Trao giải thưởng Văn học 2019 của Hội Nhà văn Việt Nam cho các tác giả đạt giải. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Năm 2019, Hội Nhà văn Việt Nam nhận được 188 tác phẩm của 162 tác giả tham dự giải thưởng. Trong đó, văn xuôi có 54 tác phẩm, thơ 84 tác phẩm, lý luận phê bình 28 tác phẩm và dịch thuật 22 tác phẩm.
Theo đánh giá của Hội đồng chấm giải, các tác phẩm tham dự giải thưởng 2019 nhiều hơn về số lượng, phong phú về nội dung, đa dạng về bút pháp, mỗi tác phẩm đều có những giá trị đóng góp nhất định cho sự nghiệp phát triển của văn học nước nhà.
Hội đồng chấm giải đã tuyển chọn và trao giải thưởng cho 8 tác phẩm văn học xuất sắc. Trong đó, giải Đặc biệt được trao cho tập ký sự "Trụ lại" của tác giả Hồ Duy Lệ.
Giải thưởng về văn xuôi được trao cho tập truyện ngắn "Quán Thuỷ thần" của tác giả Nguyễn Hải Yến.
Giải thưởng về văn học dịch được trao cho tập thơ "Kiếm hồ hoài cổ" - thơ chữ Hán của các nhà nho Việt Nam, bản dịch của Nguyễn Hữu Thăng.
Hai giải thưởng về thơ được trao cho tập thơ "Bay trong mơ" của tác giả Trần Quang Đạo và tập thơ "Nguồn" của tác giả Trần Quang Quý.
Mảng Lý luận phê bình năm nay "được mùa" với 3 tác phẩm đoạt giải gồm: Tập lý luận phê bình "Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học" của tác giả Phan Trọng Thưởng; "Những sinh thể văn chương Việt" của tác giả Lý Hoài Thu; "Tư tưởng và phong cách nhà văn những vấn đề lý luận và thực tiễn" của tác giả Trần Đăng Suyền.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phát biểu chúc mừng các tác giả đạt giải và hội viên mới. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: Nhìn chung những tác phẩm văn học tham dự giải thưởng năm 2019 đều nằm trong dòng chảy lớn của tiến trình đổi mới văn học hiện đại, đó là yêu nước, dân tộc, dân chủ, nhân văn và hội nhập tích cực. Từ các tác phẩm văn học, có thể nhận thấy, không gian sáng tạo đang được mở ra, tự do sáng tác được tôn trọng, quyền dân chủ trong tìm kiếm sáng tạo đang được đề cao. Trong số đó, tập ký sự lịch sử "Trụ lại" của nhà văn Hồ Duy Lệ được đánh giá là một cuốn tư liệu quý về những con người và vùng đất cách mạng Quảng Đà kiên cường.
"Trụ lại" là một "bảo tàng văn học" có giá trị tư liệu rất quý, là tác phẩm văn học cần thiết cho những ai muốn hiểu về quá khứ dân tộc, về giá trị của ngày hôm nay. Đây là tác phẩm bi hùng về một vùng đất tiêu biểu cho cả miền Nam sau năm 1954 và vùng dậy cho đến ngày giải phóng. Nếu ai muốn hiểu miền Nam sau năm 1954 khốc liệt, đau đớn như thế nào, vật vã, sống còn và khổ đau như thế nào thì phải đọc "Trụ lại", nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.
Tập truyện ngắn "Quán Thủy thần" của nhà văn Nguyễn Hải Yến cũng được Hội đồng chấm giải đánh giá là một trong những tác phẩm nổi bật của giải thưởng văn học năm 2019. Với ngòi bút tinh tế, sắc sảo và linh hoạt, Nguyễn Hải Yến đã có cái nhìn khá mới mẻ về đời sống người nông dân ở các làng quê Bắc Bộ ngày nay. Nhiều vấn đề nhạy cảm, rất khó viết, nhưng tác giả vẫn viết rất nhuần nhuyễn, sâu sắc.
Chúng ta đã có qua nhiều tác phẩm văn học viết về sai lầm, nỗi đau, những rạn nứt của xã hội trong cải cách ruộng đất, nhưng lại rất hiếm có tác phẩm viết về quá trình làm lành vết thương xã hội do cải cách ruộng đất gây ra. Nguyễn Hải Yến đã làm được điều đó. Tác phẩm của Nguyễn Hải Yến viết rất hay về việc sửa sai, viết về quá trình "khâu" lại sự "rạn nứt" của xã hội - đó là điều cần thiết cho xã hội hôm nay, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết.
Trao quyết định hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Nhân dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kết nạp cho 59 hội viên, là các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình thuộc các mảng thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, dịch, văn học thiếu nhi trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.