Một phần tảng đá khắc ngôn ngữ Luwian mô tả sự thất trận của đế chế Phrygia trước vua Hartapu. Ảnh: Internet
Nhờ một chiếc máy kéo, người nông dân trên đã giúp các nhà khảo cổ kéo khối đá nặng ra khỏi vị trí được phát hiện. Đây là tấm bia đá lớn với những dòng chữ tượng hình của ngôn ngữ Luwian, một trong những ngôn ngữ Ấn - Âu cổ, là các chữ tượng hình có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ cổ, được đọc từ phải qua trái và ngược lại theo kiểu xen kẽ. Nghiên cứu sơ bộ, dòng chữ trên phiến đá thể hiện niềm tự hào về vua Hartapu và chiến thắng của ông trong trận chiến với đế chế Phrygia của vua Midas hồi cuối thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên (TCN). Midas là một vị hoàng đế nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp, luôn cho rằng mình là người thông thái và có khả năng thỉnh cầu thần Dyonysos cho tất cả những thứ mình chạm vào đều hóa thành vàng, nhưng sau đó đã ân hận về sự tham lam và ngu xuẩn của mình.
“Qua nghiên cứu, chúng tôi lập tức thấy rằng đây thực sự là bằng chứng về một nền văn minh cổ xưa đã bị thất lạc, nó được viết bằng ngôn ngữ Luwian và có giá trị khảo cổ học cao”, James Osborne, phụ trách nhóm nghiên cứu khảo cổ ở UoC cho tờ UChicago News hay. Theo James Osborne, hậu thế chưa có nhiều thông tin về nền văn minh bị thất lạc đề cập trên. Rất có thể nó bị mất tích vào giữa thế kỷ thứ 9 và thứ 7 TCN, tức thời điểm hoàng kim, vùng đất này có thể bao phủ khoảng 300 mẫu Anh (tương đương 120 ha). Tuy nhỏ so với các thành phố hiện đại, nhưng thời đó nó lại là một trong những khu định cư lớn nhất, sầm uất nhất trong lịch sử cổ đại Thổ Nhĩ Kỳ. Tên của vương quốc này cũng chưa được biết đến nhiều, nhưng thủ phủ hay thủ đô của nó chắc chắn tọa lạc tại địa điểm khảo cổ Turkmen-Karahoyuk.
Địa điểm khảo cổ Turkmen-Karahoyuk ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có thể là thủ đô của vùng đất do vua Hartapu trị vì.
Các dòng chữ trên tảng đá nói trên không phải là thông tin đầu tiên đề cập tới vua Hartapu. Cách đó chừng 16 km về phía nam, các nhà khảo cổ đã từng phát hiện chữ tượng hình trên một ngọn núi lửa nói về vua Hartapu, chỉ có điều không nói rõ thân thế sự nghiệp của vị vua này mà chỉ nói về chiến thắng của ông trước Phrygia, được cai trị bởi vua Midas.
Theo cuốn “The World of The Neo-Hittite Kingdoms: A Political and Military History” (Thế giới của Vương quốc Neo-Hittite: Lịch sử chính trị và quân sự) của tác giả Trevor R. Bryce người Mỹ, ấn hành năm 2012, Hartapu là một vị vua Hittite trị vì ở Tarhuntassa vào thế kỷ thứ 8 TCN. Hartapu không chỉ là hoàng đế mà còn là vị anh hùng dân tộc. Ông tuyên bố mình là con trai của vua Mursili. Rất có thể Mursili là Đại vương Hittite Mursili III, người được biết đến nhiều hơn dưới tên khai sinh Uri-Tessub, trị vì đế chế Hittite vào năm 1272 - 1267 TCN. Nếu Hartapu là con trai của Mursili III, thì có lẽ ông đã kế vị người chú Kurunta, em trai của Mursili III với tư cách là vua của Tarhuntassa vào nửa sau thế kỷ 13 TCN. Việc kiện toàn hoàng gia của Hartapu có thể tương tự như việc Kurunta đã làm, lấy tước hiệu đại vương và anh hùng để chứng tỏ quyền lực với ngai vàng song ông vẫn bị hậu duệ của Hittite Mursili III như Tudhaliya IV dưới thời Kurunta trị vì và Suppiluliuma II dưới triều đại của Hartapu đe dọa.
Được biết, Suppiluliuma II, vị vua vĩ đại cuối cùng chính là nhân vật bất đồng chính kiến với Hartapu đã chinh phục Tarhuntassa bằng một chiến dịch quân sự. Điều này có thể là lý do khiến triều đại của Hartapu chấm dứt. Cũng có giả thuyết cho rằng còn có một vị vua khác trị vì Tarhuntassa, giả thuyết này dựa trên sự tương đồng về mặt sử học giữa bản khắc Karahoyuk và bản khắc của Hartapu. Điều này đồng nghĩa, dòng dõi hoàng gia của Hartapu tiếp tục phát triển và tồn tại đến đầu thời đại đồ sắt sớm (Iron Age).
Hiện các nhà khảo cổ ở UoC tiếp tục triển khai dự án có tên Konya Regional Archaeological Survey Project hay KRASP (Khảo sát khảo cổ khu vực Konya) với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành ở Viện Đông Phương học thuộc UoC và các chuyên gia của Thổ Nhĩ Kỳ.