhân dân. Đình Tân Hiệp tọa lạc tại ấp Cá, thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, là một trong những di tích tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang, có giá trị về nghệ thuật và lịch sử. Theo tư liệu của Bảo tàng Tiền Giang, sau khi làng Tân Hiệp được thành lập vào khoảng giữa thế kỷ XIX, nhân dân trong làng đã xây dựng ngôi đình trên phần đất thổ trạch của ông Nguyễn Văn Văn hiến cho thôn Tân Hiệp mở mang xây dựng.

Đình Tân Hiệp có diện tích hơn 1.000 m2, được xây dựng theo hình chữ Nhị (=), nhà ba gian. Cổng đình được xây dựng bằng bê tông, cổng tam quan, mái lợp ngói. Sau cổng chính là sân đình và vỏ ca. Vỏ ca được xây dựng theo kiểu nhà tứ trụ, 3 gian, có 16 cột gỗ, nền gạch men màu đỏ. Gian chính vỏ ca trên hai hàng cột trang trí các câu đối bằng chữ Hán thể hiện sự tri ân, ca ngợi công lao của tiền nhân.

Tiếp đến là chánh điện, được xây dựng theo kiểu nhà tứ trụ, 3 gian, có 16 cột gỗ, trên mái ngói trang trí lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh, hai bên trang trí các mảnh gốm ghép hình hoa 6 cánh, vách ngoài thiết kế dạng song sắt vừa tạo độ thông thoáng vừa lấy ánh sáng tự nhiên.

Trung tâm chánh điện đặt khánh thờ thần uy nghi nổi bật. 4 cột chính của chánh điện được ốp chạm nổi tứ linh (long, lân, qui, phụng), giữa hai hàng cột chánh điện trang trí mỗi bên hai bộ binh khí. Hai gian bên của chánh điện bố trí bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền, Tiền vãng, Hậu vãng, bàn thờ các Anh hùng liệt sĩ. Đề tài trang trí trên các khánh thờ, hoành phi là tứ linh, tứ quý, chim muông, hoa lá cách điệu tinh xảo, càng tôn vẻ uy nghi của ngôi đình.


Hoành phi trang trí nơi chánh điện đình Tân Hiệp.


Phó Trưởng Ban Hội hương đình Tân Hiệp Lê Văn Minh Trung cho biết: “Đình được trùng tu vào năm 1915. Đến năm 2017, hệ thống kèo, đòn tay trên vỏ ca hư hỏng, cây mục gần hết, nên Ban Hội hương đình cùng với nhân dân đóng góp kinh phí sửa chữa. Năm 2018, 2019 nền gạch vỏ ca và chánh điện xuống cấp, hư hỏng, được sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, Ban Hội hương tiếp tục tổ chức lót lại nền vỏ ca, chánh điện và sửa chữa nhà bếp để người dân đến tế lễ thuận lợi.

Đình Tân Hiệp được UBND tỉnh xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2000. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật cổ tiêu biểu, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Tân Hiệp, nên chúng tôi rất thận trọng, nhiều lần trùng tu nhưng cố gắng không tác động nhiều đến di tích đình, vẫn giữ được nét kiến trúc cổ”.

Đình Tân Hiệp có ý nghĩa quan trọng với đời sống người dân huyện Châu Thành nói riêng và người dân nhiều vùng lân cận nói chung bởi ý nghĩa lịch sử và giá trị tâm linh của đình. Hằng năm, Ban Hội hương đình cùng với người dân địa phương tổ chức một số lệ cúng đình rất tôn nghiêm, trang trọng, trong đó lễ Kỳ Yên là lệ cúng quan trọng nhất, thu hút đông đào người dân đến tế lễ, không chỉ là tục lệ tốt đẹp, mà còn thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Tiền Giang Lê Ái Siêm cho rằng: “Xã hội
càng phát triển thì những giá trị về mặt văn hóa, lịch sử càng phải giữ gìn. Ngôi đình không chỉ có giá trị về mặt tín ngưỡng, mà còn là nhân chứng giá trị nhất của một vùng đất và là hồn cốt người Việt. Tôi cho rằng, cần thiết phải thực hiện nhiều biện pháp để khai thác tốt chức năng của đình làng trong xã hội hiện đại, để thế hệ sau hiểu đúng giá trị bản sắc văn hóa dân tộc” .