Tin thế giới 1/6: Nga yêu cầu loạt quốc gia bao gồm Czech ngừng đòi hỏi; Đức bác kêu gọi từ Ukraine; Trung Quốc-châu Âu không thể thiếu nhau?

Baoquocte.vn. Quan hệ Nga-EU, Nga-Mỹ, tình hình Ukraine, Belarus, quan hệ NATO với Trung Quốc và Nga, quan hệ Trung Quốc với châu Âu, tình hình Myanmar và Hội nghị Thượng đỉnh P4G... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Tin thế giới 1/6: Nga yêu cầu loạt quốc gia bao gồm Czech ngừng đòi hỏi; Đức bác kêu gọi từ Ukraine; Trung Quốc-châu Âu không thể thiếu nhau?

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-EU:

Chủ tịch Hạ viện Nga yêu cầu một loạt nước chấm dứt đòi hỏi

Ngày 1/6, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Viacheslav Volodin cho rằng, Ukraine, các nước Baltic, CH Czech và Georgia cần xin lỗi Nga về những đòi hỏi của họ và ngừng đổ lỗi các vấn đề cho Nga.

Trên kênh Telegram, ông Volodin cho hay, loạt nước trên đã yêu cầu Moscow bồi thường cho hàng loạt vấn đề như vụ Dòng chảy phương Bắc 2, vụ nổ kho đạn Vrbetica, thậm chí cho cả thời kỳ Xô Viết.

Theo ông Volodin, các quốc gia trên đang tỏ thái độ không thiện cảm với Nga, lưu ý rằng, Moscow đã nhận trách nhiệm trả các khoản nợ của Liên Xô sau khi Liên Xô sụp đổ.

Ông nhấn mạnh: "Hãy biết ơn: các công dân Nga đã không đòi hỏi các bạn những gì họ đã cho các bạn. Bằng cách tạo ra việc làm, đầu tư tiềm lực và kinh phí cho sự phát triển của các nước, chúng tôi đã bảo vệ các bạn khỏi những thách thức và mối đe dọa từ bên ngoài".

Trong diễn biến khác, cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói rằng, nước này hy vọng mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) vốn đang xấu đi có thể trở lại bình thường nếu các nước phương Tây từ bỏ hành động tuyên truyền chống Nga và cùng đối thoại trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Chiến lược an ninh quốc gia Nga: Bảo vệ người dân là ưu tiên hàng đầu

Ngày 31/5, Thư ký Hội đồng an ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev hé lộ một phần nội dung Chiến lược an quốc gia phiên bản mới sắp được công bố, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường khả năng quốc phòng, sự đoàn kết nội bộ, năng lực cạnh tranh và uy tín quốc tế của nước Nga.

Bên cạnh đó, quan chức Nga lưu ý, Chiến lược mới có tính đến tính hợp pháp của "các biện pháp phản ứng đối xứng và bất đối xứng có thể được thực hiện để ngăn chặn các hành động thù địch đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga".

Ông Patrushev nêu rõ: "Biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất là áp đặt các biện pháp kinh tế đặc biệt, nhưng nếu cần, cũng có thể áp dụng các biện pháp cưỡng bức mạnh mẽ".

Thư ký Hội đồng an ninh Nga cũng lưu ý, chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga coi việc bảo vệ người dân Nga là "ưu tiên hàng đầu". (TASS)

Nga-Mỹ:

Hội nghị Thượng đỉnh Biden-Putin: Điều quan trọng là Hội nghị diễn ra

Ngày 1/6, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden vào ngày 16/6 tại Geneva (Thụy Sỹ) vẫn đang được tiến hành.

Quan chức này nhấn mạnh, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng Hội nghị được mong đợi này sẽ diễn ra và sẽ không bên nào tìm cách loại bỏ những phần cốt yếu trong chương trình nghị sự của cuộc gặp này.

Ông Peskov đồng thời cho biết, Moscow đang nghiên cứu kỹ lưỡng toàn bộ chính sách đối ngoại của Washington trước thềm Hội nghị.

Khi được hỏi về tuyên bố gần đây của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov rằng, Mỹ sẽ nhận được một số tín hiệu "không dễ chịu" trong những ngày tới, quan chức trên đã từ chối bình luận. (TASS)

Khủng hoảng Ukraine: Đức bác lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky

Ngày 1/6, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng, việc chuyển vũ khí tới Ukraine sẽ không góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng tại khu vực miền Đông Nam nước này.

Theo Nhà ngoại giao Đức, từ năm 2014, nước này đã đổ gần 2 tỷ Euro (tương đương 2,4 tỷ USD) vào lĩnh vực dân sự ở Ukraine, tuy nhiên, "cuộc xung đột ở Donbass chỉ có thể được giải quyết bằng con đường chính trị. Mọi người nên hiểu rõ điều này và đây là nguyên tắc cơ bản cho sự tham gia của chúng tôi".

Ông Mass khẳng định, quan điểm trên của Đức sẽ không thay đổi và nhấn mạnh, "việc chuyển vũ khí tới Ukraine sẽ không có tác dụng”.

Trước đó, trong một bài phỏng vấn gần đây với báo Frankfurter Allgemeine Zeitung, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Đức chuyển vũ khí tới Ukraine. (Sputnik)

NATO:

NATO tố bị Nga làm lơ, tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Moscow

Hãng tin Agerpres của Romania dẫn lời Phó Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mircea Geoana rằng, Nga đã từ chối đàm phán với NATO, khi nhiều yêu cầu gửi tới Moscow đều không có câu trả lời tích cực.

Ngày 1/6, trước thềm cuộc họp giữa ngoại trưởng các nước thành viên NATO, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, NATO sẵn sàng đối thoại với Nga.

Ngoại trưởng Maas khẳng định: “Chúng tôi sẽ thảo luận về mối quan hệ với Nga, điều này là cần thiết. Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng và nhất quán: Chúng tôi sẵn sàng đối thoại, chúng tôi đã đưa ra đề nghị, nhưng chìa khóa để có một mối quan hệ tốt đẹp hơn rõ ràng nằm trong tay Moscow”. (Sputnik)

NATO cảnh báo sự trỗi dậy kèm "thách thức nghiêm trọng" của Trung Quốc

Ngày 31/5, theo tờ FAZ của Đức, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra chủ trương lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Ông Stoltenberg cho rằng, mặc dù vẫn tin có những "cơ hội" đi kèm với sự trỗi dậy của Trung Quốc, song điều đó cũng mang lại "những thách thức nghiêm trọng".

Belarus: Tổng thống Lukashenko hứa sẽ điều tra vụ bắt giữ một công dân Nga

Ngày 1/6, hãng thông tấn nhà nước Belta đưa tin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã khẳng định với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng, nước này sẽ điều tra vụ bắt giữ cô Sofia Sapega, bạn gái của phóng viên đối lập Roman Protasevich.

Belta dẫn lời Tổng thống Lukashenko nêu rõ: “Cuộc điều tra cả 2 nhân vật này sẽ được tiến hành tại Belarus. Tôi đã nói với Tổng thống Nga về vấn đề này”.

Cô Sapega, công dân Nga, đã bị bắt giữ cùng bạn trai Roman Protasevich sau khi máy bay của hãng Ryanair chở họ buộc phải chuyển hướng và hạ cánh ở Minsk hôm 23/5 vừa qua, làm dấy lên làn sóng phản ứng gay gắt từ Mỹ và các nước EU.

Trung Quốc-châu Âu:

Ngoại trưởng Trung Quốc: Bắc Kinh và châu Âu không thể làm gì mà không có nhau

Ngày 31/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, ông đã trao đổi sâu sắc và thẳng thắn với ngoại trưởng 4 nước châu Âu trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên và đạt được nhất trí chung rộng rãi, sau các cuộc gặp với những người đồng cấp Hungary, Ba Lan, Serbia, Ireland trong thời gian ở thăm Trung Quốc.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Trung Quốc và các nước châu Âu trong năm nay, đồng thời gọi đây là “cuộc trao đổi chiến lược” giữa Trung Quốc và châu Âu trước những tình hình mới và thách thức mới.

Theo đó, các bên cho rằng, những khó khăn hiện tại trong quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu là đáng quan tâm và cần bình tĩnh suy nghĩ lại; với tư cách là hai lực lượng quan trọng trong tiến trình đa cực hóa, việc bảo vệ chủ nghĩa đa phương luôn là đồng thuận quan trọng nhất giữa hai bên.

Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, Bắc Kinh và châu Âu “không thể làm gì mà không có nhau, chứ đừng nói là cô lập nhau”, vì vậy, ông Vương Nghị cho rằng, định vị phù hợp nhất với hai bên là “đối tác chiến lược toàn diện”, đối thoại hợp tác là hướng phát triển duy nhất cho quan hệ Trung Quốc và châu Âu. (THX)

Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ: Cam kết hóa giải bất đồng

Ngày 31/5, Athens và Ankara đã cam kết hóa giải những bất đồng và khác biệt liên quan đến tranh chấp lãnh hải và vấn đề người di cư vốn làm bùng phát căng thẳng trong quan hệ song phương sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu với người đồng cấp Hy Lạp Nikos Dendias.

Hai ngoại trưởng nhấn mạnh, hai bên đều nhận thức được những khác biệt và lập trường khác nhau trong một số vấn đề và do đó, cuộc gặp này chính là nỗ lực cho một quá trình đàm phán để từng bước bình thường hóa tình hình hiện nay.

Về phần mình, Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ muốn theo đuổi các cuộc đàm phán với Hy Lạp mà không đi kèm "điều kiện tiên quyết". Ông Cavusoglu cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ muốn cải thiện quan hệ kinh tế với Hy Lạp. Theo ông, hai nước đã có những bước đi cụ thể trong các lĩnh vực từ giao thông đến năng lượng, môi trường, du lịch và thương mại.

Nhân dịp này, hai quốc gia này đã đạt được thỏa thuận chung, công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 để tạo điều kiện cho phép người dân được đi lại giữa hai nước. (Reuters, AFP)

Tình hình Myanmar: Quân đội không kích các vị trí của quân nổi dậy

Ngày 31/5, các nhân chứng và lực lượng nổi dậy cho biết, quân đội Myanmar đã sử dụng pháo binh và máy bay trực thăng để tấn công các lực lượng dân quân nổi dậy.

Cư dân tại bang Kayah giáp với Thái Lan cho hay, quân đội đã nã pháo từ các vị trí bên trong thủ phủ Loikaw của bang vào thị trấn Demoso ở cách đó khoảng 14,5 km.

Trên mạng xã hội Facebook, Lực lượng Phòng vệ nhân dân Karenni - lực lượng dân quân hoạt động trên khắp bang Kayah - cho biết, đang đụng độ với quân đội. Quân đội đã triển khai 2 máy bay trực thăng chiến đấu để tiến hành không kích vào tối 31/5. (Reuters)

Hàn Quốc-Nhật Bản: Hàn Quốc triệu Phó Đại sứ Nhật Bản về bản đồ Olympics

Ngày 1/6, Hàn Quốc đã triệu Phó Đại sứ Nhật Bản tại Seoul Soma Hirohisa để phản đối việc Tokyo đưa quần đảo Dokdo/Takeshima vào bản đồ rước đuốc Olympics như một phần lãnh thổ của Nhật Bản.

Quần đảo Dokdo hiện do Hàn Quốc kiểm soát song Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima.

Phát biểu trước khi Phó Đại sứ Soma bị triệu tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-sam cho biết, Seoul sẽ yêu cầu Tokyo sửa lại nội dung của bản đồ Olympics liên quan đến quần đảo Dokdo.

Ông Choi Young-sam cho biết thêm: “Chúng tôi đang lên kế hoạch phản đối mạnh mẽ tuyên bố lãnh thổ không chính xác của Nhật Bản đối với quần đảo Dokdo và yêu cầu sửa chữa ngay lập tức”.

Hiện Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul không có phản ứng về vấn đề này. (Reuters)

Hội nghị Thượng đỉnh P4G:

Ngày 31/5, Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) đã chính thức khép với việc thông qua Tuyên bố Seoul gồm 14 điểm nhấn mạnh đến cam kết nỗ lực đạt được trung lập carbon thông qua "phục hồi xanh toàn diện" từ đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Tuyên bố Seoul nhất trí tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy "chuyển đổi năng lượng bằng cách tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo" như năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Các bên tham gia Hội nghị Thượng đỉnh P4G nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa để thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tái khẳng định mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất dưới 2°C, hướng tới mục tiêu tăng trong phạm vi 1,5°C so với mức tiền công nghiệp.

Tuyên bố Seoul xác định cuộc khủng hoảng khí hậu là một mối đe dọa toàn cầu khẩn cấp mà tác động của nó vượt ra ngoài chương trình nghị sự về môi trường, bao gồm các thách thức liên quan đến kinh tế, xã hội, an ninh và nhân quyền.

Theo phát biểu của Tổng thống Moon Jae-in tại phiên bế mạc, Hội nghị thượng đỉnh P4G đã giúp đoàn kết ý chí của cộng đồng quốc tế để thực hiện "phục hồi xanh toàn diện hướng tới trung hòa carbon".