Tiếng rao: Mua

- Mua ti vi, vi tính. Mua tủ lạnh tủ kem. Mua máy may, máy giặt. Mua quạt máy, quạt trần. Mua quẹt lipo, mua đồng hồ điện...

tieng-rao-1643157711.jpgHình ảnh tác giả minh họa

 

Tiếng loa rao cùng tiếng xe máy ngang qua, len lõi khắp đường con đường, ngõ hẽm. Thường ngày thỉnh thoảng hàng tuần mới nghe. Càng gần tết tiếng rao như dày thêm mỗi ngày.

    Có lẽ những ngày này, nhu cầu thiết yếu trong mỗi gia đình có dịp để thay đổi nên người mua phế liệu cũ cũng mong kiếm được nhiều hàng hơn. Nhiều hàng hơn thì cơ hội kiếm thêm ít tiền lo cho cuộc sống, trang trải cho những ngày tết cũng nhiều hơn.

    Không hiểu sao mỗi lần nghe tiếng rao ấy phát ra, tôi lại thấy chạnh lòng đến lạ. Dòng hồi tưởng như con suối hiền hoà đưa tôi về chuỗi kí ức xa xưa. Những ngày còn tuổi học trò, rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kĩ của gia đình cùng với những thúng  ổi, sim, chà là... dạo trong các con hẻm nơi thị tứ. Chỉ khác là tôi đi bán, còn người đàn ông đang phát loa ngoài kia thì đi mua.

  Tôi bỗng giật mình nghe tiếng chị bạn hàng xóm  hóm hỉnh:

  - Xét ra thì cái anh này là người giàu nhất chị  nhỉ. Người ta cả đời chỉ mua nổi mỗi thứ một cái để dùng. Vậy mà anh này ngày nào cũng rao mua. Mua một ngày có khi được rất nhiều cái ấy chứ.

 - Ừ em. Toàn là hàng điện tử mà.

    Tôi hoạ vui với cô em bạn, rồi hai chị em chợt cười xoà vì câu nói tếu táo đùa nhau.

    Mấy chị em tôi hay đùa với nhau như vậy, nhưng thực chất trong lòng chúng tôi thấu hiểu cái tình cảnh của người đàn ông ấy. Nghe giọng nói từ loa phát ra, tôi đoán anh không phải là người ở đây mà tự nơi xa đến.

     Trước đây, khi dịch bệnh chưa xảy ra, nhiều người mua đồng nát từ những vùng quê khác nhau đến đây. Họ cùng góp chung tiền thuê phòng trọ, ở chung nhau. Ngày chia nhau đi khắp nơi thu gom, đêm về ở cùng nhau góp gạo nấu cơm. Trong số đó có những cô cũng đã gần bảy mươi nhưng vẫn còn bươn chải. Tôi hay gom những thứ có thể thu mua được để dành cho một cô lớn tuổi như vậy. Hôm nào nhiều nhiều cô đưa cho mẹ tôi vài chục ngàn ( mẹ tôi ngoài tám mươi). Nhưng thường thì tôi không lấy tiền cô ấy. Chỉ có những món hàng điện tử thì tôi không có để bán cho người đàn ông chở loa đi rao mua kia.

     Không hiểu sao tôi mong những người như vậy mua được thật nhiều hàng. Có lần đi ngang qua một ngân hàng, thấy mấy chị đồng nát cùng lục đục khuâng một đống đồ phế liệu được ngân hàng bỏ đi. Gương mặt chị nào cũng rạng ngời, nói cười rôm rã mà lòng mình cũng thấy vui lây và mừng cho các chị. Ấy vậy mà lại nghĩ: không biết cái cô hay đến nhà mình, hôm nay có mua được ở đâu? Hay có cùng mua với các chị này không?

 Tiếng loa văng vẳng xa dần, tôi chợt về thực tại:

     - Thương thật em ạ. Thấy vậy chứ một ngày đi rã cả người không biết có được bao nhiêu.

      - Dạ chị. Mà lâu lắm rồi mấy nay mới nghe tiếng rao này chị à.

      - Ừ. Dịch nên có ai được đi xa đâu. Bây giờ bình thường mới rồi mới trở lại kiếm sống với nghề em ạ.

     Thật lạ, không nghe tiếng rao này tôi thấy thiếu thiếu một cái gì đó.Thì ra những điều giản dị quanh ta, những con người ngỡ như xa lạ ấy tự bao giờ đã góp phần nên bức tranh muôn màu, một nốt thanh âm trong bản giao hưởng của cuộc sống quanh tôi.

     Mỗi người trên đời đều có cho mình một cuộc mưu sinh khác nhau. Nghề nào cũng có những gian truân và có niềm hạnh phúc riêng của nó. Bàn tay lao động chân chính thì nghề nào cũng đáng trân trọng. Nghề đi mua đồng nát cũng giúp đời thật nhiều, vừa kiếm sống cho gia đình, vừa góp phần làm sạch môi trường...

      Lâu lắm rồi tiếng rao: "Mua tủ lạnh, tủ kem, mua máy may máy giặt... " mới trở lại. Chợt nhiên tôi cảm thấy vui vui. Sẽ không có gì là dễ dàng, nhưng còn có cơ hội để cuộc sống này bình thường là hạnh phúc. Chỉ cần được bình thường đã là hạnh phúc, nhưng có khi va sóng dữ  rồi con người mới chợt nhận ra.

     Những sắc hoa đã bắt đầu xuống phố. Trời xanh ngắt và những đám mây trắng như bông bồng bềnh, bồng bềnh... xuân đã hiển hiện nơi đây.

     Xuân ơi! Hãy đong đầy trong những tiếng rao: Mua...

Theo Chuyện Làng Quê