Một góc TP Thanh Hóa.
Hưởng ứng Cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban MTTQ Việt Nam triển khai vào tháng 5/1995 thì đến ngày 28/2, thành phố đã tiến hành chỉ đạo điểm khai trương xây dựng làng văn hóa Vệ Yên, xã Quảng Thắng (nay là phường Quảng Thắng), sau 1 năm thành phố có thêm 1 đơn vị đó là thôn 1, xã Quảng Hưng (nay là phường Quảng Hưng) khai trương. Trên cơ sở các tiêu chí xây dựng làng văn hóa do Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) quy định để phù hợp với tình hình thực tế, năm 1998, Ban Chỉ đạo thành phố tiến hành xây dựng tiêu chí “phố văn hóa”, tổ chức khai trương phát động xây dựng chỉ đạo điểm ở phố Hoàng Văn Thụ, phường Ngọc Trạo khai trương xây dựng phố văn hóa và cũng là đơn vị thứ 3 của thành phố khai trương xây dựng đơn vị văn hóa.
Quá trình triển khai thực hiện vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và được nhân rộng ra các đơn vị phường/ xã khác trên địa bàn thành phố. Nhờ có sự chỉ đạo sát sao với những cách làm linh hoạt, cụ thể, theo thời gian chất lượng phố, thôn văn hóa đã thường xuyên củng cố, nâng lên, vì vậy đã có nhiều phố, thôn có phong trào phát triển toàn diện, vững chắc như phố 10, 12 (phường Đông Sơn); phố Đội Cung 1 (phường Đông Thọ), Tân Lập (phường Trường Thi); phố 8, 10 (phường Ba Đình)...
Đặc biệt giữa năm 2008 thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch về việc “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện giai đoạn 2008 - 2010”, Ban Chỉ đạo thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai nội dung cuộc vận động đến phường, xã, các cơ quan, ban ngành trên địa bàn. Xác định các nội dung trọng tâm, bức xúc trong từng thời điểm để tập trung chỉ đạo thực hiện, lồng ghép cuộc vận động với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong quá trình thực hiện.
Vì vậy, phong trào ngày càng có chất lượng và hiệu quả hơn. Phong trào đã huy động được mọi lực lượng trong xã hội, cả hệ thống chính trị tích cực tham gia hoạt động xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần với phương châm xã hội hóa hoạt động văn hóa. Điều đó có ý nghĩa tác dụng to lớn, động viên sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển như kinh phí xây dựng nhà văn hóa phố, thôn; xây dựng đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ, các công trình phúc lợi công cộng, kinh phí hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... với số tiền hàng chục tỷ đồng góp phần xây dựng thành phố văn minh đô thị “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”, tiêu biểu như ở các phường Ba Đình, Ngọc Trạo, Điện Biên, Trường Thi...
Nhằm nâng cao chất lượng đơn vị văn hóa, thành phố đã rà soát danh hiệu các phố, thôn kể từ năm 2012 trở về trước. Năm 2013, UBND thành phố Thanh Hóa đã ban hành thông báo về hiệu lực công nhận danh hiệu đơn vị văn hóa đối với các phường, xã, phố, thôn đạt danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phố văn hóa”, “Thôn văn hóa” trên địa bàn thành phố. Nếu như đến tháng 10/2018 toàn thành phố có 143 cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, 24 cơ quan doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2014 - 2018, 395/421 phố, thôn đạt danh hiệu phố, thôn văn hóa, 10/17 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa NTM”... thì kết thúc năm 2019, đã có 17/17 xã đạt chuẩn NTM.
Việc thực hiện thành công xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở thành phố đã góp phần tích cực, quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng. Từ việc đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, phố, thôn văn hóa và bước đầu hình thành một số nghi thức mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, dần xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giữ gìn thuần phong mỹ tục, bài trừ mê tín dị đoan... từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Thành phố Thanh Hóa cũng là nơi có nhiều di tích, danh thắng và các lễ hội diễn ra trong năm. Tuy nhiên, nhờ được sự quan tâm chỉ đạo, đến nay lễ hội được thực hiện theo đúng quy chế của Nhà nước, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mang nét đặc trưng của thành phố. Nhiều di tích, danh thắng đã được xây dựng, trùng tu, tôn tạo khá khang trang với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng như: Khu Văn hóa tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài Lê Lợi, Thái miếu nhà Hậu Lê, chùa Tăng Phúc... đã góp phần bảo tồn di sản văn hóa phục vụ du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó để đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân ngày càng cao, nhiều doanh nghiệp, tư nhân đã đầu tư bỏ vốn, tiền của, công sức để xây dựng các công trình hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí như sân bóng đá, sân bóng chuyền, tennis...
Chia sẻ về giải pháp xây dựng phố văn hóa gắn với việc xây dựng đô thị văn minh - công dân thân thiện của thành phố trong thời gian tới, bà Lê Thị Thanh - Phó Trưởng phòng VHTT thành phố cho biết: “Thành phố tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh mà tập trung đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở gia đình, phố, thôn, cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, đặc biệt là xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, công dân thân thiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục cũng được tiến hành thường xuyên, liên tục để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân tham gia với ý thức tự giác; đẩy mạnh phong trào xã hội hóa hoạt động văn hóa, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia các CLB, tổ chức nhiều loại hình hoạt động tại nhà văn hóa phố, thôn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân tại cộng đồng dân cư...”.