Trò diễn trong Hát trống quân Đức Bác ở Vĩnh Phúc

Hát trống quân Đức Bác ở Vĩnh Phúc là loại hình diễn xướng dân gian, hội tụ các yếu tố văn hóa, nghệ thuật khác nhau. Tuy nhiên trong bài tham luận này, chúng tôi đề cập tới một trong những khía cạnh nhỏ của loại hình này, đó là: Trò diễn và một vài yếu tố múa.

trong quan

Một buổi tập hát trống quân Đức Bác ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc

Về mảng trò diễn

Những câu hát mang tích chuyện về Thần thành Hoàng, về Công chúa con Vua Hùng đi thuyền rồng trên sông bị đắm, ba cô thôn nữ Phù Ninh đi hái dâu nuôi tằm bị lũ cuốn, tục thờ bốn vị thánh mẫu trong đình vv...Những câu hát mang giá trị cầu con cái, cầu mùa được thể hiện. Những yếu tố trên được diễn tả bằng các mảng trò mà phương tiện chuyển tải là những câu hát đối thoại mang tính hành động, những yếu tố trò chơi, các động tác đánh trống, kéo yếm, mò cá...bằng những tổ hợp động tác của múa...

Có thể thấy trong điệu hát Cài huê và Mó cá thể hiện rõ nét nhất về mảng trò diễn, lột tả câu chuyện mó cá mà bản chất là chuyện nam nữ bông đùa, gần gũi, cầu mong giá trị phồn thực về sự sinh sôi phát triển. Hát mó cá hàm chứa trong đó cả một tích truyện trai gái bắt nhau, diễn tả bằng những câu nói lối, những lời hát mang tính đối thoại hàm chứa yếu tố hành động, cùng với những động tác múa, động tác bắt cá phụ họa. Đây có thể coi là mảng trò điển hình của những mảng trò diễn độc đáo trong loại hình Hát Trống quân Đức Bác.

Khi trình diễn Cài huê, các cánh hoa khi khép vào như ôm lấy nhụy hoa, khi nở ra để nhụy hoa vụt đứng thẳng lên rồi các cánh hoa lại từ từ khép lại rất "mời gọi bướm ong". Khi trình điễn điệu Mó cá, các cô đào tay vỗ, miệng hát "là vông vông tập, vông tập tầm vông". Tiếng hát giả tiếng trống cơm là lời thách thức các chàng trai trổ tài phá lưới. Các chàng trai ở trong thành con cá vẫy trong tấm lưới tuyệt diệu ấy và ngân nga những giai điệu tình tứ.

Mồng một cá đi ăn thề

Mồng hai cá về, cá vượt vũ môn

Làm trai lấy được vợ khôn

Khác nào cá vượt vũ môn hóa rồng…

Các chàng trai chân đạp, tay mò, miệng hát:

Đánh liếc hay là đánh le 

Gọng dậm anh cứng anh đè riệc rô.

Kết câu hát, họ nhảy vào ôm đào, các cô đào nhanh chân né tránh, đỉnh điểm là đoạn hát Mó cá rồi Mó người:

Mò đấy ta lại mò đây

Mò đấy không được lại đây ta mò

Mỗi lần hát đến câu “lại đây ta mò”, chàng trai lại vươn tay chụp vào ngực cô đào. Cũng nhanh không kém là những cánh tay cô đào khép lại, bắt “cá”. “Cá” bị lưới bắt sẽ bị phạt một thúng thóc nhưng cũng không ít chàng trai cắn răng chịu mất một thúng thóc chứ nhất định không chịu rụt tay về.

Là vông vông tầm vông tập tầm vông

Chúng ta đánh cá bóng giăng

Cá thời chẳng được thung thăng anh bắt đào

Là vông vông tầm vông tập tầm vông

Về tổ hợp động tác múa

Từ những giai điệu, tiết tấu trong mỗi câu hát đã hình thành nên các tổ hợp động tác múa, mà bản chất là cử chỉ, điệu bộ của người thể hiện. Không nằm ngoài khuôn khổ của loại hình múa dân gian, các động tác múa trong hát Trống quân ở Đức Bác đều do người nông dân thể hiện, nó đơn giản. Nếu như ở những tác phẩm múa hiện đại thì ngôn ngữ hình thể được thể hiện một cách tổng hòa từ cử chỉ của chân tay, cơ thể, đầu, ánh mắt cho đến các tuyến...đều rất đa dạng, phức tạp và khó thực hiện, thường chỉ do các diễn viên múa chuyên nghiệp mới thực hiện được. Múa dân gian thường là tập thể người tham gia có động tác đơn giản giống nhau, tạo thành hình khối. Múa trong hát Trống quân Đức Bác cũng vậy, các động tác đơn giản, người thể hiện cũng là những người nông dân sắm vai các chàng trai, cô đào để vào lễ hội.

Có thể phân thành 3 nhóm động tác cơ bản trong múa phụ họa cho lời ca của hát trống quân Đức Bác:

Động tác chân:

Hầu hết trong các động tác chân khi tham gia múa của cả nam và nữ đều đơn giản, không xoay chuyển nhiều, không dùng mũi hay gót chân với các động tác khó. Chân chủ yếu tiến, lùi, sang trái, sang phải, chếch trái, chếch phải, quay vòng nhưng vẫn là sự chuyển đổi từ những động tác chân như vừa mô tả chứ không xoay chân trụ, theo tiết tấu nhịp 2/4 của lời ca được thể hiện cùng nhịp trống. (Ví dụ: Em đố/ anh biết/ huê gì... Hát như nói, 2 từ một nhịp tương xứng với một bước chân). Có thể thấy động tác chân trong múa phụ họa cho hát trống quân rất đơn giản, dễ thực hiện.

Động tác tay:

Các động tác tay của cả nam và nữ cũng đều hết sức đơn giản. Có thể thấy 2 nhóm động tác xuất hiện trong suốt quá trình diễn xướng: Múa phụ họa khi hát có trống nhỏ đánh kèm; và múa phụ họa khi người múa không dùng trống con mà múa theo tiết tấu của trống cái tại sân đình.

Hát đánh trống con làm nhịp: Bên nữ cầm trống dâng lên theo nhịp bước chân lên và hạ trống xuống theo nhịp lùi về. Bên nam lùi và gõ trống khi bên nữ tiến, dơ dùi trống lên và tiến khi nữ lùi, tất cả chỉ có 2 động tác như vậy. Hát, nhịp trống, động tác tay hòa thành một.

Hát đánh trống cái làm nhịp: Khi những người tham gia hát không đánh trống con mà theo nhịp trống cái của ông chủ Hội thì nam dùng 2 dùi trống gõ vào nhau, hoặc gõ vào tang trống thành nhịp đuổi theo nhịp phách của trống cái. Còn bên nữ thì múa tay, động tác 2 tay úp đưa từ bụng ra phía phải  rồi ngửa bàn tay rồi lại đưa về vị trí ban đầu, rồi đưa sang trái, đưa ra phía trước, hai bên hông cũng với những động tác như vậy, chỉ khác nhau ở hướng chuyển.

Động tác cơ thể:

Có thể nói động tác cơ thể chính là sự điều hòa của 2 động tác chân và tay hợp lại. Cơ thể di chuyển về phía trước, lùi phía sau, sang ngang và có thêm động tác nghiêng người sang trái, phải và di chuyển vòng tròn.

Những động tác tay, chân, cơ thể tạo thành những tổ hợp động tác múa uyển chuyển theo tiết tấu nhịp 2/4, mọi động tác đơn giản. Tuy nhiên nó đã đáp ứng được sự diễn giải cho việc hát Trống quân Đức Bác, góp phần đa dạng vào loại hình nghệ thuật trình diễn này.

Mảng trò diễn và những động tác múa trong hát Trống quân Đức Bác là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đơn giản, dễ thực hiện. Do vậy, trong môi trường diễn xướng của hát Trống quân Đức Bác có thể thu hút khách du lịch tham gia trải nghiệm.

Trống quân Đức Bác gắn liền với tiệc cầu đinh và yếu tố phồn thực cổ xưa cầu mùa màng tốt tươi; trong quá khứ và thực tại cũng vậy. Tuy nhiên, nếu để loại hình di sản này có sức sống mãnh liệt trong đời sống của người dân Đức Bác và sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng cần phải có sự giúp đỡ vào cuộc của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, mà việc đầu tiên cần làm là khôi phục ngôi đình làng xưa, không gian diễn xướng chính của Trống quân Đức Bác.

Quảng bá, phát triển du lịch hướng về miền di sản Trống quân Đức Bác, du khách trải nghiệm cùng các trò diễn, múa, hát (Nhưng không phá vỡ không gian thiêng và thành phần nghi thức hát chính của tiệc cầu đinh tại cửa đình). Đồng thời du khách có thể cũng được đóng góp lễ tham gia tiệc cầu đinh, cầu may mắn cho mình như là những thành viên của người dân trên quê hương Đức Bác.