Tò he xứ Đông - ký ức tuổi thơ

Giữa vô vàn trò chơi trung thu hiện đại, tò he - món quà quê đặc trưng cho nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam vẫn sống trong lòng người dân Hải Dương.

Cách trung tâm huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương không xa, thôn Hoàng Giáp nay là thôn Hoàng Dương, xã An Lâm nổi tiếng với nghề làm tò he từ lâu đời. Bà Nguyễn Thị Nhi ở thôn Hoàng Dương nhớ lại trước đây, người dân làm tò he quanh năm và đây cũng là nghề cho thu nhập chính của bà con. Những năm cao điểm, làng có trên 300 hộ làm nghề. 

Đầu tháng 7 âm lịch, người trong làng đều làm tò he và đạp xe đi bán ở khắp các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... Thời tò he còn thịnh hành, đây là nghề chính của người dân trong làng, nhiều hộ còn bán tò he để đong gạo và nuôi sống gia đình. Thợ làm tò he xứ Đông còn phiêu bạt khắp nơi trong cả nước, đem theo món quà quê thú vị đến cho trẻ em. 

Quy trình làm tò he phải trải qua nhiều công đoạn từ ngâm gạo nếp, giã bột, sàng, đồ, nặn, hấp… Không chỉ nặn hoa lá, chim muông, cá, gà vịt, trâu bò... người thợ còn sáng tạo theo trí tưởng tượng và yêu cầu của trẻ em, kể cả các nhân vật như Quan Công, kỵ sỹ, bộ đội hành quân... Công việc vất vả mà thu nhập không cao bằng nghề khác nên  dân làng dần kém mặn mà với nghề truyền thống này. Hiện cả thôn chỉ còn khoảng 20 hộ làm tò he. Không những thế, những gia đình có nghề chỉ làm để phục vụ trong dịp Tết Trung thu, còn những tháng khác hầu như không làm.

Bà Nguyễn Thị Nhi, một người làm tò he lâu năm cho biết vẫn muốn giữ gìn nét đẹp của quê hương: “Rằm tháng Tám mà cho con cháu đi chợ thì túng thế nào người ta cũng phải mua một, hai con tò he, vì trẻ con thích tò he hơn đồ chơi nhựa. Bây giờ xã hội ngày càng tiến lên, dù đồ chơi nhựa nhiều rồi nhưng tò he vẫn đẹp, là nét truyền thống của quê hương, dân tộc".

Tò he gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ người Hải Dương. Thuộc thế hệ 8x, chị Nguyễn Ngọc Linh (TP. Hải Dương) nhớ lại khi còn nhỏ, những con tò he là một thứ đồ chơi đầy ao ước với chị và bạn bè. Trước đây vào những dịp cúng đình hay lễ hội, trẻ con trong xóm lại được dịp xúm quanh chỗ tò he. Lúc bấy giờ nghèo, đồ chơi cũng chưa có nhiều nên tò he quý lắm. Trong tuổi thơ của chị, những con tò he sắc màu với nhiều hình thù ngộ nghĩnh là phần ký ức khó quên. Giờ đây ngoài những món đồ chơi hiện đại, mỗi dịp Trung thu chị đều đi tìm mua tò he về cho các con.

Chị Nguyễn Ngọc Linh chia sẻ: “Trong ký ức của tôi, những con tò he sắc màu tươi trong với nhiều hình thù ngộ nghĩnh có lẽ là phần ký ức khó quên nhất. Bây giờ cuộc sống hiện đại, trẻ con đã có những đồ chơi mới nên tò he ngày xưa càng xa vào miền ký ức. Tôi mong sao tò he mãi được duy trì để những thế hệ như con của tôi và sau này sẽ vẫn được thưởng thức nét đẹp dân gian này”.

Ngày nay, đồ chơi nhựa, đồ chơi điện tử tràn ngập phố phường và làng quê. Tò he đã không thể cạnh tranh với những thứ đồ chơi này nhưng vì muốn lưu giữ nghề của cha ông để lại, đồng thời mong muốn đem lại niềm vui cho trẻ em vào mỗi dịp Trung thu nên người dân thôn Hoàng Dương vẫn tiếp tục làm. Con tò he tuy nhỏ, nhưng nó lại mang nặng tâm tình đã gắn liền với người làng An Lâm từ bao đời nay./.