Ấn tượng của Toàn về hai chàng thợ xây trái ngược nhau. Một người là Vĩnh thì làm rất nhanh, nhưng ẩu, tốn vật liệu, nói chung là thiếu trách nhiệm cả với chủ thầu và chủ nhà. Còn người kia là Hiển thì làm nắn nót nên chậm, do đó rất chắc chắn, đẹp mắt nhưng không được nhiều việc. Nếu xét từ một chủ nhà, thì Toàn đương nhiên thích Hiển hơn, còn chủ thầu thì không thích anh. Chính vì thế, cậu ta liên tục bị Vĩnh và nhiều người trong tốp thợ trêu chọc, dè bỉu, thậm chí coi thường, tất cả vì thói quen cẩn thận mà chậm như rùa ấy.
Chẳng hiểu sao, khi đó Toàn có linh cảm rằng chính Hiển sẽ là người thành công trong cuộc đời hơn. Anh cũng thường động viên Hiển, khi cánh thợ cứ mỉa mai, tẩy chay anh. Dù ít nhiều có sự lệch pha, nhưng vì có rất nhiều cái chung, nên Toàn giữ quan hệ có phần khách xáo, để ba người đồng niên, đồng ngũ gần gũi nhau. Vào buổi chiều tối, khi thì người này gọi, khi thì người kia mời, kéo nhau đi nhậu. Cũng chỉ là quả xoài hay cái đầu gà, bộ lòng cá, uống rượu cuốc lủi nút lá chuối thôi, nhưng vui và thân thiết. Vẫn là Toàn liên tục phải can gián Vĩnh nửa đùa nửa thật cứ ganh ghét, công kích Hiển. Tuy thế, khi căn nhà hoàn thành thì công việc đưa đẩy những chàng thợ xây đi xa, ba người họ mất liên lạc với nhau.
Bẵng đi rất lâu, đến gần 30 năm, cuộc đời đưa đẩy, hôm đi tiêm vaccine cúm Tàu (Covid-19), Toàn gặp lại Vĩnh. Lúc đầu, anh chỉ thấy quen quen nhưng không nhận ra chính xác người này là ai, mãi sau chính Vĩnh chủ động gọi trước. Vì quy định phòng dịch nên hai người chỉ đứng xa, nói mấy câu rồi trao đổi số điện thoại, Zalo, Facebook. Thể hiện sự quan tâm, Toàn hỏi thêm:
- Ơ thế lâu Vĩnh có thường gặp Hiển không?
- Không, mà cái thằng đểu ấy có chơi với ai đâu? Không một ai thương nó cho được. Sau khi làm xong nhà cho Toàn, tớ theo cánh thợ cũ đi làm ở TP HCM, còn Hiển bị chủ thầu Ban từ chối, nên ở lại đi làm cho cánh chủ thầu Quy.
- Từ ngày ấy không gặp nhau à?
- Có, hơn 10 năm sau về cưới đứa em, tớ có gặp lại, thì Hiển đã thành con rể ông chủ thầu Quy. Nó khéo nịnh nên được ông Quy cho kế nghiệp, thay ông ấy đi duy trì hoạt động của cánh thợ, rồi sau nâng cấp thành công ty.
- Thế bây giờ?
- Ôi, cậu không biết à? Ếch nhái nhảy tót lên bàn thờ, Hiển giờ chính là ông chủ của công ty Thành Hiển chuyên về xây dựng đấy. Thành đạt, cậu ấy vênh vênh váo váo, có coi ai ra gì đâu?
Thấy cách nói của Vĩnh, thì Toàn hiểu giữa hai người vẫn vậy, không có sự đồng quan điểm, vì thế anh hỏi để tìm cách kết nối với Hiển chứ tính Vĩnh thật khó hoà đồng:
- Cho tớ xin số điện thoại Hiển với.
- Trang web và fanpage của công ty trên Facebook có đủ thông tin, chẳng cần tớ cho đâu. Với tớ ghét thằng ấy, chẳng liên lạc nữa từ lâu rồi, mất số điện thoại.
- Vậy à, tớ cảm ơn nhé.
Ngay khi về nhà, Toàn đã xem trang web, fanpage của công ty Thành Hiển. Nghiên cứu luôn cá nhân chủ tịch kiêm giám đốc công ty Phan Thành Hiển, anh cũng xem luôn thông tin về Vĩnh. Hoá ra, đó là sự đối lập giữa thành công và thất bại. Doanh nghiệp của Hiển thành công rực rỡ trên thương trường, giờ trong tay anh có cả ngàn công nhân, thầu xây dựng khắp từ Bắc vào Nam. Kết nối với Hiển, anh mừng lắm, hẹn hết dịch sẽ tổ chức gặp gỡ. Mọi điều Vĩnh nói về Hiển với sự thiếu thiện chí đều không chính xác, Hiển vươn lên bằng chính sự cần cù, trung thực của một người thợ chân chính. Toàn chợt nhớ lại, chính linh tính trực giác của mình đã đúng khi cho rằng Hiển sẽ thành công trong cuộc sống hơn, vì trong anh đầy sự trung thực, ý thức trách nhiệm, ý chí vươn lên và tràn đầy nghị lực. Còn Vĩnh cả đời chỉ làm một thợ ẩu thì càng dè bỉu, ghen ghét bao nhiêu, đời cậu ta càng chìm lỉm bấy nhiêu mà thôi.
Ngẫm: Một người lòng đầy đố kỵ, ghen ghét thì rất khó thành công, còn người thành công thì không thể là người ganh ghét đố kỵ, nhất là gato với người thông minh hơn, giỏi hơn, thành đạt và giàu có hơn mình. Người trung thực, thật thà, luôn có ý chí vươn lên, giàu nghị lực vượt qua khó khăn chưa chắc đã thành công rực rỡ, nhưng lòng luôn thanh thản vì không sân si. Ngược lại, người thành công chắc chắn cần sự trung thực, có ý chí vươn lên và nghị lực vượt khó.
Bởi vì, đó là nhân quả, là sự công bằng mà.
Theo Chuyện quê