Trần Bảo Khánh với sản phẩm giầy làm từ bã cà phê và nhựa tái chế (Ảnh: NVCC)
Sau nhiều năm là founder ở Silicon Valley, Mỹ, bà Lê Diệp Kiều Trang đã quyết định mang vốn và công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam. Hiện bà đang là Giám đốc tài chính công ty AREVO, đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Alabaster. Theo bà Trang, nếu nhìn vào chỉ số phát triển con người thì Việt Nam đứng ở hạng 118. Nhưng về chỉ số xếp hạng Việt Nam về Toán học, Khoa học, đọc hiểu thì Việt Nam lại đứng hàng thứ 12. Nếu xếp hạng theo GDP đầu người, Việt Nam ở nhóm khoảng 120-130 trên thế giới nhưng đội tuyển Việt Nam đi thi đấu Olympic Toán quốc tế luôn đứng trong top 10. Như vậy có thể thấy, Việt Nam có nguồn lực mạnh về con người, nhất là trong lĩnh vực Toán và khoa học kỹ thuật. Đó là lý do khi quyết định chuyển dịch đầu tư về Việt Nam, bà Trang đem theo vốn, công nghệ và đặt hoàn toàn niềm tin vào yếu tố con người ở Việt Nam.
Theo bà Trang, với sự hỗ trợ của công nghệ, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế mà không phải nước nào cũng có được là nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật tốt. Bà minh chứng quan điểm của mình bằng câu chuyện về startup Harrison AI hoạt động lĩnh vực y khoa được sáng lập bởi hai du học sinh người Việt tại Australia. Startup này đã đưa ra sản phẩm đầu tiên là annalise.ai, công cụ sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để chuẩn đoán hình ảnh X-quang lồng ngực. Với đội ngũ 150 bác sĩ chuẩn đoán hình ảnh ở Việt Nam, chỉ trong vòng 1 năm, Harrison Al đã cho ra đời sản phẩm đầu tay là ứng dụng đọc phim X-ray lồng ngực. Trong khi các sản phẩm tương tự trên thị trường chỉ chẩn đoán được 21 loại bệnh thì annalise.ai của các bác sĩ tại Việt Nam có thể chuẩn đoán được 124 loại bệnh. Sản phẩm này đã được công nhận và cho lưu hành ở các bệnh viện tại Australia, châu u, đang chờ được đưa vào sử dụng tại Mỹ.
Cũng như bà Trang, thời gian qua đã ghi nhận nhiều startup người Việt ở nước ngoài trở về nước khởi nghiệp do nhìn thấy những thế mạnh và tiềm năng cũng như giải pháp, động thái để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trần Bảo Khánh là 1 trong 2 đồng sáng lập công ty Rens Original chuyên sản xuất giày chống nước từ bã cà phê và nhựa tái chế ở Phần Lan với hơn 20 nhân viên đến từ hơn 10 quốc gia. Ngoài trụ sở Phần Lan, Rens còn có văn phòng đại diện, nghiên cứu phát triển sản phẩm ở Việt Nam. Năm 2020, Rens đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất giầy từ Trung Quốc về Việt Nam và hiện 100% hoạt động sản xuất của công ty đều đang diễn ra ở Việt Nam một cách khá thuận lợi. Theo ông Khánh, trong 10 năm qua, công nghệ và chất lượng sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong ngành da giày và quần áo của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Cùng với đó, sự hỗ trợ của Nhà nước, nguồn nhân lực Việt Nam dồi dào chính là những yếu tố giúp cho Rens và nhiều doanh nghiệp khác gặt hái được thành công. Hiện nay, sản phẩm của Rens đang được bán tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy hiện có khoảng 50 hội trí thức và mạng lưới trí thức người Việt đã thành lập tại các nước, có hơn 500.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đang làm việc ở các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty kỹ thuật và công nghệ cao tại các nước và nhiều tổ chức quốc tế. Nhiều bạn trẻ là thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3, các du học sinh Việt Nam đã bước đầu thành công tại các trung tâm khởi nghiệp lớn của thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, để có thể phát huy hơn nữa sức mạnh, trí tuệ của đội ngũ trí thức, chuyên gia, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, trí thức Việt khi tham gia vào hoạt động trong nước, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục xây dựng và triển khai các chính sách thu hút một cách toàn diện. Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số trọng tâm hoạt động triển khai "Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025". Mạng lưới này sẽ góp phần thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, trong đó có nội dung tiếp thu ý kiến từ kiều bào để kiến nghị các giải pháp góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc của cộng đồng người Việt ở nước ngoài khi phát triển doanh nghiệp, tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.