Tham dự buổi Tọa đàm có ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội; GS. TSKH Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hợp tác KHKT Châu Á - Thái Bình Dương, P. Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội; TS. Hoàng Xuân Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Hệ thống Nông nghiệp - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; TS. Trần Duy Dương - Viện Di truyền Nông nghiệp; PGS. TS Hà Đình Đức - Viện Sinh thái Tài nguyên; Nghệ nhân Nguyễn Huy Tấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam cùng hơn 100 nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn tiêu biểu khu vực phía Bắc và đại diện một số cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, GS. TSKH Trần Duy Quý cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 8/4/2018, trong đó xác định hoạt động sản xuất kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 07 nhóm ngành phát triển nông thôn, thì hoạt động nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh hoa lan phát triển mạnh mẽ trong phạm vi cả nước. Tại nhiều tỉnh/thành, ngành nghề này góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lao động ở nông thôn và thành thị. Từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của dịch COVID - 19, nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh khác bị đình trệ nên có một bộ phận đã chuyển vốn sang kinh doanh hoa lan nói chung, hoa lan đột biến nói riêng, tạo sự phát triển mạnh cho thị trường này.
GS. TSKH Trần Duy Quý phát biểu tại Tọa đàm
Tuy nhiên cũng từ đó, hoạt động bảo tồn, nuôi trồng và kinh doanh hoa lan cũng đã bộc lộ một số hạn chế không chỉ gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành mà còn khiến cho những giá trị tốt đẹp vốn có của hoạt động này bị méo mó, thậm chí gây ra những thông tin trái chiều trong dư luận. Cụ thể như việc xuất hiện những hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch lan đột biến trá hình; Các hoạt động giao dịch mua bán rầm rộ thông qua mạng xã hội với hiện tượng thật giả lẫn lộn gây ra những hiệu ứng phản cảm đối với xã hội và gây những khó khăn nhất định cho cơ quan quản lý; Sự hiểu biết các quy định của pháp luật trong hoạt động bảo tồn, chăm sóc, kinh doanh hoa lan của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế...
"Từ đó, đặt ra yêu cầu những tổ chức hoạt động chuyên ngành, những chuyên gia tâm huyết và những người sản xuất, kinh doanh hoạt động trong ngành hoa lan chân chính cần phải đưa ra giải pháp để kịp thời khắc phục những bất cập có liên quan, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin, phổ biến những tiến bộ KHCN có liên quan và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh hoa lan trong việc chấp hành đúng các quy định của pháp luật có liên quan, một mặt nâng cao giá trị gia tăng gắn với sự phát triển bền vững ngành hoa lan phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, Viện Nghiên cứu Hợp tác KHKT Châu Á Thái Bình Dương phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam, Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội cùng một số cơ quan tổ chức Tọa đàm "Giải pháp ứng dụng KHCN trong bảo tồn, chăm sóc, nuôi trồng, kinh doanh hoa lan hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu" vào ngày 20/9/2020 tại Hà Nội...", GS. TSKH Trần Duy Quý nhấn mạnh.
Nghệ nhân Nguyễn Huy Tấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam (ảnh trên) đánh giá tổng quan về sự phát triển của ngành lan. Trong đó nhận định, những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của các ngành, các cấp; sự hướng dẫn của các hiệp hội, tổ chức chuyên ngành, ngành hoa lan Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chất lượng. Trên địa bàn cả nước ước tính có trên 5 vạn nhà vườn nuôi trồng, sản xuất kinh doanh ở các quy mô khác nhau, hình thành nhiều vùng sản xuất hoa lan hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước, góp phần giải quyết công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn và đô thị.
Đồng thời, Nghệ nhân Nguyễn Huy Tấn cũng đồng tình với đánh giá của GS. TSKH Trần Duy Quý khi nhận định sự phát triển của ngành hoa lan còn bột lộ những hạn chế cần khắc phục. Từ đó, ông bày tỏ mong muốn: “Cá nhân tôi cũng như cộng đồng những người yêu hoa lan toàn quốc bày tỏ hy vọng thông qua những buổi Tọa đàm như hôm nay sẽ tìm ra những giải pháp để phát triển bền vững ngành lan tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời mong muốn thông qua Tọa đàm này, sẽ giúp cho công chúng, các cơ quan thông tấn báo chí có thêm thông tin chính thống, cái nhìn khách quan hơn về sự phát triển của ngành lan trong thời gian vừa qua với tư cách một ngành hàng quan trọng trong phát triển nông thôn nước ta”.
Anh Ngô Văn Hoàng phát biểu tham luận tại Tọa đàm
Là một nhà vườn mạnh dạn triển khai mô hình vườn treo phong lan trên sân thượng với quy mô 200m2, anh Ngô Văn Hoàng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận thấy đây là mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo ra không gian thư giãn cho cả gia đình, giải pháp giảm hiệu ứng nhà kính đối với nhà trong phố, cải thiện môi trường…Đặc biệt, mô hình này có thể nhân rộng mô hình ở những vùng bị tác động bởi biến đổi khí hậu, diện tích đất canh tác bị thu hẹp do nước biển xâm nhập mặn.
Còn anh Nguyễn Phi Truyền (Ba Vì, hà Nội) thì đánh giá cao sự cần thiết của những buổi Tọa đàm này sẽ kịp thời chia sẻ thông tin, trào đổi kinh nghiệm và kiến nghị tới các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ những khó khan bất trong hoạt động bảo tồn, nuôi trồng và kinh doanh hoa lan. Ông cũng bày tỏ sự băn khoăn và mong muốn các cơ quan chức năng cần hướng dẫn thực hiện một số văn bản pháp luật để phù hợp với thực tiễn cuộc sống và tạo điều kiện cho ngành hoa lan phát triển.
Anh Nguyễn Phi Truyền phát biểu tham luận tại Tọa đàm
“Hoạt động bảo tồn, nuôi trồng và kinh doanh hoa lan hiện nay đang được điều tiết với nhiều văn bản pháp luật, có những văn bản khuyến khích phát triển hoa lan nằm trong đối tượng được ưu tiên phát triển với tư cách một trong 07 ngành kinh tế phát triển nông thôn. Những lại có những văn bản chưa thực sự rõ ràng khi xác định ranh giới giữa sản phẩm thuộc nhóm động thực vật hoang dã, động thực vật nguy cấp với các loại lan Phi Điệp đột biến, phát tán rộng rãi ngoài tự nhiên và đã được nhân dân nuôi trồng phổ biến nhiều năm với quy mô hàng hóa. Tiêu biểu như cây Lan Phi Điệp 5 cánh trắng Phú Thọ, Phi Điệp 5 cánh trắng Hiền Oanh và nhiều loại Phu Điệp đột biến tương tự. Đây là những điểm bất cập cần được các cơ quan chức năng tháo gỡ, hướng dẫn cụ thể…”, ông Truyền nhấn mạnh.
Thay mặt, Chi cục Phát triển Nông thôn và Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí đã thông tin một số chính sách phát triển Sinh Vật Cảnh với tư cách một ngành hàng trong phát triển nông thôn đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ – CP và Nghị định số 57/2018/NĐ – CP. Tuy nhiên, ông Chí cũng cho biết, để được hỗ trợ các chính sách có liên quan theo quy định thì các chủ thể cần đạt được một số điều kiện cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm
Ông Nguyễn Văn Chí (ảnh trên) cũng đã cung cấp nhiều thông tin về quy mô và định hướng phát triển cây hoa lan trong xây dựng nông nghiệp đô thị của thành phố Hà Nội. Theo đó, đến nay diện tích sản xuất hoa trên địa bàn thành phố là hơn 5.470ha. Trong đó diện tích trồng hoa lan tăng nhanh, chiếm 5,14% diện tích. Hiện trên địa bàn thành phố đã hình thành được 50 vùng sản xuất hoa tập trung với quy mô từ 20ha/vùng trở lên. Trong đó, có làng hoa Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) chuyên nuôi trồng các loại phong lan. Triển vọng phát triển ngành hoa lan là rất lớn. Trung bình mỗi năm, sản xuất hoa, cây cảnh đã cung ứng cho thị trường hơn 1.000 triệu cành hoa; 0,8 - 1 triệu chậu hoa và 1 - 1,2 triệu cây cảnh các loại. Sản lượng hoa chất lượng cao tăng nhanh, cung cấp cho thị trường từ 200 - 250 triệu cành hoa chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hoa cho Hà Nội và một số vùng phụ cận.
“Trong những năm qua, Chi cục Phát triển Nông thôn và Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội đã phối cùng Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm hoa cây cảnh nhằm quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa những công việc trên. Đồng thời, sẽ triển khai ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc các loại Sinh Vật Cảnh, hoa lan, nhất là các loại hoa lan quý hiếm để minh bạch thông tin không chỉ tạo thuận lợi cho việc quản lý, mà còn là yêu cầu của việc đẩy mạnh sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao phục vụ tiêu dùng trong và ngoài Thành phố…”, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Đồng tình với các ý kiến tâm huyết của các đại biểu nêu trong buổi Tọa đàm, TS. Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Ảnh trên) cũng nhấn mạnh về những lợi ích thiết thực của việc minh bạch thông tin về hoạt động sản xuất, nuôi trồng và kinh doanh hoa lan trong thời gian tới. Cùng với đó, theo TS. Hoàng Xuân Trường cũng lưu ý các nhà vườn cần đẩy mạnh việc liên kết “5 Nhà” để nâng cao giá trị gia tang và phát triển bền vững ngành hoa lan Việt Nam.
Tại buổi Tọa đàm, các nhà khoa học, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý và đại diện một số nhà vườn tiêu biểu tập trung trao đổi, bàn luận những hệ thống cơ sở pháp lý có liên quan đến bảo tồn, nuôi trồng, chăm sóc, kinh doanh hoa lan; Ứng dụng công nghệ trong quản lý và truy xuất nguồn gốc xuất xứ các loại hoa lan bản địa quý hiếm; Đánh giá thực trạng, tiềm năng, triển vọng và xu hướng phát triển của ngành hoa lan với mục tiêu nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu; Sự cần thiết phải bảo tồn và phát triển nguồn Gene hoa lan bản địa quý hiếm của Việt Nam. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn Gene hoa lan bản địa quý hiếm; Khuyến nghị tới cơ quan chức năng một số giải pháp, cơ chế chính sách để phát triển bền vững ngành hoa lan với tư cách một ngành hàng phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu...
Nhân dịp này, các chuyên gia đã giới thiệu phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng để khắc phục một số bất cập góp phần có thêm công cụ hỗ trợ quản lý và thúc đẩy phát triển bền vững ngành hoa lan tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Việt Nam.
Hoàng Phương Lan - Nguyễn Thu Dung