Ảnh minh họa |
Vaccine chống SARS-CoV-2 đầu tiên được phê duyệt thử nghiệm là thành quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Học viện Khoa học quân y do Viện sĩ Trần Vi đứng đầu. Bà Trần Vi là Thiếu tướng quân y và được đánh giá là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y sinh của Trung Quốc. Nhóm của bà Trần Vi đã đến Vũ Hán hôm 26/1 và bắt đầu nghiên cứu bào chế loại vaccine có thể hữu dụng trong cuộc chiến chống COVID-19.
Từ giữa tháng 3 vừa qua, Trung Quốc bắt đầu triển khai chu trình thử nghiệm lâm sàng loại vaccine ngừa SARS-CoV-2 đầu tiên với 108 tình nguyện viên chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên được tiêm loại vaccine liều thấp, nhóm thứ 2 được tiêm liều trung bình, nhóm thứ 3 được tiêm liều cao. Thử nghiệm lâm sàng diễn ra từ ngày 16/3 và dự kiến kéo dài tới ngày 31/12.
Trong một diễn biến liên quan khác, một nhóm nhà khoa học thuộc Trường Y khoa Stanford của Mỹ đã thành công trong thử nghiệm nhằm phát hiện các kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Trái ngược với các xét nghiệm chẩn đoán hiện nay về COVID-19 vốn phát hiện các vật liệu di truyền từ virus SARS-CoV-2 trong dịch tiết qua đường hô hấp, các nhà khoa học Mỹ đã thực hiện sàng lọc và tìm kháng thể với virus trong huyết tương (một chất dịch có trong máu) nhằm cung cấp thông tin về phản ứng miễn dịch của người đối với căn bệnh lây nhiễm này.
Nhóm nghiên cứu do ông Scott Boyd, phó giáo sư về dịch tễ học thuộc trường đại học trên đứng đầu, đã phát hiện 2 loại kháng thể khác nhau, đó là kháng thể IgM- được tạo ra từ sớm trong phản ứng miễn dịch và có tốc độ suy giảm diễn ra khá nhanh chóng và kháng thể IgG- có mức tăng chậm hơn sau khi cơ thể nhiễm virus, nhưng thời gian tồn tại trong cơ thể thường lâu hơn.
Giáo sư Thomas Montine, Trưởng khoa Dịch tễ học thuộc Trường Y khoa Stanford, cho biết: “Một số ít các dữ liệu ở Trung Quốc và châu Âu cho thấy đây dường như là chuỗi phản ứng tiếp theo của virus này. Không ai biết được rằng các kháng thể vẫn tồn tại trong cơ thể bao lâu sau khi nhiễm bệnh”.
Cuộc thử nghiệm kéo dài tới 3 ngày của các nhà khoa học thuộc trường Y khoa Standford đã được Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Standford công bố kết quả vào ngày 6/4 vừa qua. Trung tâm này có thể kiểm tra 500 mẫu máu mỗi ngày.
SARS-CoV-2 sẽ giảm độc lực
Theo Sputnik, chuyên gia Kirill Sharshov thuộc Trung tâm Nghiên cứu Y học cơ bản của Nga đánh giá, cho dù thực tế virus Corona liên tục biến đổi nhưng chủng virus mới này sẽ không có đột biến gì nguy hiểm hơn.
Trả lời phỏng vấn hãng tin RT, ông Sharshov phân tích “chiến lược” sinh tồn của virus buộc nó phải giảm độc lực sau một thời gian và đặc điểm này có thể thấy ở hầu hết các chủng virus hiện nay.
Ông cũng lưu ý rằng tỷ lệ tử vong cao đối với virus chính là một bế tắc tiến hóa của bản thân virus bởi sau đó nó sẽ không tồn tại được dưới dạng tương đối vô hại như tác nhân gây bệnh theo mùa.
Chuyên gia Sharshov nêu rõ SARS-CoV-2 có thể trở thành virus xuất hiện theo mùa và sự lây nhiễm của nó tới đầu mùa Hè sẽ giảm dần nhưng lại tiếp tục bùng phát ở mức vừa phải vào khoảng tháng 10 và 11.
Ông giải thích: “Phương án như vậy nhiều khả năng xảy ra. Hoàn toàn có khả năng SARS-CoV-2 sẽ trở thành virus theo mùa. Bất kỳ bệnh lây nhiễm đường hô hấp nào cũng diễn ra như đợt sóng. Có thể viện dẫn ví dụ điển hình như bệnh 'cúm lợn' năm 2009 đã tấn công rất nhanh khắp địa cầu rồi biến thành một loại virus theo mùa khá vô hại”.
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng con người khó có khả năng chặn đứng sự xuất hiện mầm bệnh nguy hiểm này, nhưng cần chủ động giảm bớt rủi ro, sử dụng thuốc men đúng cách và tiêm phòng để tránh lây lan các chủng virus kháng thuốc.
Vũ Phong