ĐIỂM HỘI HỌP CỦA CÁC TỔ CHỨC CÁCH MẠNG
Theo nguồn tư liệu của các bậc lão thành trong Ban Hội hương miếu Cây Vông, miếu được lập vào thế kỷ XVIII, do người dân từ miền Bắc vào Nam khai hoang lập ấp, thấy khu vực này có một gò đất cao hơn các nơi xung quanh nên đặt ở nơi này một ngôi miếu nhỏ làm bằng gốc tre, lợp lá để thờ Thổ Thần (thần đất), cạnh miếu có một cây vông nên nhân dân trong vùng gọi là miếu Cây Vông.
Năm 1849, ông Nguyễn Văn Bốn hiến đất xây dựng lại miếu bằng cây thô sơ một ngôi vỏ ca, một ngôi chánh điện, hai bên có hai nhà tiếp khách nam - nữ và nhà bếp để nấu nướng ngày cúng lễ hằng năm.
Theo lời kể của các vị cao niên và tài liệu nghiên cứu lịch sử Đảng xã Trung An: Miếu Cây Vông ngoài thờ cúng các vị thần linh mà dân làng tín ngưỡng, còn là điểm hội họp của các tổ chức cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Theo sách “Danh mục di tích lịch sử - văn hóa Tiền Giang”, từ năm 1930 - 1948, miếu Cây Vông là nơi hội họp, mít tinh của xã Trung An.
Tháng 8-1931, Chi bộ xã Trung An đã tổ chức mít tinh tại miếu Cây Vông để tố cáo tội ác của giặc và đòi hủy án tử hình cho hai đồng chí Phạm Hùng và Tám Cẩu.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước.
Từ đó trở đi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân dâng lên mạnh mẽ. Xã Trung An có điều kiện địa lý thuận lợi đã trở thành một trong những điểm đi - về hoạt động của các nhà lãnh đạo cách mạng lúc bấy giờ: Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Kim Chi…
Tại đình An Đức Đông (cách miếu Cây Vông vài trăm mét), nhiều cán bộ cách mạng thường xuyên lui tới hội họp, truyền bá chủ nghĩa cộng sản và tiến hành vận động thành lập các tổ chức cách mạng Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ.
Đồng chí Ba Trân (Nguyễn Văn Trân) ở xóm Tre, là một thành viên hoạt động trong tổ chức Nông hội Đỏ và là một trong những đảng viên đầu tiên của làng Trung An thường xuyên hoạt động trong làng hội họp tại miếu Cây Vông.
Đầu năm 1931, nhân chào mừng kỷ niệm 1 năm Ngày thành lập Đảng 3-2 và tiến tới kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5, các cốt cán cách mạng trong tổ chức Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ đã vận động quần chúng trong làng tập hợp tại đình An Đức Đông để nghe diễn thuyết tuyên truyền Cương lĩnh, chương trình hành động cách mạng của Đảng.
Sau cuộc diễn thuyết tuyên truyền, đoàn người tập hợp thành một cuộc biểu tình kéo đi từ đình An Đức Đông ra chùa Ông, miếu Cây Vông ra đến ngã ba Trung Lương với khẩu hiệu: “Hoan nghênh Đảng Cộng sản Đông Dương, hoan nghênh Ngày Quốc tế Lao động 1-5, đả đảo thực dân Pháp, đả đảo bọn cường hào, quan lại phản động”.
Ngày 23-11-1940, tiếng súng Nam kỳ khởi nghĩa nổ ra đầu tiên tại xã Long Hưng (huyện Châu Thành), miếu Cây Vông là địa điểm liên lạc nhận và đưa tin từ Gò Công về xã Long Hưng, người đảm nhận công việc này là đồng chí Ba Trân.
Năm 1943 - 1944, sau khi có chủ trương, phương hướng của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho, mang tên Tỉnh ủy Tiền Phong được thành lập, do đồng chí Dương Khuy làm Bí thư. Địa điểm miếu Cây Vông cũng là điểm hẹn của các đồng chí: Mười Thập, Tám Cảnh, Ba Chim… lợi dụng ngày cúng miếu về hội họp.
Ngày 1-5-1946, tại địa điểm miếu Cây Vông, chính quyền và nhân dân xã Trung An đã tổ chức Mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, có gần 500 đồng bào đến dự. Nhân dịp này, Ủy ban Mặt trận Việt Minh xã chính thức ra mắt đồng bào và kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng, sát cánh bên nhau cùng với Mặt trận Việt Minh chiến đấu đến cùng với giặc Pháp xâm lược để giành lại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.
Ngày 22-12-1973, Xã đội phó Nguyễn Văn Mừng tổ chức đi nhổ cờ của địch cắm tại miếu Cây Vông, đã anh dũng ngã xuống do lựu đạn của địch cài. Biến đau thương thành hành động cách mạng, quân và dân xã Trung An dấy lên phong trào chủ động đấu tranh, tấn công tiêu diệt địch, quyết giữ vững vùng căn cứ, làm bàn đạp cho các lực lượng chủ lực của ta tấn công vào TP. Mỹ Tho.
NƠI SINH HOẠT VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG
Miếu Cây Vông nằm trong vuông đất trên 1.000 m2, có diện tích 157,48 m2 gồm: Vỏ ca (nơi nhân dân tề tựu trước khi vào chánh điện hành lễ), chánh điện (nơi thờ Thần), nhà hậu, nhà bếp. Miếu Cây Vông xây dựng theo kiểu chữ nhị (=). Chánh điện có 5 nghi thờ: Nghi giữa thờ Thổ Thần, bên hữu thờ Bà Chúa Xứ, bên tả thờ Ngũ Hành, hai bên hông vách thờ Tiền Hiền và Hậu Hiền.
Ông Đặng Ngọc Tân, Trưởng ban Hội hương miếu Cây Vông cho biết: Tính đến nay, miếu Cây Vông đã có hơn 240 năm tồn tại. Do quá trình phát triển, nhiều lần trùng tu sửa chữa nên miếu có nhiều thay đổi, từ một miếu bằng tre lá thô sơ, nay có một cơ ngơi khang trang hơn 150 m2. Do ảnh hưởng của 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ nên miếu bị hư hỏng nặng. Năm 1996, miếu Cây Vông được nhân dân trong vùng đóng góp tiền của trùng tu lại khang trang, là nơi thờ cúng các vị Thành Hoàng Bổn Cảnh..
Đặc biệt, dù trùng tu nhưng cột gỗ ở chánh điện (cột cái cao 3,9 m vuông 15 cm x 15 cm, cột hàng nhì cao 3,2 m) vẫn được gìn giữ, mang đậm nét cổ xưa.
Khoảng năm 2016, một số nơi xuống cấp, Ban Hội hương miếu Cây Vông đã vận động tiền của để tu bổ, sửa chữa lại khu nhà bếp, khu nhà khách và khu nghỉ ngơi dành cho khách thập phương đến cúng và ngủ lại với kinh phí gần 500 triệu đồng, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của tỉnh nhà.