Tôi đã ra Hà Giang đi thăm lại chiến trường xưa cùng chồng. Có nhiều câu chuyện rất cảm động và để lại dấu ấn sâu đậm về mảnh đất Hà Giang đầy máu lửa, đó là những trận đánh quyết liệt, lấn dũi, giành lại từng tấc đất của biên cương giữa ta và địch, sự tổn thất lớn lao của bộ đội trong từng trận đánh, sự dũng cảm kiên cường của các chiến sỹ khi ra trận... nhưng khi gặp em, một người con gái dân tộc Tày hiền lành đôn hậu và câu chuyện tình có vẻ như mang tính huyền thoại nhưng lại là có thực của em lại càng làm cho tôi không muốn xa mảnh đất Hà Giang một chút nào.
Tên em là Chúng Thị Sinh, một nữ sinh ngoan hiền, đẹp gái và nết na. Em bị tai nạn do xe tăng Sư đoàn 356 trên đường đi diễn tập về đâm vào cột điện, cột đổ đè lên thân thể em, làm em bị gãy cổ chân, vỡ rạn xương chậu, đùi bên trái bị cắt sâu 20cm. Đúng lúc em bị nạn, thì người đầu tiên lao đến, ra hiệu cho xe lùi lại, bế em lên trong tình trạng bất tỉnh, máu loang đầy người, khẩn trương đưa em vào viện cấp cứu là chàng trai tên Lê Mai - một chiến sỹ công binh dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu của Tiểu đoàn 17, F356, quê anh ở xã Tây Hiếu, Nghĩa Đàn, Nghệ An.
Rồi suốt hơn 3 tháng trời ròng rã nằm bất động cấp cứu và điều trị tại bệnh viện Tiền phương Quân khu II (Viện 93 Vĩnh Tuy), Sinh được đội ngũ Y - Bác sỹ của bệnh viện tận tình cứu chữa và lại càng may mắn hơn khi em có người lính Lê Mai hàng ngày không quản ngại chăm sóc. Mặc dù hai mông của Sinh do nằm lâu ngày đã bị lở loét, hôi thối, nhưng cứ hễ có thời gian rảnh là Mai lại vù lên viện chăm sóc Sinh. Mai như một người anh, một người bạn tận tình và chu đáo. Vượt qua cả ngượng ngùng, Mai lấy nước tắm rửa cho Sinh hàng ngày, bón cho Sinh từng thìa cháo, bế bồng Sinh đi vệ sinh cá nhân, thay quần áo..., mọi việc Mai làm một cách thuần thục và tự nguyện cho đến hơn 3 tháng ròng Sinh mới bắt đầu hồi phục và chống nạng tập đi.
Bố Sinh thời ấy là Bí thư xã Trung Thành - huyện Vỵ Xuyên - Hà Giang, tên ông là Chúng Văn Sính, ông sống rất liêm khiết, hết lòng vì dân. Thời kỳ đó xã Trung Thành và Sư đoàn 356 là hai đơn vị kết nghĩa, thường xuyên đi lại nên khi con gái gặp nạn do xe tăng Sư đoàn gây ra, ông không những không hề oán trách, không đòi hỏi gì về vấn đề bồi thường vật chất mà ông còn nói “Các chú vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đã mất mát hy sinh nhiều, con tôi còn sống là may mắn lắm rồi” vì vậy sự gắn kết giữa hai đơn vị: Xã Trung Thành và Sư đoàn 356 lại ngày càng thêm khăng khít. Sau khi rời viện về nhà, Mai vẫn tiếp tục cùng với gia đình tập cho Sinh đi. Hễ có thời gian rảnh là anh lại ra ngay. Nhìn thấy ánh mắt buồn rượi và những bước chân trên nạng lê lết nặng nhọc mà không một lời oán thán của Sinh làm lòng Mai như xát muối. Tai nạn này không phải do Mai gây ra mà do đồng đội của Mai gây ra, nhưng sao Mai thấy như bản thân mình là người có lỗi, anh thấy mình phải có trách nhiệm, phải có sự bù đắp cho Sinh. Và anh đã dồn hết sự yêu thương chăm sóc cho người con gái tật nguyền đó.
Ra quân, Mai xin ở lại Hà Giang và gắn bó với mảnh đất này. Hàng tháng, Mai vẫn cùng với các anh Cương, anh Đệ, anh Trường, anh Tích... lên thắp hương cho đồng đội ở nghĩa trang Vỵ Xuyên và ở Cây hương 468. Nỗi lòng canh cánh với hàng trăm đồng đội còn nằm lại trên chiến trường Hà Giang ngày nào đến nay vẫn chưa tìm được xác, những ngôi mộ mang ba chữ “chưa biết tên” lúc nào cũng ẩn hiện trong đầu, thôi thúc anh vượt qua hiểm nguy của bom mìn còn vương vãi để đi tìm dấu ấn xưa của từng trận đánh, tìm những gì còn sót lại của đồng đội yêu thương. Hơn ba mươi năm đã trôi qua, chân Sinh vẫn còn tập tễnh và có lẽ cái tập tễnh ấy sẽ theo Sinh đến trọn cuộc đời. Còn Mai - Một người lính đã ngày đêm làm hết sức mình để nâng đỡ cái chân tập tễnh đó trở thành một gia đình hạnh phúc. Họ có ba đứa con (1 trai, 2 gái) ngoan giỏi. Nay Mai - Sinh đã trở thành ông - bà của một cháu nội và một cháu ngoại. Nhìn ánh mắt của Sinh nhìn Mai vừa yêu thương trìu mến, vừa như một sự biết ơn không thể tả, tôi thấy mắt mình cay cay.
Lên thăm Hà Giang, lên với nơi mà những đồng đội của chồng vì Tổ quốc thân yêu vẫn đang còn nằm lại. Sau những nén hương tri ân, chúng tôi lại quay trở lại nhà Mai Sinh ở tổ 9 - Thị trấn Vỵ Xuyên - Huyện Vỵ Xuyên. Nơi đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc và thân thiết đối với những người lính khi trở về thăm lại chiến trường xưa. Là người phụ nữ, tôi ngầm hiểu đời sống của vợ chồng Mai Sinh vẫn rất khó khăn vì cả hai đều không có lương, bản thân Sinh không làm được việc gì nặng, chỉ quanh quẩn với bếp núc trong nhà, nhưng mỗi lần chúng tôi đến nhà vẫn đầy ắp những nụ cười hạnh phúc, vẫn những chén rượu Hà Giang ấm áp nồng nàn và những lời mời thiết tha mộc mạc muốn chúng tôi ở chơi lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Nhưng thôi, đành phải tạm biệt Hà Giang, tạm biệt cặp vợ chồng hạnh phúc nhất. Tạm biệt người lính kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu và sẵn sàng hy sinh san sẻ trong đời thường. Chúc gia đình Mai - Sinh luôn hạnh phúc và vẫn là nơi để chúng tôi ghé lại uống chén rượu ngô, kể chuyện chiến đấu sôi nổi mà nồng nàn ấm cúng.
Theo Trái tim Người lính