Dạo đó, tôi còn nhớ rất rõ, vào một buổi trưa cuối tháng 12 năm 2012, tôi mới đi làm về, chưa vào đến nhà, đứa con gái thứ hai của tôi chạy hớt hải trên tay cầm môt lá thư, nó đưa cho tôi và khẽ nói: Sáng nay, có ai gửi thư cho bố đó!
Tôi hỏi lại: Ai đấy con?
Con bé trả lời liến thoắng: Con không biết nhưng thấy đề ngoài phong bì là Bộ Quốc Phòng. Tôi nghĩ chẳng quen ai ngoài đó cả. Từ cái năm nhận hồ sơ về làm sổ hưu là tạm biệt quân đội trở về với đời thường,với đồng chí đồng đội. May ra nhớ đến ngày lên đường nhập ngũ. Mấy thằng lại hẹn nhau ra cái quán nhỏ cuối phố, uống vài chén rượu trắng, ăn bát phở. Hết bao nhiêu thì chia đều ra góp lại mà trả. Những thằng nào gia đình hoàn cảnh khó khăn như vợ yếu, con đông, mùa màng thất bát thì không phải trả. Kể ra như thế cũng vui lắm rồi, được gặp nhau, được chia sẻ những năm tháng theo nghiệp nhà binh, thằng nào mà chả có kỷ niệm những năm tháng gian khổ đó. Đang suy nghĩ miên man thì con gái đưa thư cho lá thư. Tôi vội vàng bóc ra xem.
Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2012!
Kính gửi đồng chí Nguyễn Xuân Oanh, chiến sỹ trinh sát Tiểu đoàn bộ tiểu đoàn 44 Binh trạm 12 đoàn 559, nay là Lữ đoàn 573 QK5.
Tổ chức tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam gọi tắt là MIA, phối hợp với tổ chức Việt Mỹ tại Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm, phỏng vấn tại khách sạn Bình Minh số 02 Phan Đình Phùng, thị xã Hà Tĩnh, vào lúc 7h30 ngày 25 tháng 12 năm 2012.Vậy, trân trọng kính mời đồng chí đến tham dự để đạt kết quả tốt.
Đọc đến đó tôi không đọc nữa. Kệ nó đến ngày đó lại hay, nghĩ ngợi làm gì cho mệt óc cứ "Vô tư thằng lính đã về hưu rồi ai cần thì hỏi, không thì để thời gian cho xây dựng gia đình."
Thế rồi, chiều ngày 24 tháng 12 năm 2012, đồng chí Phan Khắc Lương, Công an Hà Tĩnh, xuống nhà tôi thông báo: ngày mai đúng 7h giờ sáng anh đến khách sạn Bình Minh làm việc, sẽ có xe đưa đón. Sáng hôm đó, tôi dậy sớm, chọn bộ quân phục đẹp nhất để mặc. Nhìn bộ quân phục lấp lánh huân, huy chương các loại, tôi cũng tự hào,dù sao ta cũng là người chiến thắng. Mình đủ tự tin để gặp lại đại diện phía Mỹ.
Đúng giờ, một chiếc xe Toyota loại bốn chỗ ngồi sơn màu ghi, nhãn hiệu Vios mang biển số kiểm soát màu da trời, đầụ xịch trước cửa nhà tôi, từ trong xe hai người đàn ông bước ra. Đó là hai đồng chí bên Công an tỉnh Hà tĩnh. Xe chạy trên đường Phan đình Phùng đến khách sạn Bình Minh. Một đồng chí công an vào trước, trao đổi gì với cô nhân viên lễ tân của khách sạn. Sau đó ba anh em chúng tôi đến bên thang máy. Thang máy đưa ba chúng tôi lên tầng 6 của khách sạn, đến trước cửa phòng làm việc, đồng chí đó bảo tôi : Bác đứng đây đợi một lát sẽ có người mở cửa cho bác. Đợi một hồi lâu thì thấy một thanh niên ra mở cửa cho tôi mời tôi vào. Tôi bước chân vào phòng, tất cả mọi người đều đứng dậy chào tôi. Họ đứng thành hai bên, người Mỹ một bên, người Việt Nam một bên, ngồi đối diện nhau.
Phòng hội thảo, phỏng vấn có diện tích khoảng 40m2. Ở giữa kê một chiếc bàn dài khoảng 5m rộng 1,2m.Tôi ngồi giữa ,anh Lương ngồi bên phải, anh Hạnh ngồi bên trái, anh Trọng ngồi ngoài cùng. Anh Trọng là người Bộ công an đi theo đoàn. Anh Trọng dặn dò tôi vài câu. Tôi cũng thừa biết sự tinh quái của người Mỹ. Thật ra, mọi việc tôi đã chuẩn bị cả rồi.Tôi nói với Trọng : Anh yên tâm tất cả điều tôi nói đây đều là sự thật. Anh cười không nói gì , chúng tôi về chỗ ngồi .
Trong đoàn Mỹ làm việc hôm nay có 4 người hai người Mỹ và hai người My gốc Việt. Trên bàn làm việc họ bày ra đủ thứ: Laptop, máy ghi âm, máy chụp ảnh, máy quay phim,bản đồ quân sự ,địa bàn và cả kính lúp nữa .
Phải nói rằng thiết bị hỗ trợ rất đấy đủ, tác phong cách làm việc rất chuyên nghiệp. Đây không phải tổ chức của nhà nước mà là nhà nước Mỹ thuê theo công việc và hợp đồng theo mùa vụ. Trước khi bước vào phỏng vấn thấy hai người họ trao đổi với nhau sau đó người Mỹ nói với nhau, tôi nghe được: "One to one"- nghĩa là từng người một, phỏng vấn theo nguyên tắc từng người một.
Cuộc phỏng vấn bắt đầu, một người Châu Á da vàng, tóc đen anh ta tự giới thiệu: anh ta là người Mỹ gốc Việt sang Mỹ, tên là Hùng Nguyễn, con của sĩ quan VNCH quê ở Rạch Giá. Gia đình nay định cư tại thành phố Hololulu là thủ phủ của bang Ha Oai. Anh ta là trưởng đoàn. Trong đoàn có ông Kay, thạc sĩ lịch sử và Giêm chuyên gia máy tính, còn có một người nữa cũng là người Mỹ gốc Việt. Anh Trọng giới thiệu đoàn Việt Nam. Anh để tôi tự giới thiệu về bản thân.
Hùng Nguyễn nói: Cháu biết bác là người có mặt trong trận đánh máy bay đến cứu phi công ngày 24 tháng 11 năm 1969 tại Seng fan (Lào). Bác có thể kể thật chi tiết trận đánh này .Tôi bảo: Thời gian có thể chưa chính xác nhưng sự việc là hoàn toàn sự thật. Nghe tôi nói vậy, Hùng nói, về thời gian xảy ra các sự kiện, bên không quân đã cung cấp đầy đủ. Bác đừng ngại, thôi ta bắt đầu nhé, miệng nói tay anh ta bật công tắc máy ghi âm.
Tôi bắt đầu kể, đầu mùa khô 69-70 tiểu đoàn 44 lại tiếp tục tham gia chiến dịch mùa khô lần thứ hai. Nhiệm vụ của tiểu đoàn là bảo vệ các trọng điểm quan trọng trên tuyến đường 128 từ cửa khẩu 050 đến Bắc Phalang có chiều dài gần 100 km Tiểu đoàn 44 gồm ba Đại đội với 12 khẩu pháo cao xạ 37li Đại đội 12 ở Lằng khằng. Đại đội 11 ở Na tông, Đại đội 10 được tăng cường một Trung đội 12 li 7 bảo vệ trọng điểm Seng fan. Do địa hình rất hiểm trở một bên là các dãy lèn đá một bên là vực thẳm con đường độc mộc chạy qua.không cần máy bay ném bom trúng đường chỉ cần một tảng đá rơi xuống cũng đủ làm cho tắc đường. Ở đây không khi nào ngớt tiếng bom đạn không có tiếng bom Mỹ thì tiếng mìn phá đá của công binh ta .Trận địa của đại đội 10 rải theo chiều dài của dãy lèn đá. Pháo ở đây đặt tận trong hang đá chỉ bắn được 180 độ. Hướng trận địa nhìn ra là cao điểm Seng fan đường kính 700m phía trên trận địa đại đội 10 là trung đội 12,7 li do anh Phạm Đình Cạn người Quảng Bình làm Trung đội trưởng. Anh Cạn người nhỏ da đen nhưng rất nhanh nhẹn là người chỉ huy súng C12,7 li rất nhiều kinh nghiệm. Do trọng điểm ác liệt Mỹ đã đổ xuống khu vực này hàng ngàn tấn bom đạn. B52 ném bom Seng fan như cơm bữa, Không khi nào ở đây im tiếng bom đạn. Sự ác liệt chết chóc diễn ra hàng ngày. Nhưng tinh thần lac quan cách mạng của chiến sỹ ta khi nào cũng tràn trề. “Thế đấy giữa chiến trường, nghe tiếng bom rất nhỏ " (Tiếng bom ở Seng fan - Phạm Tiến Duật).
Thế rồi, sáng ngày 24 tháng 11 năm 1969, đồng chí Trần Tri Lương chính trị viên Tiểu đoàn bảo tôi :Sáng nay cậu cùng đi với đồng chí Đạc xuống đại đội 10 kiểm tra công tác quân y. Từ Tiểu đoàn bộ xuống trận địa C10 đi bộ gần một tiếng, mùa khô bên Lào từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Cả mùa khô không có một giọt mưa. Đường do xe chạy nhiều đất bột ngập đến mắt cá chân. Mỗi bước đi đất cứ xới lên, bụi mù. Sau hơn một tiếng đi bộ, tôi và anh Đạc đã xuống đến trận địa đại đội 10. Vừa bước vào cửa hang thì kẻng báo động cả Đại đội vào cấp 1. Đại đội trưởng đại đội 10 là anh Vũ Văn Đê quê Hậu Lộc, Thanh Hóa.Tối qua anh bị bỏng xăng khá nặng tiểu đoàn cho anh đi viện nhưng anh kiên quyết không đi. Chỉ huy đại đội bây giờ là anh Phạm Văn Khích là đại đội phó. Anh mới về đơn vị được ba ngày, tiếng anh hô dõng dạc: "Toàn đại đội quay pháo hướng 34, mục tiêu cây săng lẻ vật chuẩn một điểm xạ dài ..Bắn ! ...
Bốn khẩu pháo nhất loạt nổ súng, trận địa khói bụi mờ mịt.
Sau những loạt đạn pháo phòng không, trận địa của trung đội 12 li 7 cũng nổ súng quyết liệt.Tôi và anh Đạc cũng không hiểu chuyện gì đã xẩy ra vì không có tiếng máy bay và tiếng bom nổ. Nghe tiếng anh em pháo thủ nói với nhau rằng thằng phi công đó chắc đã bị chết. Tôi ra ngoài nhìn ra cây Săng lẻ, cây này cách trận địa chúng tôi đang ở không quá 500m. Nhưng ra được đó không dễ vì bom đạn rất nhiều mà đủ các loại.
Trên cây Săng lẻ có một chiếc dù hai màu mắc trên ngọn cây. Dù hai màu là của cấp tá- quân đội Mỹ là vậy, phân biệt cấp bậc rõ ràng. Sau những phút bỡ ngỡ, tình huống xẩy ra quá nhanh, không gian trở nên yên tĩnh. Đai đội 10 và trung đội 12li7 nhận được điện khẩn của Tiểu đoàn do đồng chí Trần Tri Lương ký
Toàn văn bức điện :
Gửi C10 và Trung đội 12 li 7
Lúc 8h50 phút một máy bay f4H(fangtom)con ma. Đã bị đại đội 11 bắn rơi tại chỗ tại khu vực Seng fan hai tên giặc lái đã nhảy dù. Tiểu đoàn nhắc các đơn vị. Máy bay Mỹ sẽ đến cứu giặc lái,chúng sẽ đánh vào các trận địa pháo của ta, không còn sức chiến đấu nữa sau đó cho máy bay trực thăng lợi dụng các hẻm núi, lòng sông để cứu giặc lái. Đại đội 10 và trung đội 12li7, xây dựng tinh thần chiến đấu dũng cảm, chiến đấu đến cùng còn người, còn pháo, còn trận địa là còn chiến đấu. Phải chuẩn bị tốt cho trận sắp tới, lương khô ,nước uống, thuốc cấp cứu ,mặt nạ phòng độc, cơ số đạn tiếp theo. Tuyệt đối không được bị đánh bất ngờ. Phải giữ cho bằng được những tên giặc lái trước khi các lực lượng của binh trạm đến bắt giữ .
Đây là một trận đánh không cân sức. Phải đánh trả với rất nhiều máy bay Mỹ. Tiểu đoàn mong rằng các đồng chí sẽ chiến đấu dũng cảm và lập nên chiến công mới
Chào các đồng chí !
Ký tên : Lương.
Nhận được điện chỉ đạo của tiểu đoàn, cấp Ủy hội ý khẩn cấp xây dựng quyết tâm chiến đấu. Sau 30 phút trinh sát phát hiện một tốp máy bay Mỹ, toàn đại đội vào cấp 1. Đúng như nhận định chúng bổ nhào cắt bom vào trận địa, đơn vị đánh trả quyết liệt .sau những loạt bom đầu tiên người và pháo vẫn an toàn. Mặc dù không ra chỉ huy anh em nhưng khi đưa anh Đê vào sâu trong hang đá cho an toàn, anh dứt khoát không chịu anh nói: "Anh em còn chiến đấu ngoài đó tôi vào sao được”.
Sau những loạt bom đầu tiên ném vào trận địa, anh Đê trao đổi với anh Trịnh Văn Thông, Chính trị viên Đại đội: Trận địa đã bị lộ do những tên phi công chỉ điểm. Như thế khẳng định rằng những tên phi công đó vẫn còn sống.
Sau những loạt bom đầu tiên đánh phá trận địa không thành công, chúng tăng cường hai tốp nữa, vẫn thủ đoạn như cũ, đánh vào các trận địa .Phải nói rằng thiên nhiên đã ban tặng cho nước bạn Lào những dãy lèn đá thật quý giá, nó là công sự kiên cố vững chắc nhất khi đánh nhau với máy bay Mỹ. Sau ba trận bom, không gian trở nên im lặng. Bây giờ gần 12h rồi. Hôm nay địch đánh mạnh quá, nuôi quân không nấu được cơm.
Trưa hôm đó cả đai đội ăn lương khô. Căng thẳng, mệt mỏi, đất bụi, khói bom lúa vào hang có lúc tức ngực không thở được, cầm miếng lương khô chưa kip nuốt thì sở chỉ huy tiểu đoàn thông báo hướng 32 xuất hiện máy bay C130 là máy bay vận tải một lúc có thể cõng được hai trưc thăng HU1A. Các đơn vị chuẩn bị đánh trực thăng đến cứu giặc lái. Đại đội 10 đã vào vị trí chiến đấu 100% quân số. Hai chiếc trưc thăng đang ngấp nghé phía ngoài, một chiếc bay thẳng về hướng Nam. Còn một chiếc khác hạ thấp độ cao theo lòng sông bay vào chỗ hai tên phi công đang lẩn trốn. Đại đội 10 nổ súng, chiếc trực thăng chuồn thẳng. Đại đội rút kinh nghiệm: bắn sớm quá .
Sau đợt này địch không dùng bom nữa mà dùng tên lửa từ xa bắn vào trận địa. Một quả tên lửa nổ gần cửa hang của chúng tôi. Khỏi bụi lùa vào không thể thở được. Cái đài bán dẫn oriangton, món ăn tinh thần, bị hất lên rơi xuống nát bét. Cứ một lần địch phóng tên lửa là ta vào trong hang ấn nấp, cứ thế cho đến chiều. Chúng lại cho trực thăng bay vào thả thang dây cho phi công trèo lên nhưng bị ta đánh bật ra. Lần này địch không dùng bom và tên lửa nữa mà dùng rốc két, đạn đấu đinh bắn vào trận địa. Cuối cùng chúng dùng hơi cay do máy bay AĐ6 đi thả. Khi ngửi phải khí này, pháo thủ hắt hơi, cay mắt ,v.v
Xong đợt này trực thăng lại vào. Bây giờ lá 4 giờ chiều rồi. Lần này là lần thứ tư trực thăng vào không cứu được giặc lái. Binh trạm cũng thông báo tổ đi bắt phi công đã vào gần chỗ phi công nhưng máy bay bắn đạn đinh, đạn giấy chưa tiểp cận được.
Sau bốn lần cho trực thăng bay vào, bị Đại đội 10 và Trung đội 12li 7 đánh bật, bọn Mỹ đã tìm đủ cách để cứu bằng được những những tên giặc lái, một mặt dùng hỏa lực mạnh đánh vào trận địa Đại đội 10 xóa sạch san bằng trận địa thì chúng mới cứu được giặc lái. Chứng kiến tinh thần chiến đấu hết sức dũng cảm đó, thú thật bước đầu tôi vẫn sợ. Nhưng trong hoàn cảnh này, tinh thần chiến đấu của cán bộ chiến sĩ đại đội 10 không có chỗ cho sự hèn nhát, sợ chết nữa. Một tinh thần dũng cảm vô song, mà bắt đầu từ người chỉ huy cao nhất đơn vị, Đại đội trưởng trung úy Vũ Văn Đê không chịu rời trận địa. Anh là tấm gương khích lệ tinh thần chiến đấu của cán bộ chiến sỹ: "Còn pháo, còn chiến đấu, còn trận địa còn chiến đấu". Lúc này đã 16h chiều, không gian trở nên yên tĩnh. Trên Tiểu đoàn điện xuống động viên tinh thần chiến đấu dũng cảm cho đến giờ phút này vẫn giữ được những tên giặc lái. Biết rằng địch không bao giờ từ bỏ ý định cứu giặc lái dù chúng tổn thất đến mấy cũng cứu bằng được, phía bên ta quyết tâm giữ, vì thế tính chất ác liệt càng tăng lên. Tiểu đoàn nhắc đại đội 10 chuẩn bị chiến đấu trận cuối cùng trong ngày, vì trời bắt đầu xẩm tối.
Lúc này trên bầu trời lại xuất hiện tiếng gầm rú của máy bay Mỹ, chúng lại bắn tên lửa vào trận địa 12li7 trên đỉnh lèn đá vì chúng biết rất rõ mỗi lần trực thăng vào là bị 12li7 bắn trả quyết liệt. Lúc này trận địa trung đội 12li 7 bị mất liên lạc và sau đó là ba loạt súng Ak bắn cấp cứu. Anh Trịnh văn Thông là chính trị viên đại đội 10, quê ở ga Thị Cầu -Bắc ninh, bố anh là công nhân đường sắt, anh nhập ngũ 1963. Sau khi tốt nghiệp trường sĩ quan thông tin vể làm trợ lí thông tin tiểu đoàn. Anh Thông rất đẹp trai. Ăn nói nhẹ nhàng ai cũng thích (Hồi chiến đấu bảo vệ ngầm Khe Tang miền Tây Quảng Bình, có hai Đại đội nữ TNXP gần 200 người, ai cũng biết anh Trịnh Văn Thông). Gặp anh Đạc y sỹ Tiểu đoàn xuống chiến đấu cùng chúng tôi, anh Thông nói trong nghẹn ngào "Trung đội 12li7 trúng tên lửa địch có thương vong, đơn vị đang cấp cứu, trong lúc này máy bay vẫn tiếp tục đánh trận địa, đây là trận quyết liệt nhất từ sáng đến nay”. Sau khi nghe anh Thông nói, anh Đạc quyết định cùng đồng Điết, y tá đại đội, lên trận địa 12li7 theo đường thông từ dưới hang lên. Anh Điết đi trước, theo sau là anh Đạc, tôi đi sau cùng. Chúng tôi mò từng bước, cuối cùng cũng lên đến trận địa. Một cảnh tan hoang xơ xác khét lẹt mùi thuốc súng, người chúng tôi gặp đầu tiên là anh Cạn, Trung đội trưởng. Anh nói: Khẩu đội 2 bị trúng một quả tên lửa, hai đồng chí hy sinh, đồng chí Dương văn Tung (Trung đội phó) và đồng chí Trần Văn Ất (Khẩu đội trưởng). Hai anh đều quê Thanh Hóa. Ngoài ra, còn có mấy đồng chí bị sức ép. Trong khi đang khám cho mấy đồng chí bị sức ép thì nghe ba loạt pháo 37 bắn cấp cứu ba loạt hai viên một. Đúng là tín hiệu cấp cứu của đại đội 10 rồi, bắn cho tiểu đoàn biết lúc này trời tối hẳn máy bay địch không hoạt động nữa.
Chúng tôi lại trở về đại đội 10, trung đội 12li 7 lo cho hai đồng chí hy sinh xuống núi. Về đến trận địa tôi không nhận ra nữa. Trận địa đã bị san phẳng hoàn toàn, hai khẩu pháo 37 li bị đá do bom đánh rơi xuống đè hỏng hết. Đồng chí Khích (Đại đội phó) hy sinh.Thật là một tổn thất to lớn, tôi thảng thốt: Anh Khích ơi !Anh không còn nữa rồi. Tôi không tin dù đó là sự thật anh mới về làm đại đội phó được ba ngày. Trước khi về nhận nhiệm vụ, anh ở trên Ban chỉ huy Tiểu đoàn đợi phân công về Đại đội nào đó, anh hiền lắm, khi nào đến bữa cơm anh cũng xuống dưới bếp anh nuôi lấy cơm mang về thay tôi. Thế mà hôm nay, anh không còn nữa. Chiến tranh đêã cướp đi sinh mạng ba đồng đội của tôi: Anh Khích, anh Tung và anh Ất. Tôi ngồi phịch xuống đất. Không hiểu tình hình ngày mai sẽ như thế nào? Theo thông báo của binh trạm, tổ đi bắt giặc lái, khi tiếp xúc gần tên giặc lái bị máy bay AĐ6 bắn rất rát không vào được. Đồng chí Thái, Đại đội phó công binh Tiểu đoàn 2, hy sinh. Một tên phi công rơi xuống đã chết. Còn một tên nữa chưa bắt được, đêm nay binh trạm sẽ điều xe bọc thép ba tác dụng tiếp cận mục tiêu.
Riêng nhiệm vụ của đại đội 10, Tiểu đoàn bổ sung đồng chí Chu Văn Ba, trợ lý tác chiến tiểu đoàn, xuống thay đồng chí Vũ Văn Đê (phải đi viện).
Đồng chí giao nhiệm vụ cho chúng tôi: Trong đêm nay, Đại đội 10 phối hợp với Tiểu đoàn 2 Công binh của Binh trạm tăng cường dùng bộc phá đánh hất hai khẩu pháo đã hỏng xây dựng lại công sự, kéo hai khẩu khác vào để đánh ngày mai, riêng những chiến sĩ đã hy sinh phải cho về nước ngay trong đêm nay để mai táng.
Đêm đó, toàn tuyến không có tiếng máy bay hoạt động, vì đang có phi công nên chúng nó không bao giờ dám đánh cả. Ô tô tha hồ bật đèn pha mà chạy. Đến khoảng 10h đêm, ba chiếc xe tiểu đoàn tăng cường xuống. Việc đầu tiên là lo cho thương binh và liệt sỹ vế nước kẻo sáng. Cuộc chia tay hôm đó là một cuộc chia tay đau thương, bi tráng. Đại đội trưởng Đê đã phải khóc. Anh em không ai cấm nổi nước mắt, lo cho anh một ngày đối chọi với bom đạn, người anh bị bỏng không mặc được áo, mà chất độc máy bay thả ra nhiều. Xe lăn bánh đưa các anh về với đất mẹ, còn chúng tôi vẫn ở lại chiến đấu. Gần sáng, hai khẩu pháo chiếm lĩnh xong trận địa, chuẩn bị tinh thần chiến đấu ngày mai. Tôi và anh Đạc chia tay anh em đại đội 10 trở về Tiểu đoàn bộ. Tôi cầm tay anh Thông nghẹn ngào không nói được câu gì (Cho đến nay anh đã nghỉ hưu, nhà ở gần nhà máy Thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái, hai anh em vẫn gặp nhau trao đổi tin nhắn. Còn anh Đê thì không có tin tức gì không hiểu còn sống hay đã mất).
Sáng mai ngủ dậy thấy Thủ trưởng Lương bảo: Thằng giặc lái, bọn nó cứu rồi, khi mới tảng sáng.
Khi nghe tôi kể đến đây mọi người đều thở phào. Ông người Mỹ nói: Thế ông có thể xác định được tọa độ chỗ phi công Mỹ bị bắn chết không?
Tôi bảo: Rất đơn giản vì chúng tôi còn ở đó gần hết mùa khô năm ấy rồi mới vào binh trạm 34. Hơn nữa tôi là một trinh sát, bản đồ, địa bàn tôi sử dụng khá thành thạo. Hùng Nguyễn đưa cho tôi mảnh bản đồ Seng fan- bản đồ quân sự UTM tỷ lệ 1/50000, bản đồ được in trên giấy polyme, nước không ướt và in rất chi tiết. Một cm trên bản đồ bằng 2km trên thực địa, tôi thao tác thành thạo chỉ vài phút sau là đánh dấu xong tọa độ. Tôi đưa bản đồ trả lại. Hùng ngạc nhiên khi tôi đánh dấu rất nhanh. Địa điểm này rất dễ xác định vì có các điểm dễ nhận ra: eo Pha nốp, suối Na ton, điểm cao 321 Seng fan. Các điểm đó không có gì thay đổi. Trong lúc tôi đang nói chuyện với Hùng thì Kay lấy mảnh bản đổ tương tự để so sánh. Một lúc sau, hai người nhìn nhau và ok. Rồi Hùng nói: Nếu như chúng tôi tổ chức khai quật, nhờ bác đến đó có được không?
Tôi trả lời: Nếu các ông yêu cầu, nhà nước Việt Nam cho phép, thời gian và sức khỏe phù hợp tôi sẽ đi.
- Thế bác có muốn nói điều gì nữa không? Kay hỏi.
- Tôi muốn nói với các ông rằng: Trên thế giới không có dân tộc nào khao khát hòa bình như Việt Nam của chúng tôi. Mà cũng không có một dân tộc nào dám sẵn sàng vì độc lập tự do mà dám hy sinh như chúng tôi đâu. Các ông biết trận hôm đó bên các ông mất một phi công mà chúng tôi hy sinh 4 người. Chiến tranh là như vậy. Cho đến nay mà quan hệ hai nước vẫn chưa bình thường. Chúng tôi bị bao vây cấm vận. Còn về vấn đề tù binh và quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, chúng tôi đã làm rất chu đáo. Đây là lúc chúng ta bình thường hóa quan hệ. Và mong muốn đứng bao giờ có chiến tranh nữa.
Anh Trọng nở nụ cười tươi, hài lòng trước câu nói rắn như đinh của tôi.
Theo Trái tim người lính