Tôi kém nhạc sĩ Phó Đức Phương 6 tuổi và quen ông khoảng gần 30 năm. Tôi là người yêu âm nhạc, tôi cũng là bạn thân của ca sĩ Ngọc Tân. Những ca khúc của ông được Ngọc Tân chọn hát, đều là những ca khúc hay cả. Nhưng chưa bao giờ anh Ngọc Tân chủ quan, lần nào anh cũng gặp gỡ nhạc sĩ Phó Đức Phương để tìm hiểu về ca khúc, để được Phó Đức Phương hát thị phạm trước.
Và Ngọc Tân hát thành công, để lại dấu ấn với nhiều ca khúc của Phó Đức Phương. Qua mỗi lần gặp gỡ như thế, tôi trở thành bạn của nhạc sĩ Phó Đức Phương và gia đình ông. Nhiều lần, tôi ăn cơm ở nhà ông, thân thiết với các con của ông.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương thể hiện bài hát "Cùng một con đò" do ông sáng tác trong show diễn riêng “Trên đỉnh Phù Vân” năm 2016.
Cho nên, tôi nghĩ mình thuộc tính nết của ông như người trong nhà vậy.
Năm 2002, nhạc sĩ Phó Đức Phương thành lập Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Khi đó, tôi chưa về hưu. Phó Đức Phương có nói với tôi, khi nào về hưu thì về làm cùng ông. Tôi hẹn ông sau 3 năm nữa. Và 3 năm sau, tôi vẫn không đến. Cho đến một ngày, ông bảo: “Này cậu ơi, đã quá 3 năm lâu rồi đấy. Cậu phải giữ lời về làm với tớ.”
Trong công việc, nhạc sĩ Phó Đức Phương là người khó tính. Nhưng ngoài công việc ra, ông lại rất xởi lởi. Dù có những lời bàn tán này nọ nhưng tôi không bận tâm mà còn cảm thấy vinh dự được thân thiết với người tài năng, tư cách đức độ như ông.
Khi làm việc với ông, chúng tôi không tránh khỏi những va chạm vì ông là người khá cực đoan, chỉn chu. Ông làm gì làm theo đến cùng. Nhiều khi ông cứ lao đầu vào những chuyện khó, còn tôi thì bảo: “Cái gì khó quá thì bỏ”.
Đôi khi người ta đưa ông lên với hình ảnh sai lạc, những lúc ông nóng giận. Có nhà báo còn gọi tôi bảo: “Chị ơi, nếu em là vợ nhạc sĩ Phó Đức Phương, em lôi ông về, “đánh” cho một trận ” chứ để họ xúc phạm như thế à? Chị là bạn thân, sao chị không khuyên ông?”. Tôi nói, khó mà khuyên được. Đấy cũng là một trong những kỷ niệm đối với tôi.
Cho nên, khi nhạc sĩ Phó Đức Phương nghỉ, hay khi ông mất, tôi nghĩ rằng, trời cho ông nghỉ ngơi, ông đáng được nghỉ ngơi. Nếu ông còn làm thì còn quá vất vả...
Khi ông nghỉ làm ở Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, ông hay đến thăm tôi và tôi cũng hay đến thăm ông. Khi ông ốm, tôi không biết có phải mình là người đến thăm nhiều nhất không?
Tôi thì tránh nói đến những chuyện có tác động tiêu cực, ông thì lại chủ động đề cập đến. Ông bảo với tôi: “Cậu nghĩ tớ không biết bệnh ung thư là thế nào à? Ung thư nghĩa là... chết đấy. Nhưng tớ cho là tớ sẽ vượt qua thôi. Tớ sẽ lại chịu vất vả như tớ từng vất vả các công việc thôi. Đời có bao giờ cho tớ nhẹ nhàng cái gì đâu. Tớ sẽ vượt qua thôi, đành rằng là vất vả...” Thế có nghĩa là, ông đã hi vọng và ông tin đây là thử thách. Tôi nghĩ, ông đã rất kiên cường nhưng mà trời không cho ông làm việc tiếp...
Từ trái sang: Nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường, nhạc sĩ Phó Đức Phương và hai nhạc sĩ Trần Tiến, Nguyễn Cường.
Lạ lùng là bệnh ung thư quái ác thì ai cũng đau đớn, bị hành hạ nhưng ông không đau. Tôi nghĩ là trời thương ông. Ông không đau nhưng sụt cân nhiều, từ người gần 80kg trước khi mất còn hơn 30 kg...
Tối hôm trước, đúng ngày giông gió tôi linh tính nên gọi điện cho Phó Vũ Thư, thì Thư bảo: “Bố cháu đang trong phòng cấp cứu”. Ông nằm trong phòng cấp cứu cả đêm, sáng hôm sau thì ông đi...
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 ở Hưng Yên. Ông nổi tiếng với nhiều ca khúc ca ngợi non nước Việt. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Những cô gái quan họ”, “Hồ trên núi”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Nha Trang thu”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Chảy đi sông ơi”, “Không thể và có thể”, “Về quê”... Ông từng là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), phó chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội.
Hồi tháng 3 năm nay, ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Gia đình và các bác sỹ đã rất tận tình cứu chữa, ông cũng rất lạc quan, luôn tươi cười và tin rằng mình sẽ vượt qua bệnh tật.
Nhà báo Phó Khánh Chi – con gái nhạc sỹ Phó Đức Phương chia sẻ: “Bố tôi ra đi nhanh quá, ông còn chưa kịp trăn trối, dặn dò con cái bởi ông không nghĩ mình sẽ ra đi nhanh thế. Sự ra đi của ông khiến gia đình chúng tôi thực sự bàng hoàng, không thể tin được, bởi trước đó ông còn rất phấn khởi, lạc quan và hi vọng sẽ có những tiến triển về sức khoẻ. Ông cũng ấp ủ nhiều dự định về âm nhạc và đang viết dở nhiều ca khúc, vì thế gia đình chúng tôi rất đau đớn và tiếc thương ông”.
Lễ viếng nhạc sỹ Phó Đức Phương sẽ được diễn ra bắt đầu từ 11h30 đến 13h ngày 24/9/2020 (tức ngày 8/8 âm lịch) tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội. Lễ an táng tổ chức vào buổi chiều cùng ngày tại nghĩa trang Công viên Thiên Đức - Phú Thọ.