Tri ân nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11): “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”

Ngày 20-11 năm nay là kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021). Cứ đến ngày này, tất cả các học sinh đều nhớ tới các thầy cô giáo của mình, những người không chỉ cho mình “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy) mà là cả một bồ chữ, bồ kiến thức và đạo lý để làm người.

clip1aq-1637377896.jpgCác nhà giáo nhận danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân" của Chủ tịch nước trao tặng. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

 

Cùng với nghề y, nghề thầy giáo được cả xã hội tôn vinh, quý trọng nhất, được gọi là “Thầy”, coi lao động của nhà giáo là lao động trí tuệ của giới trí thức, là “kỹ sư tâm hồn”. Dân ta đã đúc kết lưu truyền từ đời này sang đời khác: "Không thầy đố mày làm nên", "Trọng thầy mới làm được thầy", "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy",.. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm Trường đại học Sư phạm Hà Nội tháng 10/1964 chỉ rõ: Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng đất nước.  Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất.

duong-ninh-1637379430.jpgCác cựu sinh viên lớp Sử khóa 13 (1968 -1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) tặng hoa, kính chúc thầy: GS NGND Vũ Dương Ninh (U90) và gia đình sức khỏe, bình an, hạnh phúc bên con cháu thành đạt.

 

Trong bối cảnh gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 mang tính toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có giáo dục và đào tạo. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn l triệu giáo viên, giảng viên trong cả nước không được tới trường trong một thời gian dài. Hàng nghìn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn... Tuy nhiên, toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và cán bộ quản lý toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đã khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, sáng tạo, ứng phó với dịch bệnh và mang kiến thức đến cho học sinh, sinh viên.

clip1ab2-1637378155.jpgThủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

 

Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, hải đảo xa xôi, những thầy cô giáo đã vượt lũ, băng rừng, dạy học dưới mái trường đơn sơ... Đó là gương “cõng chữ” lên non của cô giáo Cao Thị Nga quê ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm tỉnh Quảng Bình đã tình nguyện lên vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam dạy học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Dơn, xã Trà Dơn. Gương  Cô giáo Lô Thị Thủy 43 tuổi,  đã vượt qua nghịch cảnh, từng 25 năm  trèo đèo lội suối đến vùng non cao để dạy chữ cho học sinh Trường tiểu học Nậm Nhoóng, là một trường vùng sâu, vùng xa và xóa mù cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Thầy giáo Giàng A Giống, một trong bốn thầy giáo người Mông, là người có thời gian gắn bó với điểm trường  vùng sâu, vùng xa hơn 10 năm, mang con chữ đến con em dân tộc Mông tại 3 bản Kể Cả, Háng Tày và Pú Vá của xã Chế Tạo.  Đây là “nơi cùng trời” của huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, là ngã ba giữa ba tỉnh Yên Bái - Sơn La - Lai Châu. Các hộ dân sinh sống nơi đây khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, không chỉ giao thông đi lại khó khăn mà còn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại…

clip1ab3-1637378361.jpg

Cô giáo Nga (người đứng thứ 5 từ phải sang) cùng  tập thể giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Dơn, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My. Nguồn: xaydungdang.org.vn

 

Với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, tri ân thầy cô giáo. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm hỏi, chúc mừng một số nhà giáo tiêu biểu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai cho trường này, khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn xác định giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.  Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được Nhà nước xác định là một trong hai trường đại học sư phạm trọng điểm của cả nước. Ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Con người, cán bộ, giảng viên là tài sản quý giá nhất của nhà trường chứ không phải trường to, lớp rộng, giảng đường đẹp. Cán bộ giảng viên của Nhà trường trước hết phải là những tấm gương về đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên và xã hội soi vào.

clip1ab4-1637378574.jpg   
Dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng cô Lô Thị Thủy vẫn nhiệt tình với công việc trồng người ở Trường tiểu học Nậm Nhoóng, là một trường vùng sâu, vùng xa và xóa mù cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Nguồn: TNO
 

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11,  gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước. Thủ tướng chia sẻ khó khăn, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và thành tích vượt khó của đội ngũ nhà giáo trên cả nước. Các thầy cô đã khắc phục khó khăn, thách thức để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn - ngay cả khi dịch bệnh ở thời điểm căng thẳng nhất. Các thầy, cô giáo, ngành Giáo dục và Đào tạo đã biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội, động lực để đổi mới giáo dục. Trong bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ đang và sẽ giải quyết sớm những vấn đề trước mắt để tạo điều kiện cho ngành Giáo dục và Đào tạo thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.  Chính phủ nhất quán quan điểm không để học sinh  học trực tuyến quá lâu; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án giải pháp khắc phục việc này theo lộ trình từng bước nhưng phải hết sức khẩn trương, đảm bảo an toàn chống dịch; triển khai từng bước tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh... Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập.

clip1ab5-1637378771.jpgCác thầy giáo tại điểm trường Kể Cả, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn để miệt mài truyền đạt những con chữ chữ, kiến thức cho học sinh con em đồng bào Mông nơi đây.  Nguồn: TTXVN

 

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu của xã hội với ngành giáo dục là xây dựng nhà trường theo định hướng tiên tiến, hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc, học sinh phải được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại, chú trọng phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu; có nền tảng tiếng Anh, tin học đạt chuẩn để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế; có thể chơi được ít nhất một môn thể thao; có kiến thức về âm nhạc, mỹ thuật và kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống…Để đáp ứng mục tiêu này, hơn ai hết, các thầy cô giáo phải không ngừng cập nhật, bồi dưỡng kiến thức để hoàn thành nhiệm vụ truyền thụ tri thức, hoàn thiện nhân cách cho học sinh. Phải đặc biệt quan tâm đầu tư cho giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, hải đảo xa xôi . Các thầy cô giáo cần được tạo môi trường thuận lợi để giảng dạy tốt nhất cũng như được bảo vệ chính đáng nhất.

Các thầy, cô giáo cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bậc phụ huynh và toàn xã hội đã dành cho thầy, cô giáo nói riêng và ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung sự quan tâm đặc biệt. Các nhà giáo tỏ rõ quyết tâm tiếp tục đem hết nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp trồng người, tất cả vì học sinh thân yêu.

V.X.B