Tổng bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Bộ Chính trị quyết định một số nhân sự

Xin chia sẻ tới cộng đồng bài viết: Sau khi xem xét Tờ trình của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị đã quyết định một số trường hợp nhân sự thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, đăng trên Vietnamnet.vn

 

Hôm nay, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Bộ Chính trị để cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa 10 về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 và Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị khóa 10 về xây dựng, phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các ban đảng, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và tập thể lãnh đạo hai địa phương.

Chú thích ảnh

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự buổi làm việc

Sau khi nghe lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương báo cáo về những nội dung cơ bản của hai Đề án tổng kết, Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo tổng hợp ý kiến các cơ quan liên quan và ý kiến phát biểu của các ủy viên Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao Ban Kinh tế Trung ương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án đã chuẩn bị công phu, chu đáo, tiếp thu nghiêm túc, kỹ lưỡng ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng. Bộ Chính trị cơ bản tán thành những nội dung đã nêu tại Tờ trình và hai Báo cáo tổng kết.

Đánh giá tổng kết thực hiện Kết luận số 48-KL/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, Bộ Chính trị cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều cố gắng trong đổi mới tư duy, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, kinh tế tăng trưởng khá.

Thành phố Huế được ghi nhận là thành phố Festival của Việt Nam, thành phố văn hóa, du lịch ASEAN; quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được giữ gìn, tôn tạo. Đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân được nâng cao; tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Chú thích ảnh

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm thực hiện. Bên cạnh các kết quả đạt được, phát triển kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hệ thống đô thị phát triển chậm; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ. Công tác quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chưa thể hiện rõ bản sắc của Thừa Thiên Huế. Cải cách hành chính, công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy trên một số mặt còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cần triển khai nghiêm túc và thực hiện hiệu quả Nghị quyết, phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Chú thích ảnh

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Tổng kết thực hiện Kết luận số 60-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Bộ Chính trị đánh giá, thành phố Buôn Ma Thuột đã có nhiều cố gắng để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển, kinh tế tăng trưởng khá cao; trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, hướng tới một đô thị hiện đại, bản sắc vùng Tây Nguyên; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân được nâng cao; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm; hoạt động của bộ máy hành chính từng bước được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế thành phố Buôn Ma Thuột chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên. Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối với các tỉnh khác ngoài vùng chậm được nâng cấp. Công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững, an ninh, trật tự trên một số địa bàn, lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp.

Chú thích ảnh

Toàn cảnh Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Với mục tiêu đến năm 2030, Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc, là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên; là đô thị hạt nhân của chuỗi đô thị, cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên và tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Kết luận về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk triển khai nghiêm túc và có hiệu quả Kết luận; phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm sớm đưa Kết luận vào cuộc sống.

Cũng tại Hội nghị này, sau khi xem xét Tờ trình của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị đã quyết định một số trường hợp nhân sự thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị và cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng khác.

Theo TTXVN/Báo Tin tức