Nông dân huyện đảo Lý Sơn phân loại tỏi khô. Ảnh: Thanh Long - TTXVN
Ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ngoài nghề chính là đánh bắt cá thì cái nghề tiếp theo được gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó chính là trồng tỏi. Đi đến đâu ta cũng có thể nhìn thấy những đồng tỏi trải dài trên các vuông đất trắng, không biết có từ bao giờ nhưng nó là thứ không thể thiếu ở nơi đây.
Các vị “bô lão” trên đảo Lý Sơn kể: hòn đảo này xưa chỉ có cây cối rậm rạp, hoang vu, tàu thuyền đánh bắt cá thường ghé chân vào đảo để nghỉ ngơi và lấy nước ngọt, rồi những ngư dân đưa cả vợ, con ra đây sinh sống.
Cùng với sự hình thành của cộng đồng dân cư trên đảo Lý Sơn, người dân đã bắt đầu canh tác trên những vùng đất đồi. Trước đây, vùng đất này rất khó khăn, người dân trồng rất nhiều loại cây như: khoai lang, sắn, ngô, tỏi, hành… Tuy nhiên, sau quá trình trồng người dân nhận thấy về mặt kinh tế, thổ nhưỡng và thời tiết thì cây tỏi hợp nhất và mang lại kinh tế cao. Ngoài ra, theo quan niệm dân gian họ tin rằng cây tỏi có thể chữa được nhiều bệnh và trừ ma, quỷ...
Chính từ đó nảy sinh ra ý tưởng trồng tỏi. Những cư dân đầu tiên đó chẳng thể ngờ cây tỏi phù hợp với thổ nhưỡng trên đảo và tạo ra giống tỏi mang hương vị riêng của Lý Sơn. Đến nay, tỏi đã là cây trồng đặc trưng và chủ lực của huyện đảo này, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị sản xuất ngành trồng trọt.
Ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư huyện ủy Lý Sơn cho biết, hiện nay, trong nhiều loại tỏi có mặt trên thị trường thì tỏi Lý Sơn được xem là đặc sản quý hiếm. Tỏi ở đây có mùi thơm, vị cay nhưng vẫn dịu ngọt, kích thước nhỏ, củ tròn trịa. Không những thế, hàm lượng tinh dầu có trong tỏi Lý Sơn khá cao nên chẳng những được người tiêu dùng ưa chuộng dùng làm gia vị chế biến thực phẩm mà còn là nguồn dược liệu vô cùng quý giá chữa được nhiều bệnh, nhất là tiêu hóa và tim mạch.
Từ trên núi Thới Lới, nơi có miệng núi lửa đã tắt, những cánh đồng tỏi của làng An Vĩnh, An Hải hiện ra như một bức tranh làng quê thanh bình. Những cánh đồng trồng hành, tỏi phủ cát trắng, xung quanh xếp đá đen vuông vức như ô bàn cờ. Cả huyện đảo Lý Sơn có diện tích gần 10 km2, nhưng có đến 1/3 diện tích được trồng hành tỏi.
Bí thư, Chủ tịch xã An Hải, ông Ngô Đình Mẫn cho biết, riêng xã An Hải có 2.534 hộ thì có tới gần 2.400 hộ trồng tỏi trên tổng diện tích 171,5 ha. Trung bình mỗi hộ dân chỉ có từ 100 – 500 m2 để trồng tỏi.
Để làm được những củ tỏi với hương vị “tỏi Lý Sơn”, người dân trên đất đảo phải mất rất nhiều công sức, mồ hôi để cải tạo đất đồi núi thành những thửa ruộng nhỏ, bằng phẳng như những chân ruộng bậc thang lớn như bây giờ. Bên cạnh đó, một khó khăn không nhỏ nữa là công đoạn làm đất.
Ở Lý Sơn, cứ sau vài vụ tỏi, thậm chí là sau mỗi vụ, người dân lại phải thay đất và cát. Dưới trời nắng gắt, những người nông dân miệt mài san nền ruộng, dùng đầm nện đất phẳng lì sau đó rải một vài lớp đất mầu trộn mùn (thường là đất đỏ bazan đào trên núi) và cuối cùng là lớp cát trắng khai thác ngoài biển Lý Sơn. Đây cũng là chất đất làm cho hành và tỏi ở Lý Sơn có hương vị đặc biệt mà không nơi đâu có được.
Huyện Lý Sơn hiện sản xuất gần 330 ha tỏi, với sản lượng thu hoạch trung bình từ 8 -10 tấn/ha. Tổng sản lượng thu hoạch cả huyện ước đạt từ 2.000 - 2.500 tấn tỏi/vụ. Thường thì tỏi Lý Sơn được trồng vào mùa Xuân và được thu hoạch vào đầu tháng 3 Âm lịch. Sau đó người dân phơi khô rồi cho vào các bịch lưới có khối lượng 0,5 kg hoặc 1 kg để dễ vận chuyển đi xa, bán cho khách du lịch cũng như tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm.
Theo anh Nguyễn Văn Định, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh, chế biến hành tỏi Lý Sơn, trước đây tỏi Lý Sơn chưa được mọi người biết đến, nghề trồng tỏi ở đất đảo thường bị lỗ vì giá rất thấp nhưng người dân vẫn trồng. Thời gian gần đây, khi thương hiệu tỏi Lý Sơn được nhiều người biết đến, giá trị của loại cây này được nâng cao. Theo thời gian, trồng tỏi trên đảo Lý Sơn trở thành nghề chính và là nguồn thu nhập chủ yếu của người dân trên đảo. Nhiều hộ nông dân thoát nghèo, nhanh chóng làm giàu nhờ cây tỏi.
“Ở Lý Sơn còn có tỏi cô đơn, đây được xem là món quà của ông trời khi tỏi bị mất mùa. Vào những lúc đó, những củ tỏi còn sót lại trên ruộng thường là loại tỏi một nhánh (cây tỏi chỉ có một củ duy nhất) mà dân địa phương gọi là “tỏi cô đơn”.
Đây là loại tỏi rất giàu chất dinh dưỡng, dùng làm tỏi đen để chữa bệnh, có giá trị gấp 10 lần loại tỏi bình thường. Nếu giá 1 kg tỏi thường là 70 nghìn đồng thì giá tỏi cô đơn là 700 nghìn đồng, thậm chí có lúc lên tới 1,3 – 1,5 triệu đồng/kg. Tỏi một nhánh này rất có giá trị, người ta thường mua về trị bệnh thấp khớp, tim mạch… Tỏi một nhánh này rất hiếm và khó tìm. Có khi thu hoạch trên cả cánh đồng chỉ kiếm được vài củ.” anh Nguyễn Văn Định cho biết.
Trong những năm qua, dù còn nhiều khó khăn trong sản xuất do điều kiện tự nhiên, thiếu đất, cát sản xuất, giá cả biến động nhưng việc trồng tỏi vẫn được đảm bảo và có chiều hướng phát triển tích cực.
Những mùa tỏi qua đi, bên cạnh những khó khăn về thời tiết, có những lúc giá tỏi xuống kỷ lục, thậm chí người dân trước khi trồng đã biết 80% là thất bại nhưng những người nông dân Lý Sơn chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ nghề trồng tỏi. Với những cư dân trên đảo Lý Sơn, nghề trồng hành, tỏi còn mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện tấm lòng tri ân của con cháu nối dõi nghề của các bậc tiền nhân.
Tỏi chính là biểu tượng, sức sống và là niềm tự hào của người dân nơi đây khi mà mới đây, tỏi Lý Sơn Quảng Ngãi đã chính thức được đưa vào danh sách “Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam 2017” bên cạnh các cái tên khác như bánh đậu xanh Hải Dương, yến sào Khánh Hòa, cà phê Buôn Ma Thuột, kẹo mè xửng Thừa Thiên Huế …
Năm 2009, tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận thương hiệu nhãn hiệu tập thể.
Do giá trị của cây tỏi mà hiện ở Lý Sơn có tình trạng tỏi từ nơi khác vận chuyển ra đảo, trà trộn để bán xảy ra khá phổ biến. Tỏi từ khắp nơi được các thương lái vận chuyển ra đảo rồi trộn lẫn với tỏi Lý Sơn, bày bán công khai hoặc vận chuyển ngược lại vào đất liền dưới mác tỏi Lý Sơn.
Chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp can thiệp nhưng vẫn chưa ngăn chặn được việc mua bán gian dối này.
Để kiểm soát nguồn gốc tỏi, Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn đã nhiều lần thành lập đội kiểm tra đột xuất các cơ sở buôn bán tỏi trên đảo Lý Sơn.
Ủy ban nhân dân huyện cũng yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh tỏi phải ký cam kết không được trộn lẫn tỏi nơi khác với tỏi Lý Sơn để tiêu thụ dưới nhãn mác tỏi Lý Sơn.
Nếu chủ cơ sở kinh doanh bán tỏi của nhiều địa phương khác nhau thì phải có bảng chữ phân biệt nguồn gốc để tránh nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Để bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn bền vững, Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi, đơn vị tư vấn triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Theo đó, đơn vị tư vấn đã xây dựng những luận cứ, cơ sở khoa học các tiêu chuẩn chỉ dẫn địa lý như xác định mẫu đất, mẫu tỏi, nước, khí hậu, thổ nhưỡng, kỹ thuật canh tác để xác định chất lượng đặc thù tỏi Lý Sơn. Đến nay, đề tài này đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để trình cơ quan chức năng.
Tỏi ở Lý Sơn nổi tiếng, cả trong và ngoài nước. Bất cứ ai khi đến với Lý Sơn điều không quên mang về những túi tỏi để làm quà cho gia đình và người thân. Do đó, chính quyền và cả người dân đất đảo cần có giải pháp bền vững để giữ thương hiệu tỏi Lý Sơn, đưa tỏi Lý Sơn trở về với đúng giá trị vốn có của nó.