Trẻ em béo phì mắc COVID-19 có nguy cơ tiến triển nặng hơn trẻ em bình thường

HỘI NHẬP|| Theo GS.TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, trong mùa dịch, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng bồi bổ quá mức cho con với hi vọng làm tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, đây lại là một sai lầm nghiêm trọng.

Ghi nhận của báo Tiền Phong, từ sau tết tới nay, do dịch bệnh nên trẻ em, người lớn phải học tập và làm việc tại nhà. Việc thay đổi chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, thiếu hụt các hoạt động thể chất… là những nguyên nhân khiến cả trẻ em và người lớn đều tăng cân. Phổ biến là các trường hợp tăng từ 3 - 5kg, cá biệt có một số trường hợp tăng từ 9 - 10kg trong thời gian từ tết tới nay. GS Khánh cho biết, với những trẻ đã thừa cân, béo phì, nạp năng lượng quá mức có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ miễn dịch của trẻ. Với những trẻ cân đối, được nuông chiều thói quen ăn uống giai đoạn này có thể tạo thành đà tăng cân trong thời gian tới.

Việc thừa cân không chỉ gây khó khăn cho tim, não mà còn khiến sự tăng tiết hoóc-môn mất kiểm soát. Do đó không những không nâng cao mà khả năng phòng bệnh của hệ miễn dịch còn bị phá hỏng. Căng thẳng, stress cũng là một trong những yếu tố nguy cơ khiến tăng cân, đặc biệt ở người lớn. Ở nhà quá lâu trong một không gian chật hẹp, ít giao tiếp khiến nhiều người có cảm giác buồn chán và tìm tới đồ ăn như một cách giải tỏa tâm lý. Bác sĩ, TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng khẳng định, COVID-19 đang tác động tới vấn đề kiểm soát cân nặng. Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu nghiên cứu nào về tác động của các đợt dịch gây ra, song tại Ý và Nhật Bản, đã có thống kê, khoảng 1/3 dân số bị tăng cân trong mùa dịch.

“Hậu quả của thừa cân, béo phì thường khó nhận biết ngay, nhưng không thể xem nhẹ. Khi trẻ béo phì chẳng may mắc những bệnh lý như tiêu chảy, viêm phổi,... bệnh thường có xu hướng tiến triển nặng hơn, thời gian điều trị kéo dài”, TS Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Lâm sàng, tiết chế, Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay.

Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020. Cũng theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, có đến 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn mức bình thường. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu mới đây đã xác định béo phì là một yếu tố nguy cơ tiến triển các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng có thể phải nhập viện, phải chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ máy thở trong giai đoạn đầu của bệnh.

benh-nhan-covid-19-nang-16297666328881570745484-1632705259.jpegChú thích ảnh

Điều đáng lo ngại chính là béo phì thường không có triệu chứng gây khó chịu, người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng lúc này họ đã có nhiều khả năng bị các bệnh lý như đột quỵ, bệnh mạch vành, mỡ máu, xương khớp… Tâm lý chủ quan khiến người bệnh không đi khám, làm quá trình chẩn đoán sớm và điều trị trở nên khó khăn.

Để khắc phục tình trạng tăng cân, béo phì trong thời gian nghỉ dịch, giãn cách, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng để xây dựng bữa ăn hợp lý cho gia đình. Với trẻ thừa cân, béo phì, tuyệt đối không được giảm hay nhịn ăn, mà phải thực hiện chế độ ăn đủ nhu cầu vì cơ thể đang phát triển, đồng thời ăn hạn chế các loại chất béo, thức ăn giàu năng lượng, thức ăn nhanh, chế biến sẵn, bánh kẹo và nước ngọt. Ngay cả trong thời gian giãn cách, hạn chế ra ngoài, các gia đình vẫn có thể khuyến khích, tăng cường hoạt động thể dục trong nhà để tiêu hao năng lượng thừa nhằm giảm sự tích tụ chất béo và tạo sức bền cho trẻ.

BÉO PHÌ LÀ MỘT LOẠI BỆNH NỀN

Béo phí là 1 trong trong những bệnh nền sau có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19. Tại Quyết định hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà, Bộ Y tế ban hành Danh mục các bệnh nền có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19. Theo đó, cụ thể có những bệnh sau:

1. Đái tháo đường.

2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác.

3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác).

4. Bệnh thận mạn tính.

5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu.

6. Béo phì, thừa cân.

7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim).

8. Bệnh lý mạch máu não.

9. Hội chứng Down.

10. HIV/AIDS.

11. Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ).

12. Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác.

13. Hen phế quản.

14. Tăng huyết áp.

15. Thiếu hụt miễn dịch.

16. Bệnh gan.

17. Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện.

18. Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.

19. Các bệnh hệ thống.

20. Bệnh lý khác đối với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh-mắc phải.