"Tổ ấm nhìn trên cao" là lời kêu gọi giải thoát cho những số phận bèo bạc của người phụ nữ

Ngay khi công chiếu, bộ phim “Vợ ba” của đạo diễn Ash Mayfair nhận được một luồng phản ứng gay gắt từ người xem. Trong phim có nhiều phân cảnh 18+ do nữ diễn viên 13 tuổi thủ vai chính. Chỉ sau ba ngày công chiếu, bộ phim chính thức xin rút khỏi hệ thống rạp chiếu phim trên toàn quốc. Điều này dấy lên một câu hỏi, liệu cảnh nóng 15+ trong phim “Tổ ấm nhìn trên cao” có bị “ném đá” gay gắt?

Một phân cảnh trong phim "Tổ ấm nhìn trên cao".

Cảnh nóng trong phim “Tổ ấm nhìn trên cao” có thật là 15+?

“Tổ ấm nhìn trên cao” là câu chuyện có thật được đạo diễn Lê Đại Dương chuyển thể thành phim. Bộ phim là cuộc đời của Hạnh – người không chỉ chịu đựng những trận đòn tàn bạo của chồng mà còn dành cả đời để hy sinh vì hạnh phúc gia đình. Qua diễn xuất của diễn viên Nguyệt Nguyễn trong vai Hạnh, cuộc đời bất hạnh của người phụ nữ Việt Nam được tái hiện một cách rõ nét. Đó không chỉ là những đòn roi “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” mà đó còn là sự tra tấn dã man thường xuyên cả về thể xác lẫn tinh thần của một người phụ nữ.

Vốn là một người từng yêu thương Hạnh, song chỉ ngay hôm đầu tiên lấy nhau, Phong (diễn viên Xuân Thịnh thủ vai) đã tỏ rõ bản chất là một người chồng côn đồ. Phong quan niệm: “chồng chúa, vợ tôi, con cái là người phục dịch” vì thế anh luôn bỏ bê công việc, chìm đắm trong rượu chè, cờ bạc và luôn luôn tìm cớ hành hạ vợ con.

Trong một lần bị giang hồ xiết nợ, Phong đã cho Thủy – con gái mình uống thuốc mê. Với hy vọng đủ tiền trả nợ, anh đã không ngần ngại bán con gái mình cho Khải – một kẻ giang hồ lắm chiêu, nhiều kế. Đây chính là bi kịch đẩy cô con gái mới 15 tuổi của Hạnh vào nhà nghỉ phục vụ một gã đàn ông bằng tuổi cha, tuổi chú mình.

Mặc dù dựa trên kịch bản, cảnh nóng trong phim Tổ ấm nhìn trên cao là 15+. Thế nhưng, diễn viên Nhật Anh trong vai Thủy lại hoàn toàn là cô gái 21 tuổi. Về mặt tính chất, cảnh nóng trong phim thực là 15+. Song, do diễn viên đóng vai Thủy đã 21 tuổi, nên được coi là 18+. Điều này đảm bảo về mặt pháp lý cũng như tính nhân văn cho diễn viên tham gia diễn xuất.

Để nói về điều này, đạo diễn Lê Đại Dương chia sẻ: “Chúng tôi không cố tình gắn mác cảnh nóng và để nhân vật của mình ở tuổi vị thành niên. Nhưng Tổ ấm nhìn trên cao là một câu chuyện có thật, vì vậy chúng tôi tôn trọng sự thật. Hơn thế nữa tôi tin rằng, việc Thủy mới 15 tuổi có ảnh hưởng rất lớn cho sự đấu tranh của nhân vật chínhsau này. Và đó là một trong những lý do tạo nên sự thành công trong cuộc giải phóng của Hạnh và Thủy khỏi nạn bạo hành gia đình.”

Vai diễn tốn nhiều nước mắt nhất

Khi được hỏi, lý do lớn nhất trong quá trình tham gia bộ phim Tổ ấm nhìn trên cao là gì, Nhật Anh không ngần ngại chia sẻ: “Chưa có vai diễn nào mình khóc nhiều như vai diễn này. Ngay từ lần đầu tiên đọc kịch bản, cảm xúc của mình rất hỗn độn. Đa phần những cảnh diễn của mẹ Hạnh (diễn viên Nguyệt Nguyễn đóng) đều có sự xuất hiện của Thủy. Chính bởi vậy mình được chứng kiến toàn bộ những cảnh bạo lực mà bố Phong đánh mẹ Hạnh. Mỗi cái tát của bố Phong giơ lên là mỗi lần mình cảm thấy rùng rợn. Mình nhớ có lần bố Phong diễn nhập tâm quá khiến cho mẹ Hạnh phải ngất đi. Khi ấy mình tưởng như chính mình cũng bị đánh nên đã khóc cho đến khi mẹ Hạnh tỉnh lại mới thôi.”

Diễn viên Nhật Anh ngoài đời.

Cô cũng chia sẻ: “Ban đầu mình cũng ngại vì trong phim có cảnh nóng do chính mình đóng. Song khi nghiền ngẫm kịch bản mình lại có niềm tin vào vai diễn của mình. Mặc dù mình vấp phải khó khăn trong quá trình diễn tả nội tâm nhân vật, vì vốn dĩ mình chưa bao giờ bị bạo hành như Thủy. Nhưng với sự giúp đỡ của đạo diễn và toàn bộ ekip, mình đã cố gắng thể hiện nhân vật một cách tốt nhất có thể.”.

Bằng những thước phim “đậm đặc”, Tổ ấm nhìn trên cao là bộ phim đầu tiên lột tả chân thực vấn nạn này. Bộ phim không né tránh những đau đớn của người phụ nữ mà được dựng nên bởi những chất liệu rất thực, rất đời của cuộc sống. Bộ phim là lời khẳng định về giá trị bình đẳng trong gia đình; là sự bác bỏ hoàn toàn quan điểm “chồng chúa, vợ tôi”; nêu cao phẩm chất của người phụ nữ và quyền được coi trọng của họ. Bên cạnh đó, Tổ ấm nhìn trên cao cũng là lời kêu gọi giải thoát cho những số phận bèo bạc của người phụ nữ. Hơn lúc nào họ cần được bảo vệ và họ phải tự bảo vệ mình.